Hình ảnh vệ tinh chụp được 'chỉ một phần nhỏ' của đám khói kéo dài 3.200 km từ đông sang tây và 4.000 km từ bắc xuống nam. Ảnh: nasa.gov
Tờ Guardian đưa tin Cộng hòa Sakha tại vùng lãnh thổ Siberia thuộc Nga là một trong những nơi lạnh nhất trên thế giới và nằm trên lớp băng vĩnh cửu. Nhưng năm nay, khu vực này đã chứng kiến ngưỡng nhiệt cao kỷ lục và xảy ra hạn hán. Những cánh rừng rộng lớn ở đó đã bị đốt cháy và đã có lúc khói dày đặc che phủ cả Mặt trời.
Theo nhà khoa học Jessica McCarty tại Đại học Miami, ở Siberia vẫn thường xảy ra các đám cháy lớn. Điều khác biệt do biến đổi khí hậu gây ra chính là việc các đám cháy đang thiêu đốt những khu vực rộng lớn hơn, tác động đến những nơi xa hơn về phía Bắc cũng như gây tốn kém sức người, sức của hơn.
Ngày 9/8, Liên hợp quốc ra báo cáo nói rõ ràng hành động của con người khiến Trái đất ấm lên hành tinh, đồng thời dẫn đến những thay đổi nhanh chóng và trên diện rộng.
Một trong những tác giả chính của báo cáo, Giáo sư Ed Hawkins tại Đại học Reading của Anh nhấn mạnh: 'Cần phải giảm ngay lập tức, nhanh chóng và bền vững lượng phát thải khí nhà kính để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu'.
Trong khi đó, lượng khí thải cháy rừng toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 7, dựa theo dữ liệu từ Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu.
Cơ quan lâm nghiệp Nga cho biết đám cháy năm nay là vụ cháy nghiêm trọng thứ hai của khu vực này trong hơn 20 năm qua.
Luật pháp của Nga cho phép các nhà chức trách lựa chọn không chiến đấu với cháy rừng nếu chi phí chữa cháy cao hơn thiệt hại mà chúng sẽ gây ra, hoặc nếu chúng xảy ra tại một khu vực không có người ở. Một số nhà bảo vệ môi trường nói rằng chính điều luật này đã dẫn đến thảm họa cháy rừng nghiêm trọng ở Sakha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận