19/03/2021 12:15 GMT+7

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 7: 'Phép mầu' ở mỏ đá

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Bất ngờ ngã từ vách núi cao hơn 30m, tương đương tòa chung cư 9 tầng, xuống thẳng bãi đá bên dưới nhưng anh Nguyễn Duy Thắng vẫn sống sót một cách kỳ diệu.

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 7: Phép mầu ở mỏ đá - Ảnh 1.

Tay anh Thắng vẫn còn vết sẹo to dài do vụ ngã núi gây ra - Ảnh: TÂM LÊ

"Làm đá rủi ro nguy hiểm lắm, chỉ một cục đá bằng nắm tay rơi trúng đầu cũng có thể tử vong.

Anh Thắng chia sẻ tại mỏ đá anh gặp nạn, năm sau lại có một thợ khoan bị tai nạn mất ngay tại chỗ khi mới 29 tuổi

Các đồng nghiệp không hiểu được vì họ chưa thấy ai thoát chết ở độ cao này. Còn chính Thắng cũng không tin nổi vì sao mình vẫn sống.

Như có "phép mầu"

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Duy Thắng sinh năm 1985 tại một quán ăn ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Anh vừa nghỉ việc lái xe tải ở mỏ đá, về nhà mở quán cùng bạn.

Trông anh hoàn toàn lành lặn, nếu quan sát kỹ mới thấy dáng đi hơi cà nhắc, chiếc áo cộc tay để lộ vết sẹo dài ở cánh tay trái. Cách trò chuyện linh hoạt, trí nhớ tốt. Anh chỉ không làm được việc nặng như leo núi, khuân vác, còn các việc nhẹ hơn thì làm một cách dễ dàng.

Ngày đi tìm nạn nhân ở khu núi đá xã Cao Dương, bà con nói số nạn nhân sống sót chỉ là hi hữu. "Đa phần người bị tai nạn đá đều chết thương tâm" - anh Nguyễn Xuân Tuấn, một thợ nổ mìn ở mỏ đá, cho hay. Anh Thắng là một trong số nạn nhân thoát nạn kỳ diệu mà các thợ núi và bà con quanh xã đều nghĩ như có "phép mầu".

Thời điểm này năm 2013, anh Thắng vẫn đang nằm treo chân trong bệnh viện và mất cái tết năm đó. Nhưng mẹ, vợ và bà con họ hàng vẫn cảm ơn trời Phật vì anh giữ được tính mạng.

Từng học chuyên ngành điện, nhưng lương thợ mỏ trong vùng lại cao hơn nên anh Thắng chuyển sang làm lái xe tải cho một mỏ đá. Trong mỏ thiếu thợ khoan, mà lương thợ khoan lại cao hơn lương lái xe nên anh cứ xê dịch dần sang nhóm khoan đá.

"Tôi làm được hơn một năm, đang dự tính hai ngày nữa nghỉ thì xảy ra chuyện. Tôi định chuyển nghề khác vì công việc ở mỏ đá ngày càng nguy hiểm và vất vả" - anh Thắng nhớ lại.

Ký ức khó quên của anh Thắng trong buổi tối làm ca đêm năm ấy, khoảng 22h như mọi ngày. Nhiệm vụ tổ khoan phải khoan các lỗ để tạo bãi mìn ở lưng chừng vách núi. Gần 10 người một tổ khoan, mỗi nhóm 3-4 người phụ trách một máy khoan.

Nhiệm vụ khó khăn của thợ khoan là phải di chuyển cả người và máy móc ngược lên vách đá dựng đứng. Công cụ hỗ trợ chỉ có một dây chão bằng cổ tay vắt từ đỉnh núi xuống, dưới ánh sáng lờ mờ của bóng điện lọt thỏm giữa không gian mịt mùng. "Cứ bám vào dây lên từng bước một thôi" - anh Thắng cho hay.

Mỗi thợ khoan khi leo phải vác thêm một phần của chiếc máy khoan. Chiếc máy nặng vài tạ này được tách ra, mỗi người vác một phần, tới nơi lại ráp vào.

Treo mình trên bãi đá chênh vênh, lởm chởm, người thợ khoan phải dò xem chỗ nào có thể đặt mũi khoan, chỗ nào nổ mìn để hiệu suất đá lớn tách khỏi núi. Có những mũi khoan khó, độ nguy hiểm cao ở phía ngoài mép vực nhưng tổ khoan cũng phải thực hiện.

Và mũi khoan "định mệnh" đêm ấy suýt lấy mạng anh Thắng, mũi khoan mà cả đời anh cũng không thể quên. "Đó là mũi khoan đã hoàn thành chứ không phải mới bắt đầu. Khi đó, chúng tôi đang bẩy di chuyển máy sang một mũi khoan mới. Chỗ đứng để tì đòn bẩy rất hẹp, phía bên ngoài mép vực không có chỗ đứng an toàn.

Ai cũng ngại đứng ra phía ngoài, thế là tôi nhận, lúc đó cũng đâu có nghĩ sẽ bị ngã. Đang loay hoay bẩy máy thì cái đòn bẩy bị hụt, tôi trượt chân ngã ra không với vào đâu được.

Chớp mắt tôi rơi thẳng xuống khoảng không tối đen, nhanh lắm, lúc đó chỉ nghĩ là mình chết chắc. Cơn đau buốt ập đến, toàn thân nhức nhối, mắt hoa lên chỉ thấy sao đom đóm đang xoay tròn.

Anh em cũng không biết tôi rơi xuống chỗ nào vì đêm tối lắm. Chắc họ phải bò dần mới xuống đất để tìm tôi chứ trên vách đá thì làm sao mà xuống nhanh được.

Tôi rơi xuống sâu hơn 30m như người khác thì đã chết, nhưng kỳ lạ là tôi vẫn tỉnh, chỉ đau tê dại khắp người. Khi anh em tìm được tôi, bấm đèn pin lật người lên thì tôi vô cùng hoảng sợ vì không thấy cánh tay mình đâu. Hóa ra tay bị gãy trẹo hẳn về phía sau, tôi không còn cảm giác gì nữa" - anh Thắng xúc động kể phút giây sinh tử.

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 7: Phép mầu ở mỏ đá - Ảnh 3.

Những phu đá làm việc trên vách đá cheo leo, tử thần rình rập - Ảnh: TÂM LÊ

Vượt qua nỗi đau

Các đồng nghiệp vội vã dùng xe chở đá chở anh Thắng vào bệnh viện. Trên đường anh lại tỉnh táo khiến họ càng thêm lo lắng vì nghi bị chấn thương đầu có thể tỉnh táo trước khi chìm vào hôn mê sâu. Thực tế có mấy ai bị rơi ở mỏ đá mà sống được đâu!

Sau khi sơ cứu ở tuyến huyện, anh Thắng được đưa xuống Bệnh viện Quân đội 103 ở Hà Nội để phẫu thuật. Bác sĩ xác định anh Thắng bị thương tích trên 60%, chụp chiếu não bộ rất may không có nguy hiểm. Nhưng tay chân và xương sườn đều gãy, nặng nhất là anh buộc phải thay khớp háng.

Ca phẫu thuật khó và tốn kém khiến cả gia đình anh Thắng lo lắng. Chủ mỏ đá anh nơi làm việc hai ngày sau vụ tai nạn vào viện thăm và đưa 15 triệu tiền viện phí rồi cắt liên lạc. Trong khi chi phí những ngày đầu vào viện đã gấp đôi số tiền trên, chưa kể bệnh viện báo chi phí thay khớp hết 70 triệu.

"Số tiền lớn lắm, có hôm vợ chồng nằm ôm nhau khóc không biết lấy đâu ra số tiền 100-200 triệu để trả nợ. 5 năm sau chúng tôi vẫn chưa trả hết nợ, khớp sắp phải thay lại nữa. Nhưng tôi vẫn động viên nhà tôi, còn người thì còn của" - chị Nguyễn Thị Luyến, vợ anh Thắng, bày tỏ.

Bố mất sớm, mẹ bị bệnh động kinh trở trời lại co giật, vợ anh khi ấy vừa sinh con được hơn 1 tháng tuổi. Thắng là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em, nhưng các chị em gái đều lấy chồng xa và gia đình không mấy khá giả.

"Những ngày tháng nằm một chỗ đều là bố vợ chăm sóc tôi, ông tốt bụng và thương con cái vô cùng" - anh Thắng nằm ở viện điều trị hơn 2 tháng, sau đó phải xin về nhà trước thời hạn để giảm chi phí.

Lý giải về điều anh may mắn sống sót, nhiều người phán đoán có thể anh rơi xuống rãnh đất đá dọn bề mặt núi. Khi gần chạm mặt đất nếu lăn nhiều vòng, không gặp phải đá tảng thì có cơ may sống sót. Nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán vì đêm tối đen như mực, dù rơi kiểu gì anh Thắng cũng phải là người may mắn lắm mới thoát chết.

Hơn một năm nằm một chỗ rồi hồi phục chức năng đi đứng, anh Thắng lại lao vào công việc để trả gánh nợ nần. "Những gia đình cho tôi vay khẩn giờ họ cũng cần tiền, cả năm rồi nên ai cũng đến hỏi. Tôi nằm ở nhà áp lực ghê lắm, đã không làm ra tiền lại còn tiêu tốn tiền nữa" - Thắng kể đây là khoảng thời gian anh như rơi vào trầm cảm.

Ban đầu anh xin lái xe tải đường dài nhưng công việc này cũng nhiều rủi ro, tiền công thấp lại phải xa nhà thường xuyên. Cuối cùng, anh lại vào mỏ đá lái xe và chọn một mỏ đá có thiết kế an toàn hơn để làm.

"Lo kiếm tiền át nỗi lo tai nạn nên tôi không thấy sợ" - anh Thắng cho biết mỏ đá này cắt tầng bậc, sử dụng công nghệ trong khai thác chứ không làm theo cách thổ phỉ như những mỏ đá khác. Ở đây, anh có thể lái xe lên tận đỉnh núi mà không phải bám dây chão để leo. Công nhân sử dụng máy khoan công nghiệp chứ không phải máy khoan tay như anh trước đây.

Theo anh Thắng, phần lớn những vụ tai nạn ở mỏ đá là do đá lở bất ngờ, lở do đợt nổ mìn trước đó xử lý không hết. "Những tai nạn này thường xảy ra ở mỏ đá khai thác thổ phỉ, người thiệt thòi là công nhân vì họ không được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm, đa phần tai nạn đá là công nhân trẻ tuổi thiệt mạng" - anh Thắng cho hay.

**************

Bà Hảo tỉnh dậy, hai ngón tay cái đã bị buộc vào nhau bằng dây gai. Đầu giường, bát cơm với quả trứng "cúng hồn" nghi ngút khói hương. Chỉ ít phút nữa, bà sẽ được đặt vào quan tài để đóng nắp.

>> Kỳ tới: Cụ bà sống lại trước giờ liệm

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 6: Hai lần vượt qua cửa tử Lằn ranh sinh tử - Kỳ 6: Hai lần vượt qua cửa tử

TTO - "Lần tai biến đó tôi như người chết rồi, chẳng còn biết gì, nằm mê man bất động suốt hơn nửa tháng. Nghe người nhà kể lại lúc tiếp nhận tôi, bác sĩ nói nếu không phẫu thuật tôi sẽ chết..."

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên