Để chung tay khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tháng 10-2021, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động chương trình "Mẹ đỡ đầu" nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện.
Tại Thanh Hóa, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã và đang đồng loạt thực hiện, mở rộng chương trình này để hỗ trợ trẻ mồ côi hiệu quả.
Có mẹ đỡ đầu, con được gọi tiếng "mẹ ơi"
Chúng tôi gặp và trò chuyện với em Hà Yến Vy, học lớp 8A Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Quan Sơn, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), khi em vừa tan học, trở về khu nội trú.
Vy mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi, bố thường xuyên đi làm ăn xa, nên em ở với ông bà nội tại bản Bách, xã Trung Thượng.
Vượt qua khó khăn, vất vả, thiếu thốn tình cảm khi mồ côi mẹ, năm học 2021, Vy được xét tuyển vào học lớp 6 Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Quan Sơn.
"Con rất vui khi được các mẹ ở Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Sơn Lư, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quan Sơn nhận đỡ đầu, thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc con như người mẹ hiền. Có mẹ đỡ đầu, hàng ngày con được gọi tiếng "mẹ ơi".
Ngoài ra, thông qua mẹ đỡ đầu, con còn được Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông ở TP Thanh Hóa hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để con mua quần áo, đồ dùng học tập và biếu ông bà nội" - em Hà Yến Vy tâm sự.
Theo bà Vi Thị Trọng - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quan Sơn, trong hai năm qua, tổ chức hội đã kêu gọi, kết nối được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng 28 trẻ mồ côi, với mức từ 500.000 đến 650.000 đồng/cháu/tháng.
Ngoài hỗ trợ tiền hằng tháng cho trẻ mồ côi, các nhóm mẹ đỡ đầu trên địa bàn huyện còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho trẻ mồ côi vào dịp lễ, Tết trong năm.
Hằng tuần, các mẹ đỡ đầu ở cơ sở đến từng gia đình có trẻ mồ côi nhắc nhở con học bài, hướng dẫn con vệ sinh cá nhân, phòng chống bạo lực học đường, ngược đãi và xâm hại tình dục.
"Mỗi khi đến với các con mồ côi, chúng tôi được nghe tiếng gọi mẹ ơi thật trìu mến, được các con làm nũng, rồi khoe thành tích học tập, rèn luyện, những người làm công tác hội phụ nữ thấy ấm lòng, hạnh phúc" - bà Vi Thị Trọng chia sẻ.
Lan tỏa tính nhân văn của chương trình vì trẻ mồ côi
Trong hai năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 720 nhóm "mẹ đỡ đầu", huy động sự tham gia của hội viên phụ nữ, cộng đồng cùng giúp tăng hiệu quả hỗ trợ trẻ mồ côi.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi như: Công ty xi măng Long Sơn 63 cháu; Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông 51 cháu; Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát 50 cháu; Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa 20 cháu; Công ty Đại Dũng ở TP.HCM nhận đỡ đầu 118 cháu tại 6 huyện…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Bùi Thị Mai Hoan - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa - cho biết: với tinh thần tự nguyện, hành động bằng cả trái tim yêu thương, những người bố, người mẹ đã tham gia nhận đỡ đầu trẻ mồ côi bằng nhiều hình thức, với phương châm "ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu".
Đó là đỡ đầu trực tiếp của cán bộ hội cơ sở, bà con lối xóm đến nhà chăm sóc, động viên tinh thần cho các con, hướng dẫn, giúp các con làm việc nhà, học bài, chăm sóc, bảo vệ bản thân; hỗ trợ nhu yếu phẩm, chi phí học tập, sinh hoạt. Hoặc đỡ đầu gián tiếp bằng kinh phí, vật chất thông qua các nhóm mẹ đỡ đầu của hội phụ nữ cơ sở.
Đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã khảo sát có 5.051 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ, chăm sóc. Toàn tỉnh có 1.701 trẻ mồ côi đã được nhận đỡ đầu, với tổng số tiền hơn 13 tỉ đồng/năm.
"Để chương trình "Mẹ đỡ đầu - hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi" được duy trì bền vững, có sức lan tỏa trong cộng đồng, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục kết nối các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tăng nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho trẻ em mồ côi.
Thường xuyên giám sát việc thực thi chính sách đối với trẻ em mồ côi, đảm bảo an toàn, phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng. Hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em mồ côi, gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước và các dịch vụ xã hội. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tư vấn sức khỏe, tâm lý cho trẻ mồ côi” - bà Bùi Thị Mai Hoan cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận