21/07/2017 12:37 GMT+7

Lan tỏa niềm tin từ 'Câu chuyện hòa bình 5'

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Theo bạn đọc Nguyễn Hoàng Chương, đêm nhạc Câu chuyện hòa bình số 5 với chủ đề Khát vọng hòa bình dù đã kết thúc nhưng vẫn lắng đọng trong ông bao cảm xúc... Dưới đây là chia sẻ của tác giả với tư cách một người xem.

Các nghệ sĩ và sinh viên tỉnh Quảng Trị trình diễn ca khúc Linh thiêng Việt Nam - Ảnh: Q.ĐỊNH

"Tôi và có lẽ nhiều người nữa háo hức, mong đợi, hồi hộp chờ được xem Câu chuyện hòa bình số 5 với chủ đề Khát vọng hòa bình do Trung ương Hội SVVN, báo Tuổi Trẻ và tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức. Chương trình khép lại nhưng trong tôi lắng đọng bao cảm xúc...

Lòng tri ân

Những ngọn nến thắp lên nơi các anh nằm - Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh - những cái tên đi cùng năm tháng trong cuộc chiến đấu vì hòa bình của quân và dân ta. Những cái tên bất tử trong lòng người dân Việt; những cái tên làm bạn bè khắp năm châu khâm phục; những cái tên mà đến kẻ thù phải khiếp sợ, hoang mang không biết có thật hay không và rồi chính họ phải thốt lên: “Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường của huyền thoại”.

Hơn 1.000 vị đại biểu và các bạn trẻ của tỉnh Quảng Trị cùng các tỉnh lân cận về nơi các anh yên nghỉ cùng nối vòng tay lớn. Mãi mãi tri ân các bác, cô chú, anh chị ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc; họ không tiếc máu xương cho một khát vọng cháy bỏng: Khát vọng hòa bình.

Những giọt nước mắt, những cảm xúc đau đáu, những hồi tưởng, những kỷ niệm được tái hiện... hòa quyện trong nhiều ca khúc mà tất cả như được cất lên từ trái tim - lòng tri ân vô hạn...

Tự hào... Hát về anh

Mũ tai bèo, đôi dép cao su, chiếc balô cùng cây súng trên vai anh đi dọc dãy Trường Sơn chiến đấu, giữ cho đất mẹ hòa bình. Đất ôm anh vào lòng; đất ươm mầm, nuôi dưỡng để cây đời đâm chồi, phát triển.

Trong núi rừng sâu thẳm, ở ghềnh thác cheo leo hay biên cương xa xôi... không làm anh chùn bước - anh giải phóng quân, anh bộ đội Cụ Hồ. Tuổi trẻ Việt Nam thật tự hào, cất cao lời tụng ca mãi hát về anh.

Còn đó nỗi niềm...

Một vạn hài cốt của liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - để có được điều ấy là kết quả rất nhiều cố gắng của dân, của Đảng. Nhưng còn nhiều người hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh giữ vững biên giới, hải đảo của Tổ quốc chưa được về ngủ yên bên gia đình hay đồng đội.

Nỗi niềm ấy luôn làm chúng ta day dứt, trăn trở; càng thôi thúc chúng ta tiếp tục tìm kiếm để sớm đưa các anh về. Đây là tiếng nói của lương tri, là mệnh lệnh của trái tim, là tình cảm mà đất nước dành trọn cho các anh.

“Về đây đồng đội ơi” được nghệ sĩ Trương Quý Hải và ca sĩ Đông Hùng cất lên nơi linh thiêng của Trường Sơn như một lời nhắc nhở - khẳng định: Chưa tìm được anh, chúng tôi chưa yên lòng. Những đài hương dựng lên ngóng trông ngày anh về...

Gian khổ nhưng... Cuộc đời vẫn đẹp sao

Chiến tranh là khốc liệt, mất mát, hi sinh... nhưng có lẽ ít ở đâu như tại chiến trường xưa Quảng Trị, sự khốc liệt lên tột cùng. Thành cổ Quảng Trị, bao hi sinh trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ (28-6-1972 đến 16-9-1072).

Với diện tích chưa đầy 3km2, trong 81 ngày đêm Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn; trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo. Ác liệt là thế nhưng họ vẫn lạc quan, chắc tay súng chiến đấu vì hòa bình.

Trong chương trình Câu chuyện hòa bình số 5, thật xúc động khi các anh, các chị hàng U-60, U-70 của Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị mạnh mẽ, lạc quan, duyên dáng đồng ca “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Cảm ơn quý anh chị, lớp chúng tôi mãi trân trọng, ghi lòng tạc dạ sự hi sinh cao quý và học tập tinh thần cao cả ấy. Khó khăn, gian khổ hôm nay sá gì thời ấy, nếu lạc quan cùng góp sức thì cuộc sống được yên bình, cuộc đời mãi đẹp sao.

Lan tỏa niềm tin

Đêm linh thiêng tại Trường Sơn hùng vĩ, nơi các anh yên nghỉ nghìn thu sau khi đã thực hiện khát vọng của mình, của dân tộc - khát vọng hòa bình.

Từ không gian ấy, trong từng nhịp đập trái tim của nghìn bạn trẻ tham dự và cả những ai dõi theo Câu chuyện hòa bình số 5 qua màn ảnh nhỏ, tất cả như cùng cộng hưởng - họ trân quý quá khứ để chấp nhận dấn thân cho một hiện tại trong hòa bình và gửi niềm tin vào tương lai. Lan tỏa từ khát vọng hòa bình một niềm tin bất diệt.

Ước mơ cho anh, cho tôi, cho Việt Nam

Những ca khúc phần cuối của chương trình vừa sâu lắng, ấm áp lại vừa khát khao, mạnh mẽ: Anh thương bình vẫn đến trường làng nhưng không phải ôm súng mà ôm đàn dạy con trẻ; Người lính già...; Tổ quốc gọi tên mình; Linh thiêng Việt Nam; Tình yêu hòa bình.

Tất cả, hát cho Tổ quốc Việt Nam, cho anh, cho bạn, cho tôi một ước mơ: Việt Nam hòa bình để phát triển, để bước lên đài vinh quang, để đất nước này mãi là mảnh đất của độc lập - tự do - hạnh phúc. Tất cả cho hòa bình nghìn năm qua, cho nghìn năm sau... góp nên ước mơ cho các anh (những người đã nằm xuống), cho tôi và cho Tổ quốc Việt Nam dấu yêu".

Cảm ơn Câu chuyện hòa bình số 5, cảm ơn các diễn viên cùng những người phục vụ cho đêm công diễn, cảm ơn Trung ương Hội SVVN, báo Tuổi Trẻ, cảm ơn tất cả... đã cho tôi và nhiều khán giả khác một đêm yêu thương, khát vọng hòa bình; một niềm tin và dạt dào mơ ước.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên