Trailer phim Land of Mine
Land of Mine do nhà làm phim Đan Mạch Martin Zandvliet biên kịch kiêm đạo diễn. Bộ phim là sản phẩm hợp tác giữa Đức và Đan Mạch, đã giành được 26 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế. Land of Mine được đề cử Oscar hồi đầu năm nay ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Bộ phim Land of mine (2015) của đạo diễn Đan Mạch Martin Zandvliet có đề tài giống với phim Việt Nam Sống trong sợ hãi (2005) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đến bất ngờ.
Land of mine (tạm dịch: Mảnh đất mìn) lấy bối cảnh mùa xuân năm 1945, khi phát xít Đức thua trận, hàng ngàn binh lính Đức bị bắt làm tù binh đã bị bắt phải làm sạch bãi mìn ở bờ biển Đan Mạch. Đó chính là những bãi mìn do Hít-le yêu cầu cài đặt khi Đức còn chiếm đóng Đan Mạch.
Dù hành động này của Đan Mạch vi phạm Công ước Geneva ký kết năm 1929 nhằm bảo đảm an sinh cho các tù nhân thời chiến. Nhưng người Đan Mạch nghĩ rằng, điều đó là xứng đáng với những tên phát-xít.
Một sĩ quan Đan Mạch tên là Rasmussen đã đưa một nhóm tù binh Đức ra bãi biển gỡ mìn. Ngay từ đầu ông ta đã có những hành động đầy căm hận, trút giận lên lũ "tham tàn phát xít".
Ông ta đánh đập, bỏ đói đám tù binh, và được sự khuyến khích của cấp trên là người Anh.
Không lâu sau, ông nhận ra, 14 cậu trai ông đang hành hạ chỉ là những đứa trẻ (15 đến 17 tuổi) đã được huy động cho cuộc chiến vào phút chót. Chúng chẳng biết gì về chiến tranh. Tình cảm của ông với đám tù binh dần dần thay đổi.
Land of mine đã khai thác mối quan hệ mối quan hệ tâm lý đầy phức tạp giữa bên thắng cuộc (chính nghĩa) với bên thua cuộc (phi nghĩa) tương tự bộ phim Việt Sống trong sợ hãi.
Nhân vật Tải trong phim Sống trong sợ hãi là lính của Việt Nam Cộng hòa, sau chiến tranh phải sống trong tủi nhục trên chính quê hương của mình.
Điều trớ trêu nhất của Tải là anh ta làm con rể của một gia đình quân giải phóng. Anh trai vợ cả của Tải, làm việc trong chính quyền sau giải phóng cay đắng vì em gái của mình kết hôn với một kẻ "bán nước" không ngừng trút giận lên Tải.
Cá nhân Tải vì không thể tìm được việc làm ở bất kì đâu, nên anh ta buộc phải đi rà phá bom mìn trộm để kiếm phế liệu nuôi vợ con.
Cả hai bộ phim đều tập trung vào việc khắc họa số phận của những tù binh sau chiến tranh trên những cánh đồng bom. Tải phải rà phá bom mìn trên chính quê hương của anh để mưu sinh. Còn 14 cậu thiếu niên Đức trong Land of mine có nhiệm vụ phải dỡ được 60.000 trái mìn trên bờ biển Đan Mạch trong vòng 3 tháng mới được hồi hương. Đó gần như là một công việc tự sát.
Những tù binh đức trẻ tuổi luôn ngóng được về quê hương
Tuy nhiên, Sống trong sợ hãi chỉ dành một nửa thời lượng để khai thác sự nguy hiểm, sợ hãi trong công việc rà mìn của Tải. Phần còn lại dành để khai thác mối quan hệ trớ trêu của anh ta với hai người vợ, và ông anh vợ cả.
Land of mine dành toàn bộ thời lượng mô tả sự nguy hiểm của công việc rà phá bom mìn. Nhất là khi công việc này được giao cho những thanh niên gần như không có chút hiểu biết nào về bom mìn.
Đoạn đầu phim Land of mine, là một trường đoạn thực sự kinh dị. Sau khi được học lý thuyết, mỗi tù binh mang một quả mìn vào trong một phòng kín để tháo kíp. Từng người, từng người vào trong phòng, tay run, trán vã mồ hôi trước quả mìn.
Nếu mỗi lần Tải đối mặt với một quả mìn thì âm nhạc tạo cảm giác hồi hộp được tấu lên trong phim.
Thì đạo diễn Land of mine khai thác sự hồi hộp trong im lặng. Đó là sự im lặng chết chóc. Và khán giả luôn sống trong cảm giác thấp thỏm vì không biết lúc nào mìn sẽ nổ.
Cuộc sống của 14 thanh niên trên bãi biển Đan Mạch sau đó là một chuỗi ngày sống trong sợ hãi.
Trên bãi biển có rất nhiều loại mìn, với cách chôn, lắp rất khó lường. Không biết bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu cẩn thận mới là đủ. Cái chết rình rập trên đầu bất cứ kẻ nào nói ra ước mơ được trở về nhà.
Land of mine sẽ được chiếu tại liên hoan phim Đức bắt đầu từ 6 đến 26-9, diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Khán giả có thể xem lịch chiếu tại đây.
Một số hình ảnh của phim:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận