Điều mà tướng De Gaulle cảnh báo hơn nửa thế kỷ trước về sự mất độc lập tư tưởng để rồi không thừa nhận các thực tế vẫn luôn là một cái bẫy thường trực trong chính trị hiện đại. Ông Lý Hiển Long phát biểu tại Shangri La 2019 Trong bài diễn văn ôn cố tri tân của mình tại diễn đàn Shangri La vừa rồi, có lẽ ông Lý Hiển Long đã quen trong một khu vực ảnh hưởng, một hệ tư duy, nên ông vẫn chưa ra khỏi đó khi nói rằng: “Việt Nam đã xâm chiếm Campuchia, do đó đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng không cộng sản. Nhưng bây giờ Việt Nam đã gia nhập ASEAN, cùng với Campuchia, Lào và Myanmar. Đó là một trường hợp đánh lưỡi gươm thành lưỡi cày”. Tất nhiên, có thể hiểu câu trên và ý trên nằm trong một bài ôn cố tri tân từ cái nhìn phân biệt hai khối cộng sản và không cộng sản, như có thể thấy trong đoạn nói về chiến tranh lạnh. Không thể “cấm cản” những góc nhìn như thế, tùy thuộc vùng ảnh hưởng đã quen, cho dù từ phe bên này hay bên kia. Cho nên chuyện ông nói luôn điều này trong một status trên Facebook của mình về chuyện Việt Nam "xâm chiếm" cũng cùng mạch tư duy ấy. Còn về mặt ngôn ngữ, từ tiếng Anh “invasion” (từ mà ông Lý dùng) chỉ mang nội hàm chồng lấn, nhưng không trùng khít, với từ tiếng Việt “xâm lược”: đều có nghĩa là đưa quân một nước vào một nước khác, nhưng “invasion” mang hàm nghĩa trung tính hơn, phản ánh một dữ kiện xảy ra, trong khi “xâm lược” là một từ tiếng Việt rất mạnh về biểu cảm với nghĩa xấu, tiêu cực, có nội hàm là đưa quân vào, chiếm đóng, với ý đồ sát nhập, thôn tính lâu dài (mà trong tiếng Anh, với trình độ ngôn ngữ hạn hẹp của người viết đây, sẽ phải diễn đạt bằng hai từ: “invasion” và “annexation” - nghĩa là “đưa quân vào” và “thôn tính, sát nhập”). Không ai viết, dịch và hiểu “the invasion of Normandy”, mà trong những ngày này thế giới đang kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ Normandy (ở Pháp) ngày 6-6-1944 để giải phóng nước Pháp và châu Âu khỏi ách phát xít quốc xã, là “xâm lược Normandy”. Cũng không ai dịch mẩu tin của Reuters loan báo lịch trình của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Pháp là “Trump dự các buổi lễ tại Pháp kỷ niệm 75 năm ngày N cuộc xâm lược Normandy vào ngày 6-6” (Trump attends ceremonies in France marking the 75th anniversary of the D-Day invasion of Normandy on June 6)! Status của ông Lý Hiển Long trên Facebook ông. Như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, thật đáng “lấy làm tiếc”, từ “invasion” này lại xuất hiện trong thư chia buồn của ông Lý Hiển Long với Thái Lan khi cựu thủ tướng nước này Prem Tinsulanonda qua đời, mà tờ The Strait Times 1-6 trích lại như sau: “Ông Lee cho biết khu vực này cũng được hưởng lợi từ sự lãnh đạo của ông Prem, lưu ý rằng thời gian cầm quyền của ông Prem trùng khớp với việc 5 quốc gia ASEAN cùng nhau kiên quyết phản đối quyết định đưa quân vào (hay “xâm lược”, chữ “invasion” được dùng ở đây) Campuchia của Việt Nam”. Người Pháp có câu “Bên này dãy Pyrénées là chân lý, sang bên kia là sai lầm”. Vấn đề là nếu “ôn cố” trong tương quan nhân quả, có lẽ sẽ phải nhìn ra đâu là nhân và đâu là quả trong cuộc chiến tranh Campuchia, mà nạn diệt chủng đã đóng khung đất nước này trong gông cùm Pol Pot. Những vụ thảm sát ở Ba Chúc tháng 4-1978 khiến hơn 3.000 thường dân Việt Nam thiệt mạng không chỉ do bàn tay Khmer Đỏ, và Việt Nam có quyền tự vệ hoàn toàn chính đáng. 41 năm sau thảm kịch Khmer Đỏ, có lẽ cũng cần nhìn lại đâu là “nhân” thật sự, để hiểu cái “quả” ngày nay. Trong bối cảnh hung hiểm hiện giờ, một ASEAN chia rẽ sẽ là điều nguy hại cho tất cả các nước trong khối. Đừng để trong tương lai, bài học Đông Nam Á phải học là lẽ ra vào năm 2019, chúng ta phải đoàn kết hơn. Bởi nếu ASEAN càng chia rẽ, rủi ro bất ổn sẽ càng lớn, và khả năng chia bè kết cánh sẽ càng tăng. Lúc đó mới thực sự xuất hiện nguy cơ của một “cuộc xâm lược” từ bên ngoài!■ Tags: ASEANKhmer ĐỏLý Hiển LongCampuchiaPol PotPhát ngôn
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.