Lần theo dấu con virus chết người

CHIÊU VĂN 08/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Quy tắc loại trừ Ockham, gọi theo tên tu sĩ người Anh thế kỷ 14 William Ockham, phát biểu rằng điều gì có thể giải thích bằng ít giả thuyết hơn thì không cần nghĩ ra nhiều giả thuyết làm gì. Quy tắc đó đôi khi được diễn dịch thành “lời giải thích đơn giản nhất thường cũng là đúng nhất”. Liệu có thể áp dụng nó cho câu hỏi gay cấn hiện giờ về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đang gây ra một đại dịch khiến cả thế giới điêu đứng?

Tất cả tưởng như bắt đầu ở chợ hải sản và đồ tươi sống lớn nhất miền trung Trung Quốc - Hoa Nam, Vũ Hán - với diện tích hơn 5ha và hơn 1.000 gian hàng. Là một thành phố nằm sâu trong nội địa, dễ hiểu là dân Vũ Hán thấy khu chợ chuyên đồ “dã vị” này cực kỳ hấp dẫn.

Ví dụ, bảng niêm yết giá của một gian hàng tại chợ Hoa Nam đăng hồi tháng 11-2020 trên trang chuyên đánh giá sản phẩm - địa điểm Dazhong Dianping (Đại chúng điểm bình) liệt kê tới 112 món sơn hào hải vị. 

Thật là mỹ vị đế vương: hươu sao, đà điểu, chim công, mèo rừng, chó sói con, lưỡi cá sấu, bướu lạc đà, “súng đạn” bò tót, tắc kè núi, rắn, lửng, cáo, chồn..., tóm lại những thứ bốn chân chỉ thiếu bàn ghế, những thứ hai chân chỉ thiếu thịt người. Và tất nhiên, không thể thiếu món thịt dơi nay đã nức tiếng hoàn cầu.

Bảng giá và một số gian hàng ở chợ Hoa Nam trước khi bị đóng cửa. Dòng chữ trên bảng giá: Đại chúng súc mục dã vị (Các loại thịt động vật dã vị quen thuộc), kèm hình ảnh minh họa. Ảnh: Daily Mail

 

Từ khu chợ Hoa Nam...

Khu chợ Hoa Nam này hiện đang trở thành tâm điểm của cuộc điều tra nguồn gốc virus gây COVID-19 tạo ra tranh cãi dữ dội.

Cho tới giờ, giới khoa học và truyền thông cơ bản nhất trí rằng khu chợ này là nơi virus đã “nhảy” từ động vật sang người, gây ra đại dịch làm tất cả chúng ta khổ sở suốt hai năm qua. 

Ngày 31-1-2021, trong cuộc điều tra nguồn gốc dịch tễ của COVID-19, một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tới khu chợ này. Nhưng báo cáo sau đó cho thấy họ chỉ phỏng vấn hai chủ gian hàng, cả hai đều không buôn bán động vật hoang dã, theo báo Anh The Guardian ngày 30-5.

Báo cáo đó đã gây nhiều phản ứng, như kiểu từ giáo sư Eddie Holmes, chuyên gia về tiến hóa bệnh học ở Đại học Sydney, người từng tới khu chợ Hoa Nam này vào năm 2014, để nghiên cứu khoa học, chứ không phải tìm mua nem công chả phượng.

“Do động vật hoang dã là rủi ro lớn nhất, đây lẽ ra phải là ưu tiên trong cuộc điều tra của WHO với khu chợ này. Tuy nhiên, tôi không rõ ai là người kiểm soát lịch trình của WHO, nên chuyện này có thể không do họ quyết được", ông Holmes nói với The Guardian. 

"Tối thiểu thì cũng phải phỏng vấn lại những chủ gian hàng... Bước then chốt là xác định những động vật nào, đặc biệt là động vật có vú, có mặt ở khu chợ này trong giai đoạn tháng 8 tới tháng 12-2019. Cần phải công bố đầy đủ và minh bạch thông tin này. Sau đó, nguồn gốc các động vật đó - trang trại, thương lái và cả nguồn hoang dã - cần được tìm hiểu bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau”.

Một tiết lộ nho nhỏ: khu chợ Hoa Nam thuộc sở hữu của Yu Tian (Dư Điềm), ái nữ của đại gia bất động sản Vũ Hán Yu Zhusheng (Dư Chúc Sinh). Dư lão bản, tuy mới học hết tiểu học, có tài sản nửa tỉ đôla và hiện đã có quốc tịch Canada. Cả hai cha con họ Dư đều đã có mặt khi đoàn WHO xuống khu chợ thị sát.

... Tới phòng thí nghiệm Vũ Hán...

Câu hỏi virus từ đâu ra không dừng lại ở chợ Hoa Nam. Có một số chuyện trùng hợp không dễ giải thích gắn với khu chợ này và thành phố Vũ Hán.

Đầu tiên, Vũ Hán, nơi gần như chắc chắn là điểm khởi đầu cho đại dịch, cũng là trụ sở của Viện Vi trùng học Vũ Hán (WIV) - cơ quan nghiên cứu được bảo đảm an toàn sinh học cấp 4, cấp cao nhất theo chuẩn quốc tế.

Giáo sư tiến sĩ Thạch Chính Lệ - Biển bức nữ hiệp - trong bộ đồ làm việc thông thường. Ảnh: MarketWatch

 

Các phòng thí nghiệm cấp độ này nghiên cứu “các tác nhân dễ dàng lây truyền trong không khí có thể gây bệnh tật dẫn tới tử vong ở người và hiện chưa có vắc xin hay thuốc chữa” với các tiêu chuẩn khử trùng khử khuẩn, kiểm soát ra vào, kiểm soát lưu thông không khí... nghiêm ngặt nhất có thể tưởng tượng được.

Đây là những nơi nghiên cứu các loại vi trùng như virus Ebola, mà nếu lỡ để xổng ra ngoài thì còn hơn cọp xổng chuồng nhiều. 

Có một điều người ta đã biết chắc: WIV có hai phòng thí nghiệm nghiên cứu virus corona - các nhà khoa học ở đây từng giải trình tự gene một virus “tổ tiên” gần nhất được biết tới của SARS-CoV-2, RatG13 có ở loài dơi và giống tới 96,2% với virus gây COVID-19.

Người đứng đầu nỗ lực nghiên cứu đó là chuyên gia hàng đầu của WIV - giáo sư Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ), biệt danh “Biển bức nữ hiệp” - không phải do là truyền nhân của Phi thiên biển bức Kha Trấn Ác hay Thanh dực bức vương Vi Nhất Tiếu, mà do bà chuyên làm việc với loài dơi. 

Thạch nữ hiệp lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Montpellier 2, Pháp, năm 2000, hiện là giám đốc Trung tâm các bệnh lây nhiễm mới của WIV và là một nhà khoa học nổi tiếng thế giới vì đã phát hiện bệnh SARS năm 2003, một dịch bệnh làm hơn 700 người thiệt mạng do virus corona có thể lây sang người từ dơi.

Điểm thứ hai, ba nhân viên WIV từng bị ốm vào tháng 11-2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát, theo một báo cáo của tình báo Mỹ. Họ đã phải nhập viện - nhưng không rõ nguyên nhân là gì. 

Báo cáo của WHO, dựa trên dữ liệu do Trung Quốc cung cấp, thì nói xét nghiệm ba người này không thấy kháng thể, cũng không ghi nhận các triệu chứng COVID-19.

Cuối cùng, điểm trùng hợp thứ ba Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Vũ Hán (WCDC) đã di dời phòng thí nghiệm của họ vào ngày 2-12-2019. Báo cáo của WHO cũng ghi nhận chuyện này và nói điều đó có thể đã gây ra một số xáo trộn trong hoạt động của phòng thí nghiệm. 

Thêm nữa, địa điểm mới của phòng thí nghiệm là gần chợ hải sản Hoa Nam. Việc dọn nhà này diễn ra chỉ 6 ngày trước khi bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được phát hiện. 

Đáng nói không kém, bệnh nhân này là một nhân viên kế toán làm việc cho một công ty gia đình, không có tiền sử tới nơi đông người, tiếp xúc với động vật hoang dã, hay đi tới những nơi hoang dã.

Lực lượng bảo vệ an ninh cho Viện Vi trùng học Vũ Hán nhân chuyến thị sát của ủy ban điều tra WHO tháng 2-2021. Ảnh: AFP

 

... Vào tận hang dơi ở Vân Nam

Tháng 4-2012, các chuyên gia của WIV được cử tới một khu mỏ ở trấn Thông Quan, huyện Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khi có tin 6 thợ mỏ ở đây bị nhiễm một loại virus lạ sau khi vào mỏ để dọn phân dơi - 3 người đã chết sau đó.

Các chuyên gia của WIV đã nhiều lần quay lại khu mỏ trong ba năm sau đó, lấy mẫu sinh học của dơi và xác định được nhiều chủng virus corona mới. Tuy nhiên, trừ một tài liệu ngắn, không có nhiều dữ liệu về các chủng virus mà họ thu thập được công khai.

Rồi tháng 1-2021, Thạch giáo sư trở thành người đầu tiên trên thế giới giải được trình tự SARS-CoV-2. 

Bà sau đó so sánh mã gene độc nhất vô nhị của virus này với một hồ sơ rất lớn các virus khác được thu thập và lưu trữ ở nơi bà làm việc qua nhiều năm tháng - rồi đi tới kết luận SARS-CoV-2 giống nhất với RaTG13 tìm thấy ở Thông Quan và được định vị vào năm 2013.

Bảy năm sau, “danh sư xuất cao đồ”, RaTG13 bị tình nghi đã “đẻ ra” SARS-CoV-2 vốn đang gây ra cuộc tranh luận khoa học lớn nhất trong thời đại chúng ta. 

Cũng cần nhắc, giới khoa học hiện rất quan tâm tới bộ dữ liệu từng được công khai gồm 22.000 mẫu giải trình tự virus của WIV (15.000 là ở các loài dơi) - bộ dữ liệu này bị rút khỏi Internet vào tháng 9-2019. Lý do Thạch giáo sư đưa ra với WHO là bộ dữ liệu đã bị tấn công mạng hơn 3.000 lần.

Đến tháng 7-2020, báo cáo trên trang của “giới nghiên cứu khoa học độc lập” do các nhà khoa học Mỹ chủ trì Independent Science News tựa đề “A Proposed Origin for SARS-COV2 and the COVID-19 Pandemic” (tạm dịch: Một giả thuyết về nguồn gốc SARS-COV2 và đại dịch COVID-19) của hai tác giả Jonathan Latham và Allison Wilson đã liên hệ hai phát hiện của Thạch giáo sư để cho rằng virus gây COVID-19 có thể không bắt đầu ở chợ Hoa Nam năm 2019, mà tận từ hang động ở Thông Quan năm 2012.

Các nhà nghiên cứu chuẩn bị vào lấy mẫu ở một hang dơi tại Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh không đề ngày. Ảnh: EcoHealth Alliance

 

Tháng 12-2020, Đài Anh BBC từng cử một nhóm phóng viên tới khu mỏ này để điều tra, nhưng bị các chốt kiểm soát ở đây chặn đường và buộc phải quay đầu.

Không chỉ là chuyện chính trị

Những ngụ ý chính trị đằng sau cuộc đi tìm nguồn gốc virus này là điều đã được báo chí nói nhiều. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đòi điều tra Trung Quốc tới cùng, trong khi Bắc Kinh một mực phủ nhận - chẳng hạn Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) ngày 29-11-2020 có bài “Thêm bằng chứng cho thấy nguồn gốc đa dạng của virus”.

Tuy nhiên, vượt ra ngoài những kèn cựa giữa hai siêu cường là mối lo về việc kiểm soát các dịch bệnh kiểu COVID-19, được tiên đoán sẽ còn xảy ra với mật độ ngày càng cao trong tương lai.

Một điểm gây nhiều tranh cãi trong vụ này là những thí nghiệm ở WIV và nhiều nơi khác, khi các chuyên gia tạo ra những virus mới bằng cách kết hợp các yếu tố hiện hữu của virus corona ở dơi để xem chúng có thể lây nhiễm cho người không.

“Cá nhân tôi sẵn sàng chào đón mọi cuộc viếng thăm, dựa trên đối thoại cởi mở, minh bạch, tin cậy và hợp lý. Nhưng kế hoạch cụ thể không thuộc quyền quyết định của tôi".

Giáo sư tiến sĩ Thạch Chính Lệ

Các thí nghiệm kiểu đó đã là đề tài tranh cãi dữ dội trong giới khoa học lâu nay. Phe ủng hộ cho rằng đó là cách tốt nhất để xác định những nguồn gốc dịch bệnh tiềm tàng và phát triển vắc xin. 

Nhưng phe chỉ trích lại nói rủi ro virus nguy hại, đã được biến đổi gene, thoát khỏi phòng thí nghiệm là quá khó lường. 

Viện Y tế Hoa Kỳ (NIH) năm 2014 đã ngừng cấp vốn cho các nghiên cứu kiểu đó và 3 năm sau đưa ra quy định yêu cầu những thí nghiệm như vậy phải được thông qua ở một ủy ban đánh giá với các chuyên gia đủ thẩm quyền.

Ở Trung Quốc, những cơ sở như WIV do nhà nước quản lý, nên quy định có thể lỏng lẻo hơn. 

Chính Thạch giáo sư từng mô tả các thí nghiệm kiểu đó vào năm 2018 và 2019, để xem nhiều loại virus corona ở dơi khác nhau có thể sử dụng gai protein trên bề mặt của chúng gắn vào một enzyme trong tế bào người tên gọi ACE2 hay không. Đây là cách thức mà virus SARS và SARS-CoV-2 lây nhiễm ở người.

Cũng phải nói rõ: Báo cáo của WHO viết rằng “cực kỳ khó có khả năng” SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm. 

Thạch giáo sư thì khẳng định không có chuyện virus thoát ra từ nơi bà làm việc và trong nhóm nghiên cứu của bà không có ai dương tính với COVID-19. Nhiều đồng nghiệp nước ngoài của bà cũng khẳng định Thạch giáo sư đang điều hành công việc một cách an toàn.

“Thạch Chính Lệ rất chắc tay, The Wall Street Journal dẫn lời Maureen Miller, chuyên gia dịch tễ lây nhiễm ở Đại học Columbia, Mỹ - Họ đều là những người sắc bén, thông minh. Bà ấy đang nỗ lực để ngăn chặn chính kiểu đại dịch này. Bà ấy hiểu rõ mức độ nghiêm trọng khi nghiên cứu virus corona”.

Hay nói như Financial Times: “Trong một thế giới “hậu sự thật”, không chỉ Bắc Kinh, mà rất nhiều nước khác sẽ cho rằng tuyên bố của Mỹ về việc virus có nguồn gốc Trung Quốc là một cuộc chiến tranh thông tin. 

Thay vì [những cáo buộc qua lại], thế giới cần một cuộc điều tra khoa học đầy đủ được thực hiện bởi các chuyên gia khả tín lựa chọn qua một tổ chức đa phương, được tiếp cận mọi dữ liệu, mọi người và mọi địa điểm mà ủy ban đấy cần”.

Tất nhiên, trong trường hợp này, điều kiện là phải được Trung Quốc cho phép!■

Con người là một động vật hết sức tò mò, và các mầm bệnh đáng sợ nhất, của cả những căn bệnh đã được thanh toán trên phạm vi toàn cầu, hiện vẫn còn được giữ trong các phòng thí nghiệm vì mục đích nghiên cứu. 

Chính phủ Mỹ chẳng hạn, đang kiểm soát việc nghiên cứu với “các tác nhân và độc tố chọn lọc” có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người, như vi khuẩn dịch hạch hay vi khuẩn bệnh than. 

Theo Vox, hiện có khoảng 66 “tác nhân chọn lọc” như vậy ở gần 300 phòng thí nghiệm trên cả nước Mỹ được cấp phép nghiên cứu. 

Đó là chưa kể các công nghệ sinh học - sinh học phân tử mới mở ra rất nhiều dạng thức nghiên cứu gây tranh cãi, bao gồm khiến mầm bệnh lây nhiễm nhanh hơn hoặc gây chết chóc nhiều hơn với con người - mục đích là để cố gắng đoán trước sự đột biến của chúng trong thế giới tự nhiên (nhưng tất nhiên, cũng có thể với mục đích đen tối là tạo ra một loại vũ khí sinh học có sức hủy diệt như trong phim Hollywood). 

Thông tin về việc kiểm soát những phòng thí nghiệm kiểu này về cơ bản vẫn là chuyện mù mờ với công chúng rộng rãi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận