13/05/2022 08:24 GMT+7

Lần đầu tiên Việt Nam chữa vô sinh cho 2 người không có tinh trùng

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Bằng kỹ thuật "ghép đôi" thành công tinh trùng non tháng của người cha với trứng của người mẹ, Bệnh viện Hùng Vương đã chữa vô sinh thành công cho hai người đàn ông không có tinh trùng.

Lần đầu tiên Việt Nam chữa vô sinh cho 2 người không có tinh trùng - Ảnh 1.

Chuyên viên phôi học soi tìm tinh trùng tại IVF Hùng Vương - Ảnh:BVCC

Vợ chồng chị T.T.T.L. và anh L.Q.M. với nguyên nhân vô sinh được xác định do người chồng bởi anh này mắc hội chứng Klinefelter - một hội chứng bất thường nhiễm sắc thể - khiến không thể có tinh trùng.

BS.CK2 Lý Thái Lộc - trưởng khoa hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương - cho biết trường hợp của anh M. gần như không thể có con nếu không áp dụng quy trình ROSI (Round Spermatid Injection) tức tiêm tinh trùng non vào bào tương trứng.

Việc "đi tìm con cho người bệnh" được bắt đầu bằng công đoạn tìm tinh trùng non. Quá trình này được khoa hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương phối hợp với khoa nam học, Bệnh viện Bình Dân thực hiện.

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân - cho hay để bắt đầu quá trình "tìm con cho người bệnh", ông đã tiến hành việc vi phẫu tích để tìm tinh trùng.

Tỉ lệ tìm thấy tinh trùng bằng kỹ thuật vi phẫu tích đạt trên 63%, tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi về trang thiết bị (kính hiển vi với độ phóng đại phù hợp, dụng cụ vi phẫu, lab hỗ trợ sinh sản), nhân sự có chuyên môn cao cũng như quy trình phù hợp.

Từ tháng 5-2020, êkip của Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Hùng Vương chính thức thực hiện ca phẫu thuật vi phẫu tích đầu tiên.

Đây không chỉ là thành quả nhiều năm xây dựng và phát triển của khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, mà còn mở ra niềm hy vọng mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam, đặc biệt đối với các trường hợp vô tinh không do bế tắc - một trong những nguyên nhân khó khăn nhất trong điều trị hiếm muộn - mà trước đây chỉ có thể thực hiện bằng biện pháp xin tinh trùng, hệ quả là con sinh ra không mang gene của người cha.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

Với bệnh nhân M., do anh này mắc hội chứng Klinefelter (nhiễm sắc thể 47XXY), các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân điều trị nội khoa giúp đưa các chỉ số nội tiết về gần trị số bình thường và ổn định trước phẫu thuật tìm tinh trùng ít nhất hai tháng để tăng tỉ lệ thành công.

Bệnh nhân cũng được xét nghiệm di truyền trước khi thực hiện để phân loại và hướng điều trị cũng như theo dõi sau khi thụ tinh.

BS Lý Thái Lộc cho biết, sau khi tiếp nhận ống tinh từ khoa nam học Bệnh viện Bình Dân, khoa đã tiến hành quá trình ROSI, bắt đầu bằng việc tìm tinh trùng non từ trong các ống tinh. 

Trước đó, khoa đã cử các chuyên viên phôi học sang Nhật Bản để học kỹ thuật này, đồng thời tại khoa có các kính hiển vi có thể phóng cực đại để tìm những tinh trùng non có chất lượng tốt nhất.

Chuyên viên phôi học Tăng Kim Hoàng Văn - người trực tiếp thực hiện kỹ thuật ROSI trong phòng lab Bệnh viện Hùng Vương - cho biết dưới kính hiển vi có độ phóng siêu lớn, anh đã tìm được những tinh trùng non còn sống tốt, sau đó tiêm vào bào tương trứng của người mẹ vừa được lấy trước đó.

"Kỹ thuật tìm kiếm đòi hỏi phải tỉ mỉ và phải được đào tạo bài bản. Cả bác sĩ nam học và chuyên viên phôi học phải phối hợp đồng thời vì trứng nếu lấy sớm, hoặc tinh trùng lấy sớm rồi đông lạnh sẽ làm giảm khả năng thành công. Chúng tôi phải tính toán và thực hiện các thủ thuật để chúng có thể chấp nhận nhau và phát triển thành phôi. Điều này khó hơn nhiều so với việc tác hợp các tinh trùng trưởng thành và trứng trưởng thành" - chuyên viên Hoàng Văn nói.

Ở trường hợp anh M., do bệnh nhân mắc hội chứng bất thường nhiễm sắc thể nên sau khi đậu phôi, việc chọn các phôi không bị bất thường nhiễm sắc thể cũng là thách thức. May mắn đã được tìm thấy những phôi bình thường để đưa vào cơ thể người mẹ.

Người mẹ đã mang thai hoàn toàn khỏe mạnh và đang được theo dõi như những thai phụ bình thường khác. Ngoài ra, các bác sĩ còn trữ những phôi còn lại phục vụ cho những lần mang thai sau.

Trường hợp thứ hai cũng mang thai nhờ quy trình ROSI là vợ chồng chị V.T.T.M. và anh N.H.P.. Anh P. không mắc hội chứng bất thường nhiễm sắc thể nhưng cũng không có tinh trùng do bệnh lý khác. Việc điều trị diễn ra tương tự, đến nay chị M. đã mang thai.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, người đã có hơn 10 năm đeo đuổi giấc mơ tìm con cho các thai phụ hiếm muộn - cho biết đây là hai trường hợp vô sinh điều trị thành công đầu tiên tại bệnh viện nhờ kỹ thuật ROSI, và cũng là hai ca đầu tiên tại Việt Nam.

Thêm cơ hội sinh con khỏe mạnh cho vợ chồng vô sinh Thêm cơ hội sinh con khỏe mạnh cho vợ chồng vô sinh

Theo các chuyên gia, vợ chồng lớn tuổi, AMH thấp, nội mạc mỏng, vô tinh, hiếm muộn nhiều năm vẫn có thể thụ tinh ống nghiệm bằng chính trứng, tinh trùng của mình nhờ các kỹ thuật mới.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên