09/02/2016 09:16 GMT+7

Lân Sài Gòn "giang hồ" không phải dạng vừa đâu

HỒ TƯỜNG
HỒ TƯỜNG

TTO - Có lân đại ca, có lân giang hồ bạt mạng, có lân đàn em... Vi phạm "luật giang hồ" này, huyết đấu dễ như chơi. Nhận diện thế nào khi các đội lân không biết nhau?

Lân râu đỏ ngày tết ở Lăng Ông, Bà Chiểu, TP.HCM múa "độc chiếm ngao đầu" - Ảnh: M.C

Chắc chắn tiếng  trống lân luôn là âm thanh của ngày tết Sài Gòn. Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, có thể nói rằng múa lân là nghệ thuật đặc trưng nhất của đất Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, được nhiều người ưa thích.

Hình ảnh của con lân tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng; khơi mở điềm lành trong năm mới…

Lân tết Sài Gòn phải là lân quý tướng

Không phải con lân nào cũng được múa ngày tết Sài Gòn. Dân múa lân ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn yêu cầu con lân đó phải hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa.

Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì cá (ngư) tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến (cá vượt vũ môn, cá hóa long). Để khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc.

Nói chung, tạo hình đầu lân là nhấn mạnh những điểm đặc trưng của tứ linh để lân đạt được phong thái hung dũng và uy linh, nhưng không xa lạ với quan niệm truyền thống của cộng đồng.

Múa lân tết màu mè nhưng có chuẩn và đừng lộn xộn với...hàm râu

Lân mang nhiều sắc mặt: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ba đầu lân được ưa chuộng nhất là trắng, đỏ và đen. Ba đầu lân thường múa chung với nhau, tượng trưng cho “Ðào viên kết nghĩa” là Lân mặt vàng, râu trắng (Lưu Bị), Lân mặt đỏ râu đen (Quan Vân Trường) và lân mặt đen, râu đen (Trương Phi).

Một đội lân ở Sài Gòn ngày tết thời thuộc Pháp trên bưu thiếp xưa (bưu thiếp ghi nhầm là múa rồng). Con lân này râu đen, tức còn "non trẻ" - Ảnh tư liệu

Ngày Tết, múa lân có bốn màu tượng trưng cho bốn mùa, để mừng năm mới tốt lành, gia đình an khang, công việc phát đạt, đất nước thịnh vượng, thiên hạ thái bình.

Râu lân là bộ phận quan trọng nhất trên đầu lân. Theo quan niệm từ xưa, lân râu bạc hay râu đen là dựa theo tuổi tác của đoàn lân. Đoàn lân phải ba mươi tuổi trở lên mới có lân râu bạc.

Trong khi đó, lân múa cúng trước chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân của người Hoa ở Chợ Lớn lại khác, có đủ râu bạc, râu đỏ và râu đen: Lân râu bạc tượng trưng cho Lưu Bị, lân râu đỏ là Quan Công, lân râu đen là Trương Phi.

Để khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc.

Theo luật bất thành văn, thì lân râu bạc hay trắng, được xem như là chúa các loài lân trên đời, ít nhất ở khu vực Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn; đó là những đội lân của các đại ca trong nghề.

Lê Yến Quyên, nữ sinh 18 tuổi, được Trung tâm Sách kỷ lục quốc gia công nhận là “Nữ vận động viên duy nhất Việt Nam múa lân trên cột cao 7m". Lân Yến Quyên múa trong hình là lân râu bạc trên cột cao 8m - Ảnh: ĐÌNH PHƯỢNG

Lân râu hoe hoe, đại diện cho các đội hạng nhì của các tay giang hồ bạt mạng, lúc nào cũng đang ngấp nghé chờ cơ hội xưng bá.

Lân râu xanh hay đen là lớp đàn em.

Trong nghiệp múa lân, nếu "biết trên biết dưới" theo “luật lệ giang hồ” thì mọi sự tốt đẹp, còn không thì các cuộc huyết đấu sẽ xảy ra ngay trong lúc trổ tài và thực tế, nhất là trước 1975, nhiều cuộc huyết chiến đã xảy ra dữ dội từ mấy chuyện này.

Trồng lân đã nổi, múa bao nhiêu lân?

Theo thời gian, nghệ thuật múa lân đã có nhiều thay đổi để vừa bảo tồn được những giá trị cổ truyền, vừa có thêm những nét sáng tạo độc đáo, cũng như hiện đại hóa cho phù hợp với "gu" thẩm mỹ thời nay.

Ngày trước, người ta chỉ nghe mấy tiếng cắc tùng lúc khoan nhặt, lúc dồn dập của trống, ngày nay “dàn nhạc” được bổ sung thêm nhiều nhạc cụ khác, hòa tấu thành bài bản hẳn hoi trong khi lân biểu diễn.

Trong múa lân, bộ gõ đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì nhằm thống nhất động tác và góp phần tạo không khí cho buổi biểu diễn với trống, thanh la và chập chõa.

Trống là loại trống lớn chuyên dùng cho múa lân.Thanh la cấu tạo chủ yếu là hợp kim với hàm lượng đồng tương đối cao. Chập chõa gồm một cặp: một âm (nhẹ) và một dương (nặng), làm bằng đồng cọng với hàm lượng bạc và hợp kim nên tiếng thanh và vang. 

Một đội lân có thể dùng một trống, một thanh la, một chập chõa hay nhiều hơn, tùy nội dung và yêu cầu của buổi diễn..

Cũng vậy, xưa kia, múa lân, múa sư tử và múa rồng là những đội múa khác nhau, nhưng ngày nay, múa lân - sư - rồng thường chung một đội… Người xem thưởng thức được cả tai và mắt, bởi nhạc điệu tưng bừng rộn rã và sắc màu tươi thắm cũng như động tác khéo léo nhuần nhuyễn ba loại hình múa khác nhau…

Múa rồng ngày tết thời thuộc Pháp trên đường Lê Lợi hiện nay - Ảnh tư liệu

Trước hết là "độc chiếm ngao đầu" do một lân biểu diễn, tả xung hữu đột, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, anh hùng.

Hai con lân cùng biểu diễn là "song hỉ", thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp nên hai con lân này vờn nhau như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp.

Ba con lân vàng, đen xuất hiện cùng lúc là "tam tinh"  là ba điều tốt phúc - lộc - thọ; nhưng cũng có khi gọi là "tam anh", diễn tả quan hệ bằng hữu, gắn bó Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.

Bốn con lân "Tứ quý hưng long" gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen (hoặc xanh) cùng múa tượng trưng bốn mùa, bốn phương nói lên sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

“Ngũ phúc lâm môn” do năm con lân cùng múa, gồm năm đầu lân có màu trắng, vàng, đỏ, xanh, đen, ngụ ý rước năm điều phúc là phú, quý, thọ, khang, ninh vào nhà gia chủ.  

Một đội lân đi biểu diễn chúc mừng tết trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM - Ảnh: M.C

 

Khai quang điểm nhãn

Lệ thường làm đầu lân bao giờ cũng chừa mắt để dành cho lễ “khai quang điểm nhãn” (hay còn gọi là “điểm tinh khai quang”). Lễ này thường được tổ chức vào cuối tháng chạp âm lịch, tại một ngôi miếu thờ nam thần hay nữ thần của người Hoa.

Chỉ sau khi làm lễ “khai quang điểm nhãn”, các đội lân mới có thể múa biểu diễn.

Tại sao Ông Địa cầm quạt?

Có truyền thuyết xưa có một năm trời làm thiên tai dịch họa, Phật Di lặc hóa thân thành Ông Địa để cứu nhân độ thế;  tìm cỏ linh chi chữa bệnh. Nhưng cỏ này rất khó lấy vì nó được một con lân canh giữ. Ông Địa làm quen và không chỉ hái được mà còn rủ con lân xuống núi để giúp đời. 

Có lẽ vì vậy, múa lân lúc nào Ông Địa cũng cầm cái quạt phe phẩy vì xưa Ông Địa đã lấy quạt che cỏ linh chi. Nhưng cũng có lúc, Ông Địa chạy trước hé quạt đưa cỏ linh chi ra để nhử con lân theo ông xuống núi giúp đời.

Trong nghệ thuật múa lân, Ông Địa bụng phệ, tay cầm quạt lá, mang mặt nạ, miệng cười rộng toét, hai hàm răng to đều, biểu hiện cho sự vui tươi, lạc quan và trù phú.

Cũng có người nói Ông Địa chỉ huy con lân, bảo gì lân cũng làm theo, bởi theo một dị bản về nguồn gốc múa lân cho rằng Ông Địa chế ngự được một quái vật dưới biển lên bờ, lấy cỏ linh chi trên núi cho quái thú ăn và hàng phục được nó.

Ông Ðịa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh, giấy đỏ đón chào.

Sau này, người ta treo tiền buộc trong một miếng vải đỏ cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được “thức ăn” này.

Cảnh ông Ðịa vuốt ve lân và lân mơn trớn ông Ðịa thật chan hòa tình yêu thương giữa người và vật, thể hiện được tình cảm thông sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí tết thanh bình, hoan lạc.

 

 

HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên