20/12/2012 05:22 GMT+7

Làn sóng đòi kiểm soát súng đạn lan rộng ở Mỹ

TRẦN PHƯƠNG - SƠN HÀ
TRẦN PHƯƠNG - SƠN HÀ

TT - Những nỗ lực ủng hộ việc kiểm soát súng đạn đang lan rộng tại Mỹ sau vụ thảm sát đẫm máu ở bang Connecticut. Nhưng sự phản đối từ phe ủng hộ quyền sở hữu súng cũng rất quyết liệt.

lKGPI9Jd.jpgPhóng to

Một apphich vận động việc kiểm soát súng ở Mỹ. Trên apphich này là dòng chữ: “Năm qua, súng đã giết chết 48 người ở Nhật Bản, 8 người ở Anh, 34 người ở Thụy Sĩ, 52 người ở Canada, 58 người ở Israel, 21 người ở Thụy Điển, 42 người ở Đức và 10.728 người ở Mỹ” - Ảnh: Huffington Post

Theo báo Wall Street Journal, người phát ngôn Nhà Trắng vừa khẳng định Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ các dự luật kiểm soát súng đạn mà một số nghị sĩ Đảng Dân chủ trình lên quốc hội. Ông Obama cũng muốn khôi phục lệnh cấm vũ khí có sức sát thương cao đã hết hiệu lực vào năm 2004 và xem xét việc hạn chế mua băng đạn có nhiều đạn.

Phản ứng đối với vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook đang lan tỏa. Lần đầu tiên, những người phản đối súng tại Mỹ có hi vọng thật sự.

Quyết tâm thay đổi

Báo New York Times đưa tin ở bang California, các nghị sĩ Dân chủ đã trình dự luật buộc người mua súng phải trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt. Ở bang Michigan, thống đốc Rick Snyder thuộc Đảng Cộng hòa đã bác bỏ một dự luật cho phép mang súng vào trường học. Ở Washington, một số lãnh đạo Đảng Cộng hòa bày tỏ ủng hộ việc xem xét các luật kiểm soát vũ khí mới dù là còn thận trọng

Trong khi đó, Tập đoàn Cerberus Capital Management tuyên bố bán công ty con Freedom Group chuyên sản xuất súng trường bán tự động Bushmaster, loại súng mà hung thủ Adam Lanza dùng trong vụ thảm sát. Chuỗi cửa hàng Dick’s Sporting Goods, có hơn 500 cửa hàng tại Mỹ và bán nhiều loại súng, cũng cho biết sẽ hạn chế việc bán súng. Đại gia bán lẻ Walmart đóng cửa trang thông tin về loại súng Bushmaster.

Thị trưởng New York Michael Bloomberg lên tiếng kêu gọi chính phủ loại bỏ lỗ hổng pháp lý cho phép bán súng thoải mái tại các hội chợ súng mà không cần kiểm tra lai lịch khách hàng.

Một tổ chức chống súng đạn hàng đầu tại Mỹ là Chiến dịch Brady ngăn chặn bạo lực súng đạn (BCPGV) đánh giá quan điểm của dân Mỹ về súng đạn đã thay đổi thật sự sau vụ thảm sát ở Trường Sandy Hook. “Chưa bao giờ chúng tôi thấy phản ứng như vậy” - giám đốc BCPGV Brian Malte khẳng định.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định không dễ gì Quốc hội Mỹ sẽ thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn mà một số nghị sĩ Dân chủ trình lên. Bởi phần lớn nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ quyền sở hữu súng và có quan hệ thân cận với Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA). Một số nghị sĩ Dân chủ đại diện các vùng nông thôn cũng không dám làm trái ý cử tri yêu súng đạn tại địa phương mình.

Điều đáng buồn là thảm kịch đẫm máu ở Trường Sandy Hook không hề làm thay đổi quan điểm của phần đông người sở hữu súng tại Mỹ. Trên các diễn đàn Internet, họ khư khư quan điểm “Súng không giết người, chỉ có người giết người” và chỉ trích các nỗ lực hạn chế súng đạn là vi phạm quyền của họ mà hiến pháp đã quy định. Báo Huffington Post đưa tin sau vụ thảm sát, doanh số bán súng tại nhiều địa phương Mỹ tăng vọt do những người mê súng lo ngại chính phủ sẽ hạn chế súng đạn.

Kiểm soát bệnh tâm thần

Một vấn đề khác cũng đang là chủ đề thảo luận căng thẳng tại Mỹ sau vụ thảm sát, đó là việc hệ thống y tế Mỹ tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc chăm sóc và kiểm soát các bệnh nhân tâm thần, thực trạng giới truyền thông và ngành công nghiệp giải trí cổ xúy bạo lực. Trước đó có tin hung thủ Adam Lanza bị mắc bệnh tự kỷ nhẹ hoặc một chứng bệnh rối loạn nhân cách.

Hãng tin ACB dẫn lời chuyên gia sức khỏe tâm thần nổi tiếng Jennifer Hagman thuộc Bệnh viện Nhi Colorado đánh giá hệ thống y tế Mỹ không tạo đủ điều kiện để bệnh nhân tâm thần tiếp cận với các biện pháp chữa trị.

Các chuyên gia tâm lý Mỹ đánh giá cuộc thảo luận về vấn đề bệnh tâm thần sau vụ thảm sát có thể sẽ dẫn tới việc nhà chức trách tập trung vào nỗ lực điều trị các bệnh nhân tâm thần hơn. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo nguy cơ các bệnh nhân tâm thần bị xâm phạm quyền tự do. Ngoài ra, phe mê súng đạn ở Mỹ cũng viện vào lập luận “giải quyết vấn đề bệnh tâm thần trước” để ngăn chặn thảm kịch tái diễn thay vì kiểm soát súng đạn.

Bạo lực từ các loại hình giải trí cũng bị chỉ trích dữ dội. “95% nhà khoa học tin rằng bạo lực từ truyền thông, các chương trình tivi, phim ảnh, trò chơi điện tử... làm gia tăng sự hung bạo ở giới trẻ” - AFP dẫn lời chuyên gia tâm lý Brad Bushman thuộc ĐH Ohio. Theo ông Bushman, các trò chơi bạo lực khiến người chơi có những hành động cáu gắt như la hét, đập phá... Năm 2011, bang California từng ra lệnh cấm bán trò chơi bạo lực nhưng bị Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ.

TRẦN PHƯƠNG - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên