Những hình ảnh đẹp
Vừa qua, câu chuyện, hình ảnh đẹp về các cán bộ, chiến sĩ của Công an Đà Nẵng vất vả truy tìm tài sản giúp du khách nước ngoài bỏ quên trên xe taxi được chia sẻ mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội.
Khoảng 8h, ngày 14-5, Phòng CSGT (Công an Đà Nẵng) tiếp nhận thông tin của người dân cho biết, tối ngày 13-5, có 2 du khách người Hàn Quốc di chuyển trên taxi màu trắng từ sân bay quốc tế Đà Nẵng về 1 khách sạn nằm trên đường Trần Bạch Đằng để quên điện thoại trên xe.
Tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Phòng CSGT đã chỉ đạo Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải khẩn trương xác minh, nhanh chóng tìm tài sản cho du khách.
Trung tá Phan Quang Pháp - trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải chia sẻ sau gần 1 giờ đồng hồ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã xác định được hãng taxi và tài xế chở 2 du khách trên. Qua đó đã mời tài xế lên làm việc và thu hồi điện thoại di động.
CSGT đã mời du khách người Hàn Quốc đến cơ quan để tiến hành trao trả.
Nhận lại chiếc điện thoại tưởng đã bị mất, chị Jungeun (Hàn Quốc) xúc động và cảm ơn sự nhiệt tình, trách nhiệm của lực lượng CSGT Đà Nẵng.
Khi hình ảnh và câu chuyện trên được chia sẻ trên fanpage Công an thành phố Đà Nẵng, cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng đã nhận được hàng ngàn lượt like và thả tim.
Một hình ảnh đẹp khác cũng được like và share mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Vào khoảng 19h30, tối 30-4, Công an phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nhận tin báo của 3 nữ du khách Trung Quốc về việc có thể đã để quên điện thoại trên xe Grab.
Theo trình báo, sau khi đi tham quan ở thành phố Hội An (Quảng Nam), 3 du khách đón Grab ở dọc đường để về khách sạn tại phường An Hải Tây.
Đến khi đến khách sạn, họ kiểm tra hành lý thì phát hiện điện thoại iPhone 14 trị giá hơn 20 triệu không còn. Thời điểm tham quan tại Hội An do điện thoại đã hết pin, du khách nghĩ có thể đã để quên trên xe ôtô Grab…
Ngay sau khi nhận tin, công an phường cử cán bộ, chiến sĩ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm chiếc điện thoại. Và chỉ sau hơn 3 giờ đồng hồ, công an phường đã liên lạc được với tài xế Grab và hướng dẫn mang điện thoại đến công an phường trao trả cho du khách.
"Du khách trong và ngoài nước luôn ấn tượng về Đà Nẵng là vậy! Từ người dân đến các lực lượng chức năng luôn mang đến cho họ cảm giác thân thiện và an tâm" - tài khoản Linh Nguyen chia sẻ.
"Dẹp" tin giả, tin độc
Cùng với lan tỏa thông tin tích cực, hình ảnh đẹp, cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng cũng đẩy mạnh tuyên truyền liên quan các thông tin giả, xấu, độc trên mạng để người dân lưu ý, phòng, tránh...
Trong giai đoạn 2020, 2021, khi toàn thành phố căng mình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đã xuất hiện một số trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an Đà Nẵng) qua công tác nghiệp vụ đã phát hiện, xử lý các trường hợp đăng tải tung tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Như trường hợp bà N.L.K.Q. (trú Đà Nẵng) được cơ quan công an làm rõ về hành vi đăng tải thông tin giả mạo tổ chức, cá nhân để quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội.
Bà Q. khai nhận có nhập sản phẩm nước xịt kháng khuẩn (không hóa đơn, chứng từ) trên mạng về bán. Để tăng tương tác, tạo niềm tin với khách hàng, bà Q. đã đăng kèm hình ảnh phiếu công bố sản phẩm có con dấu và chữ ký giả mạo Sở Y tế lên trang fanpage bán hàng do mình tạo lập.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp vi phạm đã được lực lượng chức năng làm rõ.
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã chủ động vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài thành phố xử lý các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để vu khống, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín tổ chức, cá nhân. Qua đó, nhiều trường hợp đã được Sở Thông tin và Truyền thông phát hiện, xử lý.
Về phương thức của những người vi phạm chủ yếu lợi dụng mạng Internet, tạo lập, sử dụng facebook cá nhân, các Fanpage có lượng người theo dõi lớn để đăng tải, chia sẻ các thông tin thiếu căn cứ về tình hình dịch bệnh, cắt ghép hình ảnh, gây hoang mang dư luận, bình luận tiêu cực, không đúng thực tế.
Một số nhằm mục đích tăng tương tác để bán hàng online, hoặc do thiếu hiểu biết về cách tiếp cận, sử dụng thông tin, không nắm rõ các quy định của pháp luật...
Trong năm 2020, Công an Đà Nẵng phát hiện và xử lý 61 trường hợp đưa tin sai sự thật, chủ yếu liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo thượng tá Nguyễn Hưng Lợi - phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an Đà Nẵng), trên cơ sở các quy định của pháp luật, công tác xác minh và việc xử lý cũng được cân nhắc cả về lý và tình. Đồng thời, có nhắc nhở, phân tích, giải thích về các quy định của pháp luật để họ không tái phạm, rút kinh nghiệm cách thức ứng xử trên mạng xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận