
Đội Sunflower với dự án Nước cắm tươi Sunflower - quán quân Tài năng Kinh tế đối ngoại lần thứ 14
Sau nhiều năm, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã và đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều cộng đồng sinh viên trên cả nước.
Học phần "kỹ năng khởi nghiệp"
Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại (COFER), khởi nghiệp đã trở thành một phần trong chiến lược đào tạo nghề bài bản và xuyên suốt. Nhà trường triển khai học phần "Kỹ năng khởi nghiệp" chính khóa, đồng thời xây dựng một chuỗi hoạt động đồng bộ, từ hội chợ sinh viên, phản biện ý tưởng, đến chương trình cố vấn và hỗ trợ tài chính từ Quỹ khởi nghiệp nội bộ.
Các dự án tiêu biểu sẽ được "ươm mầm" trong khuôn viên trường và đưa ra "thi thố" tại nhiều sân chơi tầm quốc gia như Startup Kite, CiC, NTTU Start-up Open Day, góp phần khẳng định năng lực cạnh tranh của sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp.
Tiêu biểu trong số đó là dự án Sunflower - nước cắm hoa tươi được sản xuất theo hướng tự nhiên, thân thiện môi trường, từng giành ngôi vị quán quân cuộc thi "Tài năng Kinh tế đối ngoại" lần thứ 14. Dự án đến nay đã xây dựng mô hình sản xuất quy mô nhỏ tại trường và phát triển kênh bán hàng trực tiếp đến các hộ dân, cửa hàng hoa tươi ở TP.HCM.
Hay BTCOCO - chuỗi sản phẩm từ gáo dừa như ly, muỗng, dĩa, đồ trang trí - vừa khai thác nguyên liệu rẻ tiền, vừa truyền cảm hứng sống xanh và thu hút sự quan tâm của các cửa hàng quà tặng thủ công.
Đặc biệt, Soffee Tree - thương hiệu đồ uống của sinh viên ngành kinh doanh quốc tế - không dừng lại ở ý tưởng, mà đã vận hành thử nghiệm tại hội chợ trường, có doanh thu thật và được lên kế hoạch mở rộng thành chuỗi nhỏ với mô hình nhượng quyền nội bộ.
TS Lê Ngọc Trung - hiệu trưởng nhà trường - cho biết mỗi năm trường dành ra khoảng 100 triệu đồng để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên trong trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn hỗ trợ kết nối các dự án tiềm năng với những nhà đầu tư, quỹ đầu tư phù hợp. Điểm chung của các dự án là đều đi từ nhu cầu thực tế, giải quyết những bài toán cụ thể trong cuộc sống.
Ứng dụng công nghệ thực tế trong giảng dạy
Tương tự, Trường CĐ Viễn Đông cũng đẩy mạnh hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và xem đó như nhu cầu nội tại của hoạt động đào tạo và quản trị trường học. Một trong những dự án nổi bật nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) trong giảng dạy môn giải phẫu - sinh lý tại khoa y dược - thẩm mỹ.
Cụ thể, nhóm giảng viên và sinh viên đã phát triển nền tảng mô phỏng 3D cơ thể người, cho phép sinh viên quan sát cấu trúc xương, cơ, nội tạng với độ chi tiết cao, đồng thời mô phỏng các hoạt động sinh lý như co cơ, tuần hoàn máu, hô hấp, tiêu hóa... một cách trực quan, sống động và có thể tương tác ngay trên thiết bị cá nhân.
Điểm đặc biệt là mô hình này còn tích hợp các câu hỏi kiểm tra, mô phỏng ca lâm sàng ảo, hỗ trợ sinh viên không chỉ "xem" mà còn "thực hành" trên mô hình ảo. Ứng dụng AR không chỉ nâng cao chất lượng dạy học mà còn mở ra hướng học tập từ xa hiệu quả, bất kỳ sinh viên nào cũng có thể truy cập nội dung bài học như đang trực tiếp trong phòng thực hành.
Không dừng lại, Trường CĐ Viễn Đông còn phát triển ứng dụng quản lý tích hợp Viễn Đông Edu, giúp tự động hóa nhiều quy trình hành chính và học vụ, từ quản lý lớp, chấm điểm đến phân phối tài liệu. Ứng dụng này đã được chuyển giao thành công cho Trường CĐ Long An và Trường CĐ Y tế Lâm Đồng.
Trước đó, dự án Defimaps, ứng dụng định vị thông minh, cũng từng mang về giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2022 cho sinh viên Viễn Đông.

Ứng dụng 3D giảng dạy môn giải phẫu - sinh lý do giảng viên, sinh viên Trường CĐ Viễn Đông sáng tạo - Ảnh: NVCC
Ngày hội của những khát vọng đổi mới
Từ ngày 18 đến 20-4-2025, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giới trẻ, ngày hội là sân chơi cho các ý tưởng sáng tạo, đồng thời kiến tạo không gian kết nối giữa sinh viên - nhà trường - doanh nghiệp - nhà đầu tư.
Các hoạt động như tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, hội thảo chuyên đề, trưng bày sản phẩm khởi nghiệp được tổ chức đồng thời. Đặc biệt, hội nghị tổng kết đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" sẽ đánh giá hành trình đã qua và đề xuất định hướng chính sách cho giai đoạn tiếp theo.
Điểm nhấn của sự kiện chính là vòng chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" và Startup Kite 2025, nơi quy tụ những dự án xuất sắc nhất từ khắp các cơ sở giáo dục cả nước.
Tại đây, các nhóm thi sẽ trình bày trước hội đồng chuyên môn, nhận phản biện từ nhà đầu tư và có cơ hội được hỗ trợ phát triển, cố vấn, kết nối thị trường hoặc gọi vốn. Những dự án có tính ứng dụng cao, gắn với công nghệ, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi số… sẽ được đánh giá đặc biệt cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận