TTCT - Mong muốn tìm kiếm lại chân xác những thắng tích Phật giáo (từng bị trầm khuất hơn 2.000 năm) đã thôi thúc TS Hồ Đắc Túc đi trở lại con đường của Phật Thích Ca từng đi, cao tăng Pháp Hiển từng đi, Huyền Trang từng đi... Theo tư liệu của ngài Pháp Hiển và kinh Ánh sáng hoàng kim, TS Hồ Đắc Túc đang đi tìm lại nơi tiền thân Phật Thích Ca từng xả thân cho cọp mẹ ăn vì cọp mẹ sắp chết đói, nay là quận Kavrepalanchok, khu Bagmati, Nepal. Ảnh: HĐT cung cấpTrong khi nhiều người choáng ngợp với câu chuyện Đường Huyền Trang đi Ấn Độ với nhiều tác phẩm sử, truyện để lại, thì trước đó hơn 200 năm, một cao tăng Trung Quốc khác là ngài Pháp Hiển cũng từng đến Ấn Độ và để lại một tác phẩm quý giá: Phật Quốc ký. Những thông tin từ Phật Quốc ký, cùng mong muốn tìm kiếm lại chân xác những thắng tích Phật giáo (từng bị trầm khuất hơn 2.000 năm), đã thôi thúc TS Hồ Đắc Túc đi trở lại con đường của Phật Thích Ca từng đi, cao tăng Pháp Hiển từng đi, Huyền Trang từng đi... và hoàn tất công trình Những dấu chân ngân dài.Giải tỏa những hoài nghi từ hơn 2.000 năm quaVới cuốn sách Những dấu chân ngân dài của ông sắp được xuất bản, những ai muốn tìm lại các thánh tích Phật giáo, những nơi từng là điểm ra đời các sự kiện lớn của đạo Phật... sẽ không còn tình trạng mơ hồ hay bán tín bán nghi khi nghe những lời thuyết minh từ các công ty tổ chức hành hương trên “đất Phật”? Có thể nói vậy được không?- Đại khái vậy. Nhưng cuốn sách không nói kỹ về những thánh tích ai cũng biết, như vườn Lâm Tỳ Ni ở Nepal, Bồ Đề Đạo Tràng, vườn Lộc Uyển, Câu Thi Na (nơi Phật nhập diệt) trên đất Ấn. Cuốn sách đào sâu về nơi Đức Phật lớn lên lúc chưa xuất gia: thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) trên đất Nepal.Sở dĩ phải nghiên cứu kỹ địa danh này vì Ấn Độ tuyên bố Ca Tỳ La Vệ ở trên đất Ấn chứ không phải ở Nepal. Người đi chiêm bái sẽ phân vân không biết quê hương đích thực của Phật là ở đâu. Tôi dành một chương để phân tích Ca Tỳ La Vệ ở Nepal hay Ấn Độ, dựa theo các di chỉ và di vật khảo cổ, phong cảnh văn hóa, du ký của Pháp Hiển (Phật Quốc ký) và Huyền Trang (Tây Vực ký), và các kết luận của một số giáo sư đại học của Anh quốc khi họ thăm dò các di tích ngầm dưới đất bằng cách dùng công nghệ hiện đại như viễn thám và rađa xuyên đất. Chính phủ Ấn, rất có hệ thống, sau khi tìm được xá lợi Phật ở bang Uttar Pradesh đã cho đổi tên làng và đường phố thành Ca Tỳ La Vệ, đặt các tour du lịch “về quê hương Phật”…Tôi hi vọng người chiêm bái giải tỏa được một số hoài nghi, rằng mình đang đặt chân hay đang ngồi trên phiến đá Phật đã ngồi ngày nào để ngắm bình minh, rằng, như câu mở đầu nhiều bài kinh, “Một thời Phật tại thành Ca Tỳ La Vệ…” thì đúng là nơi đây. Tôi đặc biệt truy tìm các địa danh Đức Phật dừng chân trong hành trình cuối cùng của Ngài, xác định được hầu hết các nơi Phật dừng chân trên đường đến Kusinagara nhập diệt, hình dung được Phật đã dặn dò đệ tử lần cuối như người cha dặn dò con, cảm kích oai nghi của Phật khi dừng lại và nhìn kinh thành Tỳ Xá Li (ở bang Bihar) lần cuối... Vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Ảnh: Hồ Đắc TúcViệc khảo cứu địa danh cách nay hơn 2.000 năm, để dựng lại một bản đồ với độ tin cậy cao nhất, đòi hỏi người làm việc ngoài tâm thuật chính đáng, về mặt học thuật cũng phải có phương pháp khoa học. Ông có thể mô tả cách làm việc của mình?- Lúc tìm hiểu các địa danh trên đất Ấn, tôi rất mừng khi lần đầu tiên biết cuốn sách đồ sộ Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (Archaeological Survey of India) gồm hai tập của A. Cunningham - người sáng lập Cục Khảo cổ Ấn. Ông đã tìm ra Bồ Đề Đạo Tràng, Câu Thi Na và nhiều thắng tích khác. Hầu hết nơi có thánh tích đều được ông mô tả chi li trong hai cuốn sách hơn nghìn trang này. Tôi nghĩ với một nhân vật uy tín lẫy lừng như vậy thì chắc những mô tả của ông là đúng, mình chỉ việc theo để đi khảo sát trực tiếp.Tôi viết một dự án xin học bổng fellowship của vài trường đại học bên Anh, dùng cuốn sách của A. Cunningham làm cơ sở lập luận. Dự án đi lòng vòng vài trường, cuối cùng đến tay giáo sư Max Deeg của Đại học Cardiff, chuyên gia về Phật giáo sử, giỏi tiếng Phạn (cổ), Hán cổ, Pali, Đức, Anh, Pháp. Ông chỉ ra ngay các thiếu sót của Cunningham, kể cả các thánh tích lừng danh mà theo giáo sư Deeg thì Cunningham chỉ ngồi bàn giấy đọc báo cáo rồi tuyên bố tìm ra chứ không đích thân đến hiện trường. Giáo sư Deeg hướng dẫn tôi, cung cấp rất nhiều tài liệu và nguồn tài liệu quý giá (kể cả nơi tìm ra Kinh Pháp Hoa bằng Phạn ngữ ở Nepal để tôi thỉnh về và đang được thờ ở chùa Già Lam).Xác định một thánh tích phải kết hợp nhiều dữ kiện trong các lãnh vực khác nhau, phân tích và phản biện chứ không nên dựa theo lời của một người nổi tiếng. Chẳng hạn chữ “bàng thê” của Pháp Hiển, mà hầu hết các bản dịch đều cứ nghĩ đó là cái thang đặt bên sườn núi để leo, thực ra là đục lỗ trên vách núi rồi cắm cọc nhọn để làm bậc thang. Ý nghĩa của “bàng thê” được giải nghĩa nhờ di vật khảo cổ.Sau khi phân tích đối chiếu các nguồn tư liệu với kinh Phật, nhờ công nghệ bản đồ 3D ngày nay có thể soi từng góc cạnh của một địa danh, ước lượng thời gian đi lại giữa hai địa điểm. Đối chiếu với kinh điển thì phải coi kinh đó thuộc hệ Pali hay Hán tạng, so với các bản kinh bằng Phạn ngữ đã được dịch, coi các điểm dị và đồng. Phải coi chừng các câu chuyện về cuộc đời Đức Phật bị hiểu nhầm nữa, như cuốn Đức Phật lịch sử (Historical Buddha) của giáo sư H.W. Schumann là một thí dụ (“Đức Phật chết vì ăn trúng độc ở nhà ông Thuần Đà”). Các di chỉ và di vật tìm thấy ở địa phương nào đó cũng chưa chắc xác minh được địa danh mà phải áp di chỉ đó vào Phật giáo sử, coi có “khớp” không.Từ cuối thế kỷ 20, đoàn khảo cổ của Đại học Bradford dùng phương pháp địa - vật lý (geophysics) đo từ trường dưới lòng đất vùng Ca Tỳ La Vệ ở Nepal, khảo sát kéo dài nhiều năm, tái dựng hình ảnh Ca Tỳ La Vệ rất thú vị, nhưng một vài kết luận của họ không khớp với Phật giáo sử.Tóm lại nên theo nguyên tắc: suy nghiệm và đối chiếu các nguồn tư liệu từ nhiều lãnh vực khác nhau. Tôi cũng đã đi nhiều nơi ở Ấn và Nepal, tham dự các hội thảo, trình bày đề tài và nghe góp ý. Cuốn sách này vì thế mất hơn hai năm mới tạm hoàn thành. Nơi Phật nhập diệt ở Câu Thi Na (Kusinagara), Ấn Độ. Ảnh: Hồ Đắc TúcTừ chuyến thực địa ở thế kỷ V đến cuộc tao ngộ Việt - ẤnCó thể thấy một trong những cơ sở tư liệu, cũng là nguồn cảm hứng, của Những dấu chân ngân dài là tập sách Phật Quốc ký của cao tăng Pháp Hiển. Dường như người đọc vẫn quen với ngài Huyền Trang hơn là hành trình của ngài Pháp Hiển - người từng đến Thiên Trúc trước đó hai thế kỷ. Ông có thể vắn tắt thuật lại những đóng góp đáng kể của ngài Pháp Hiển và tác phẩm Phật Quốc ký?- Ở Việt Nam, theo tôi biết, Phật Quốc ký của ngài Pháp Hiển viết (hay kể) vào năm 414 chỉ có một bản dịch của hòa thượng Trí Quang. Trong khi trên thế giới, chỉ riêng Anh ngữ thôi đã có năm bản dịch khác nhau, có người dịch hai lần và mỗi lần dịch cách nhau gần 40 năm như giáo sư Herbert A. Giles (Đại học Cambridge, tựa Record of the Buddhistic kingdoms) và các bản dịch ra Đức, Pháp, Nhật và Hàn ngữ.Phật Quốc ký của Pháp Hiển dù chỉ gồm 14.031 chữ Hán nhưng dựng được một đại cảnh cả cho người thường và các học giả.Với người đọc thông thường, ai từng lang bang vùng Hi Mã Lạp Sơn mới thấy riêng một chữ “bàng thê” của Pháp Hiển đã đủ cho ta kính ngưỡng ngài: vách núi dựng đứng 90 độ, một ông già 65 tuổi bám vào từng cọc nhọn để leo 700 bậc lên trên đỉnh, xong băng qua sông trên sợi dây thừng vắt ngang. Nhưng quan trọng hơn rất nhiều, Phật Quốc ký là ghi chép đầu tiên về văn hóa, xã hội, tình cảnh Phật giáo của Ấn và Trung Hoa từ cuối thế kỷ 4 với độ chính xác cao vì căn cứ theo đó, người ta đã tìm ra nhiều thánh tích, vẽ lại được lộ trình của Đức Phật, xác minh được lời Phật trong kinh.Men theo đường bộ của Pháp Hiển, các học giả khám phá ít nhất từ thế kỷ 4, ở vùng bắc Pakistan ngày nay, dân chúng đã dùng chữ buth để chỉ Phật hoặc thánh thần. Điều này khiến ta không khỏi nghĩ bụt không phải là sáng tác của người Việt. Men theo đường biển của Pháp Hiển, ta biết được nếp sinh hoạt của tăng sĩ thời Phật, khí hậu và mùa màng thời “Trái đất chưa nóng”. Tìm theo các mô tả hết sức cô đọng của Pháp Hiển, người ta thấy được lịch sử và Phật giáo sử của Trung Hoa thời đó.Hay một sự kiện thú vị nữa là Pháp Hiển không bao giờ gọi nước Tàu của ngài là Trung Quốc, mà gọi là “biên địa” (nước bên lề). Ngài chỉ gọi Ấn Độ là “Trung Quốc”, cho thấy Phật giáo Trung Hoa thời ngài chưa vào nề nếp, so với Phật giáo Trung Quốc (Ấn Độ) thì Trung Hoa chỉ là những kẻ đứng bên lề.Mỗi câu trong Phật Quốc ký đều là một luận đề kích thích học giới của nhiều lãnh vực như ngôn ngữ, văn hóa, khảo cổ, phong tục, khí hậu, kinh tế, chính trị của Trung Á và Ấn Độ. Ngoài giá trị học thuật của Phật Quốc ký, nhiều học giả phương Tây xúc động trước hình ảnh một người 65 tuổi, khi ra đi có bạn đồng hành, khi về đã gần 80 tuổi mà chỉ một thân một mình vì bạn đi cùng thì người bỏ cuộc, người chết, người không trở lại quê hương. Về lại Trung Hoa cũng không được triều đình tiếp đón như Huyền Trang. Chỉ có ý chí sắt đá và niềm tin tuyệt đối về nhân quả mới làm được như ngài.Pháp Hiển đi Ấn với mục đích rất rõ là chỉ tìm duy nhất tạng Luật. Hơn 200 năm sau, Huyền Trang đi Ấn không nói rõ vậy mà chỉ chung chung là do Trung Hoa thiếu kinh sách. Huyền Trang nổi tiếng ngoài việc nhờ được đời sau biến hóa thành Đường Tam Tạng kèm hình ảnh con khỉ Tôn Ngộ Không, còn một lý do ít người để ý là Tây Vực ký của ngài nhắm tới độc giả chính là các vua Đường. Ngài Huyền Trang được cả một “hệ thống chính trị” ủng hộ, triều đình cung cấp phương tiện và quảng bá. Huyền Trang viết để răn vua.Có thể chứng minh khi đối chiếu với Pháp Hiển, có thánh tích như Mathura là nơi Huyền Trang không hề tới nhưng lại dựa theo Phật Quốc ký tả lại nên sai, do các học giả đời sau soi rọi và tìm ra. Hoặc nói về đơn vị đo chiều dài “do tuần”, Huyền Trang cũng viết thời đó dài thế này, thời kia dài thế nọ, nhưng lại không nói là ngài dùng đơn vị “do tuần” nào, dài bao nhiêu. Rõ ràng mục đích là “báo cáo cho vua” biết tình hình nước láng giềng. Tây Vực ký của Huyền Trang, ngoài các giá trị ai cũng biết, nên được xem như một báo cáo tình báo về các nước Trung Á và Ấn Độ cho triều đình nhà Đường. TS Hồ Đắc TúcÔng còn đưa ra một hình dung quan trọng hơn: “Các chứng cớ khảo cổ và thư tịch đã xác định được hoạt động “toàn cầu hóa” trong vùng Nam Á và Đông Nam Á trước Tây lịch. Chúng ta không thể không nghĩ tới việc đạo Phật đã vào Việt Nam nhiều năm trước Tây lịch, đầu tiên từ hướng nam”. Điều này mang những ý nghĩa gì?- Các nghiên cứu về Phật Quốc ký chỉ nói Pháp Hiển rời Tích Lan (Srilanca) bằng thuyền, nhưng không nói đi từ cảng nào. Tôi truy tìm thư tịch về cảng biển, thời tiết (gió mùa và bão trên biển) và giao thương vùng Nam Á thời đó, nghiệm ra nơi xuất phát của Pháp Hiển khi lên thuyền vượt biển. Học giả Nam Á và châu Âu đã nghiên cứu kỹ giao thương từ Nam Á qua Đông Á xuyên qua Việt Nam có từ trước Tây lịch, hàng hóa (gồm chủng loại hàng) được trao đổi từ Nam Á đến Đông Nam Á và Đông Á như thế nào. Thương nhân Ấn không chỉ đi thuyền đến Phù Nam và Sa Huỳnh, mà còn đi tắt qua Miến Điện, tránh vịnh Malacca nhiều hải tặc, đến nước ta ngày nay.Di chỉ và di vật khảo cổ như ở Óc Eo, đặc biệt di chỉ Võ Cạnh ở Khánh Hòa với tấm bia khắc Phạn văn được xác định khoảng thế kỷ 2, cho thấy văn minh Ấn Độ phải phát triển ở miền Trung rất lâu thì mới có chữ Phạn khắc lên bia. Người Ấn chắc chắn đã đến Việt Nam (nói chung) trước Tây lịch. Tất nhiên, thương nhân không chỉ đem hàng hóa mà còn đem theo cả triết học, văn hóa và Phật giáo. Điều này đã được phân tích rất khoa học trong công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam của thầy Lê Mạnh Thát.Chúng ta quen nghe một số người cho rằng Phật giáo Việt Nam được truyền từ phương Bắc. Ít thấy ai đặt vấn đề như thầy Thát dựa trên văn bản và khảo cổ học. Phật Quốc ký là một cứ liệu lịch sử phân tích hải trình của ngài dựa theo gió mùa rọi soi thời xưa ai đi đâu đến đâu vào lúc nào. Văn minh nhân loại ngày nay có được cũng nhờ gió mùa.Khi truy tìm hải trình của Pháp Hiển, tôi biết được nhiều thư tịch nước ngoài nói đến cuộc tao ngộ giữa Việt và Ấn có từ trước Tây lịch, không khỏi chạnh lòng ước có một công trình tập thể nhìn lại sử Việt từ hướng nam. Đây là chuyện dài cần nhiều thế hệ cùng làm. Truy tìm dấu chân xưa cho mình sự tỉnh táo trước sự nhiễu loạn thông tin thời nay, nhận ra ngụy thư.Có lẽ nên học ngài Pháp Hiển trong dòng cuối cùng của Phật Quốc ký mà hòa thượng Trí Quang đã dịch rất hay: “Thành tựu công nghiệp là vì biết quên cái mình trọng để trọng cái mình quên”. ■ Tags: Phật giáoĐức PhậtHồ Đắc TúcPhật Quốc ký
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
4 người trong gia đình tử nạn ở Hà Nội: Các nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương HỒNG QUANG 25/11/2024 Các nhân chứng cho biết khi họ tiếp cận nơi này, 4 người còn ngồi trên yên xe máy, ôm chặt nhau.
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là 'rất cần thiết' NGUYÊN KHÔI 25/11/2024 Trước những ý kiến khác về việc triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, quan điểm của Sở Văn hóa và Thể thao ra sao khi trình báo cáo?
Phản ứng của Tổng thống Philippines sau khi bị cấp phó dọa ám sát TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Sau khi bị cấp phó Sara Duterte dọa ám sát, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.