19/01/2012 21:18 GMT+7

Lan man món lạ Âu - Việt

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

TT - Roland đi cùng tôi, chỉ vào cửa bên ngoài một nhà hàng Việt Nam ở khu Hackney phía đông London hỏi họ viết gì vậy. Theo hướng anh chỉ, tôi thấy tấm bảng viết tay “Hôm nay có lòng lợn tươi”.

Nhà hàng quả rất tinh đời khi chỉ viết quảng cáo trên bằng tiếng Việt để cuốn hút Việt kiều Anh, chủ yếu là người Bắc đến đây những năm thập niên 1980 thèm lòng heo chấm mắm tôm. Nếu để thêm tiếng Anh, dân Ănglê đọc được chắc cao chạy xa bay, một đi không trở lại.

xV1JetLk.jpgPhóng to
Những con thiên nga ở lâu đài Windsor. Từ khi thiên nga trở thành tài sản của nữ hoàng, dân Anh mất món bánh nướng làm từ thịt cổ thiên nga! - Ảnh: H.T.

Cũng lạ, trong lịch sử người Anh vốn nổi tiếng thám hiểm thế giới, chinh phục các vùng đất xa xôi rừng thiêng nước độc mấy cũng được, nhưng về ẩm thực lại khá nhát gan, thịt ếch còn không dám ăn. Dân Pháp khoái ăn đùi ếch nên bị dân Anh chọc là “frogs” (con ếch). Dân Pháp cũng không vừa, gọi Anh là “rosbif” (phiên âm tiếng Pháp của chữ “roast beef”, món thịt bò đút lò thường được ăn vào chủ nhật ở Anh) hàm ý chê người láng giềng ẩm thực không phong phú.

Sống ở Anh khá lâu nhưng tôi chỉ biết được vài món có thể gọi là kỳ thú ở đảo quốc này. Thứ nhất là haggis, món truyền thống Scotland (thuộc Vương quốc Anh), được làm từ phổi, tim, gan cừu băm nhỏ trộn gia vị nhồi vào bao tử cừu, dùng chỉ khâu lại rồi luộc chín. Tim gan đối với người Việt là món ăn bình thường, nhưng ở đây rất lạ đời, dân bản địa không phải ai cũng từng ăn. Theo đúng cách ăn kiểu dân gian, khi haggis được dọn lên bàn trong những bữa tiệc, cả khách lẫn chủ sẽ nhảy lên ghế, đặt một chân lên bàn rồi ngửa cổ nốc một hơi hết ly whisky, xong thảy ly ra sau lưng rồi mới ngồi xuống ăn tiệc. Không biết ngày nay truyền thống đó có còn không, nhưng hi vọng nam giới sẽ không mặc váy kilt kẻ carô của đàn ông Scotland khi dự tiệc kiểu này.

Haggis xuất thân con nhà nghèo, những ai không đủ tiền mua thịt nạc mới tận dụng nấu những thành phần bỏ đi, nhưng nay đã trở thành món quốc hồn quốc túy của vùng cao nguyên lạnh giá. Nhất là từ khi Robert Burns sáng tác “Thơ hát tặng haggis” (Ode to a Haggis, hoặc có bản ghi là Address to a Haggis), dưới đây là đoạn mở đầu:

Gương mặt vui tươi, chân thành của bạn đẹp làm saoTộc trưởng của họ nhà bánh puddingBạn chiếm vị thế trên tất cả ấyDạ dày, bao tử và ruộtBạn xứng đáng với sự vẻ vang này

Trích đoạn trên đọc qua sẽ thấy khá ngô nghê, khó tin một trong những nhà thơ lỗi lạc nhất Vương quốc Anh đã viết bài thơ này. Bài ca ngợi haggis của Burns ra đời năm 1786, trong bối cảnh Mỹ dưới sự lãnh đạo của tướng George Washington vừa giành độc lập từ Anh trước đó không lâu; Pháp đang trong thời kỳ mâu thuẫn xã hội sâu sắc dẫn đến Cách mạng Pháp ba năm sau; còn ở nội địa mối quan hệ Scotland và Anh không mấy tốt đẹp. Vì vậy có thể nói đây là hành trình tìm kiếm bản sắc dân tộc Scotland của Burns và là cách ông thể hiện tình yêu quê hương xứ sở.

Không biết có phải vì vậy mà đây trở thành bài phổ biến nhất trong số 717 tác phẩm của Robert Burns trên trang web BBC, hơn cả hai bài nổi tiếng của ông là “Tình yêu tôi như một hoa hồng đỏ” do chính thái tử Charles đích thân ngâm thơ thu radio, và bài “Auld lang syne” được hát vào mỗi dịp năm mới ở Anh.

ZDUTfIre.jpgPhóng to
Món black pudding

Một món lạ nữa là black pudding, tạm dịch: bánh đen, một loại xúc xích từ huyết heo, trộn mỡ heo, hành tây, bột yến mạch và các loại gia vị, tất cả xay nhỏ nhồi vào ruột heo, tương tự món dồi VN. Cũng như haggis, đây xuất thân là món nhà nghèo nhưng đã trở nên phổ biến, nếu có dịp đến Anh ở khách sạn từ bình dân đến năm sao, bữa sáng bạn sẽ thấy black pudding ăn chung với thịt heo muối, xúc xích, nấm, cà chua chiên, bánh mì lát nướng.

Nhắc đến huyết heo, tôi nhớ cách đây bảy năm, trong lần ghé chơi Vienna, thủ đô nước Áo, chú Thomas của Daniel - bạn tôi - dẫn hai đứa tôi đi ăn nhà hàng. Có một món mà khi tôi ăn, hai người nhìn nhau cười ra vẻ bí mật lắm. Đợi tôi ăn xong, họ mới tiết lộ gọi món xúc xích làm từ huyết heo kiểu Áo, vừa nói vừa nhìn tôi vẻ thăm dò. Tôi tỉnh bơ: “Tưởng gì, huyết heo ở Việt Nam con ăn với bún riêu hoài” làm hai chú cháu xụi lơ vì tưởng tôi sẽ la lối hoặc đấm ngực kêu trời.

Nói vậy thôi chứ tôi rất nhát gan, lớn lên ở Việt Nam nhưng cả đời chưa bao giờ ăn tiết canh vịt, còn hột vịt lộn chỉ ăn miếng màu trắng sần sật và lòng đỏ, vịt con không ăn. Những năm tôi lớn lên vào thập niên 1980, mỗi lần mua hột vịt lộn là mẹ tôi ép ăn cho bổ, có lần tôi nuốt trộng mà nước mắt nước mũi giàn giụa. Nhiều năm sau tôi mới biết hột vịt lộn luôn nằm trong danh sách mười món ghê rợn nhất thế giới đối với phương Tây!

Vì nhát gan nên cuốn du ký ẩm thực châu Âu Bánh mì thơm, cà phê đắng (NXB Trẻ) của tôi không có thức nào quá lạ đời, chỉ toàn mấy món “hiền khô” kiểu thịt heo nướng xiên Hi Lạp, xúp cá Thụy Điển, cá tuyết muối Bồ Đào Nha, vẹm xanh hấp rượu kèm khoai tây chiên Bỉ, bánh kem Slovenia... Có lẽ món kỳ thú nhất tôi từng ăn trong những chuyến đi xa là món thịt tuần lộc ăn ở Phần Lan. Tuần lộc (reindeer) là con vật kéo xe cho ông già Noel, có nhiều ở Scandinavia, nhất là ở vùng cực Bắc Lapland, cả chạy hoang lẫn nuôi trong các trang trại. Khi chúng tôi đi xe qua những con đường xuyên rừng bạch dương thỉnh thoảng lại thấy cả đàn chạy ngang giương mắt nhìn.

Khách sạn chúng tôi trú ngụ những ngày ở Lapland dĩ nhiên cũng có thịt tuần lộc. Có lần trong bữa sáng tôi thấy một cậu bé chừng 9 tuổi lắc đầu không chịu ăn tuần lộc, mếu máo: “Sao mình ăn thịt Rudolph vậy ba?”. Rudolph là tên chú tuần lộc được chọn kéo xe cho ông già Noel trong bài hát Rudolph, chú tuần lộc mũi đỏ/ Có một chiếc mũi bóng lưỡng/Và nếu bạn từng thấy chú/ Bạn thậm chí sẽ nói mũi chú tỏa sáng, hầu như Giáng sinh nào cũng được hát trên tivi.

Cậu bé kia là du khách nên thấy lạ, chứ trẻ em Phần Lan lớn lên với món thịt tuần lộc nhiều nạc và rất bổ nên xem như thịt bò, thịt heo. Tuần lộc ở đây được chế biến nhiều kiểu như ăn tái, đút lò, nướng, làm hamburger, xông khói, xào lăn, hầm. Tôi đã thử vài lần, thấy rất dễ ăn, sớ thịt mềm, ngon ngọt hơn thịt bò nhiều và không có mùi lạ như thịt cừu.

Nhắc đến món chim chóc, ở Anh còn một món khá kỳ thú nữa là bánh nướng làm từ thịt cổ thiên nga, có từ nhiều thế kỷ trước. Bởi vậy nếu có ai khen bạn cổ cao ba ngấn thon thả như cổ thiên nga cũng đừng vội mừng thầm, vì thiên nga cũng như gà vịt vậy thôi. Món này dường như bây giờ đã thất truyền, lý do vì thiên nga ngày nay là tài sản của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị nên dù bơi trên sông hồ khắp nước Anh cũng không ai được phép bắt.

Nếu bạn sợ khi nghĩ đến bánh làm từ cổ thiên nga cũng không có gì lạ, như ngạn ngữ Anh có câu “Món thịt của người này là độc dược của người khác” vậy, sống đâu quen đó. Cũng như bàn thờ gia đình cúng tất niên có con gà luộc còn nguyên đầu cả mắt mũi mào, miệng gà ngậm thêm bông hồng tỉa từ trái cà chua, ở Việt Nam thấy bình thường nhưng bạn Alastair của tôi tới Việt Nam ăn Tết nhìn thấy đã hồn xiêu phách lạc, “về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên