Bác sĩ Minh (phải) điều trị cho bệnh nhân tại khoa cấp cứu Bệnh viện Gò Vấp - Ảnh: HỮU KHOA |
Trong câu chuyện của bác sĩ Minh, bác sĩ Phạm Hữu Quốc là một vế rất quan trọng trong việc thu hút nhân tài. Bởi vì người thật sự có tài không thiếu ở Việt Nam nhưng cách đối xử, cơ chế không phù hợp... nên việc chảy máu chất xám đã xảy ra. Ngành y tế và bà bộ trưởng cần quan tâm vấn đề này |
Trinhhuynh7014@... |
* Thật sự cảm kích
Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết này. Thật sự cảm kích về một thanh niên tuổi trẻ phơi phới, bình thản chọn con đường về Việt Nam để thực hiện ước mơ làm nghề, không so đo, tính toán thiệt hơn. Bác sĩ Minh còn được gia đình ủng hộ hết cỡ. Làm việc bằng trách nhiệm, y đức, trái tim nhân hậu, bác sĩ Minh xứng đáng để lớp trẻ nghĩ suy.
Qua câu chuyện của bác sĩ Minh, mỗi bạn trẻ cần nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão và biến những mơ ước đó thành sự thật. Nếu xã hội càng thêm nhiều gương tốt như bác sĩ Minh thì đất nước chúng ta sẽ không ngừng phát triển.
* Đáng trân trọng
Tôi cũng đã từng đưa người nhà tôi đi bệnh viện rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi gặp vị bác sĩ nào như bác sĩ Minh. Hành động và việc làm của bác sĩ rất cảm động và đáng trân trọng, nhất là ở thời điểm hiện nay. Mong rằng khi bài báo này viết lên sẽ có rất nhiều bác sĩ tận tình như thế, đó là niềm an ủi với bệnh nhân.
* Hình ảnh mong ước
Khoan hãy nói về chất lượng y học của bác sĩ Minh, chỉ với lòng nhiệt tình và cách hành xử của bác sĩ Minh là chịu khó lắng nghe ý kiến của bệnh nhân, lo lắng cho bệnh nhân... thì tôi nghĩ trong khoảng thời gian ngắn bác sĩ Minh sẽ trở thành bác sĩ giỏi.
Đây là hình ảnh về một người bác sĩ mong ước của nhiều người dân. Mong rằng hình ảnh của vị bác sĩ này lan tỏa trong ngành y tế nước nhà để chất lượng phục vụ của ngành y tế Việt Nam được nâng cao hơn và sánh vai với bạn bè quốc tế.
* Bài học cho con tôi
Vợ chồng tôi có con trai và con dâu đều tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, hiện các cháu đang làm bác sĩ tại các bệnh viện ở thủ đô. Tuy vậy, vì chúng tôi đang ở Mỹ nên vẫn muốn các con qua Mỹ làm việc (mặc dù có thể phải học thêm một số chứng chỉ mới được cấp bằng và hành nghề).
Đọc bài viết của Tuổi Trẻ về bác sĩ Minh, tôi ngạc nhiên, và cũng có chút “nghi ngờ” (vì bác sĩ ở Mỹ lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng, môi trường xã hội tốt)... Tuy nhiên, 7 tháng làm việc của bác sĩ Minh qua bài viết của Tuổi Trẻ làm tôi vô cùng cảm phục.
Có thể tôi vẫn cho các con qua Mỹ tham vấn các trường đào tạo bác sĩ và môi trường làm việc trong các bệnh viện nhưng sẽ không quên nhắc các con đọc bài báo này để có thể tự lựa chọn cho mình một hướng đi tốt nhất. Vì suy cho cùng, đã hành nghề chữa bệnh cứu người thì ở đâu trên thế giới này cũng đều đáng trân trọng.
* Lan tỏa tấm gương tốt
Trên hết là vị bác sĩ giám đốc Bệnh viện Gò Vấp đã nhanh tay “giữ” người có tài, có tâm. Phỏng vấn nhân sự chỉ là khâu gặp gỡ, còn khi “gặp người, biết người, dụng người” mới là vấn đề then chốt.
Bác sĩ Minh trẻ, tài, tận tâm, không vụ lợi, hay đúng hơn đã thực hiện đầy đủ chức năng của một “lương y như từ mẫu” thì giám đốc Bệnh viện Gò Vấp đã tìm thấy “viên ngọc” và cần phải “gọt giũa” cho ngọc đẹp hơn, trong sáng hơn. Bác sĩ Minh sẽ là tấm gương tốt cho các bạn trẻ ngành y, cần lan tỏa tấm gương này.
* Cần quan tâm giữ người tài
Thật sự cảm phục bác sĩ Minh. Tuy nhiên tôi nghĩ Nhà nước cần phải điều chỉnh chính sách lương hợp lý cho bác sĩ để các bác sĩ có thể yên tâm phục vụ bệnh nhân. Hiện tại bác sĩ Minh còn trẻ, điều đáng quý là Minh không màng đến cuộc sống thoải mái của bản thân, nhưng sau này bác sĩ Minh sẽ bị áp lực về việc nuôi sống gia đình.
Vì vậy tôi tha thiết mong Nhà nước hãy cân đối về tiền lương, dành mức cao hơn cho ngành y. Nếu mức lương dành cho bác sĩ không được điều chỉnh thì nhiệt huyết của những người trẻ như bác sĩ Minh sẽ khó có thể lâu dài.
Sẽ đề xuất chính sách thu hút người tài Bà Nguyễn Thị Thu Hà, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế TP.HCM, cho biết bác sĩ học từ Mỹ, Úc sau đó về TP.HCM làm việc như bác sĩ Trần Hoàng Minh, khoa cấp cứu Bệnh viện Gò Vấp, là rất hiếm. Hiện nay, Sở Nội vụ TP.HCM có một chính sách chung cho những người được đào tạo ở nước ngoài về TP.HCM làm việc chứ ngành y tế chưa có chính sách riêng. Theo bà Thu Hà, nghề y có những đặc thù riêng nên rất cần có chính sách riêng để thu hút những bác sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có tâm huyết với nghề về TP.HCM làm việc. Sắp tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ đề xuất với UBND TP về chính sách này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận