04/10/2024 10:00 GMT+7

Lần đầu tiên tiêm vắc xin zona thần kinh (giời leo) tại Việt Nam

Sáng 4-10, hệ thống tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn dược phẩm GSK (Bỉ) chính thức ra mắt vắc xin ngừa bệnh zona thần kinh (giời leo) tại Việt Nam.

Lần đầu tiên tiêm vắc xin zona thần kinh (giời leo) tại Việt Nam - Ảnh 1.

Khách hàng đầu tiên tiêm vắc xin ngừa Zona thần kinh - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Vắc xin zona thần kinh này phòng nhiễm bệnh, phòng tái phát zona cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona. Vắc xin đặc biệt hiệu quả cao đối với người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vắc xin zona thần kinh (giời leo) được hãng dược phẩm GSK đưa vào sử dụng trên thế giới từ năm 2017. 

Đến nay, vắc xin này đã được phê duyệt và sử dụng ở hơn 50 nước, trong đó nhiều nước đã đặt hàng số lượng lớn để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia cho toàn dân như vương quốc Anh, Úc, Hy Lạp, Canada, Đức, Ý, New Zealand…

Vắc xin này được sản xuất theo công nghệ bất hoạt, tái tổ hợp và công thức chứa dược chất đặc biệt giúp tăng hiệu quả trên người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch do bệnh lý. 

Vắc xin có hiệu quả phòng ngừa zona thần kinh lên đến 97% ở người từ 50 tuổi trở lên và đến 87% trên người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%. Hiệu quả của vắc xin được chứng minh kéo dài đến hơn 10 năm.

Vắc xin này được chỉ định cho người lớn trên 50 tuổi và người trên 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh (người bị suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch do bệnh lý hoặc các thuốc điều trị…). Người từ 50 tuổi trở lên tiêm 2 mũi cách nhau 2 tháng. Người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.

Zona thần kinh là bệnh hậu thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Người nhiễm virus VZV lần đầu sẽ mắc bệnh thủy đậu.

Sau khi khỏi bệnh, virus này không bị tiêu diệt hoàn toàn mà trú ẩn trong các rễ hạch thần kinh và sẽ tái hoạt động gây bệnh zona thần kinh khi gặp điều kiện thuận lợi như tuổi cao, suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể, sau phẫu thuật, điều trị ung thư, mắc các bệnh lý nền như tim mạch, hen suyễn, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, cơ xương khớp… Bất kỳ ai đã từng bị thủy đậu trước đó đều có thể bị zona thần kinh.

Người chưa có miễn dịch với thủy đậu có thể bị lây thủy đậu nếu tiếp xúc với giọt bắn từ đường hô hấp và dịch tiết từ mụn nước ở bệnh nhân bị thủy đậu hoặc mụn nước bị vỡ của người bệnh zona. Người bị thủy đậu sẽ có nguy cơ bị zona thần kinh sau này.

Zona thần kinh biểu hiện ở người mắc với các ban đỏ, mụn nước, bọng nước tập trung thành đám, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên, thường mọc ở một bên cơ thể. Bệnh thường xuất hiện và có thể khỏi sau khoảng 2-4 tuần. 

Tuy nhiên, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt như: bội nhiễm các sang thương da dẫn đến nhiễm trùng huyết; viêm kết mạc, giác mạc, hoại tử võng mạc cấp tính dẫn đến mù lòa; liệt mặt, ù tai, nghe kém hoặc mất khả năng nghe; rối loạn đại tiểu tiện; viêm não, viêm màng não, tai biến mạch máu não; viêm phổi, viêm gan. 

Zona thần kinh còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp... Nếu may mắn không gặp biến chứng nặng, người bệnh cũng bị đau đớn nghiêm trọng nhiều ngày sau khi khỏi bệnh zona thần kinh và bị tăng giảm sắc tố da, sẹo lồi ở các vùng phát ban.

Đặc biệt, có khoảng 5-30% người bệnh sẽ gặp biến chứng đau dây thần kinh sau zona kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, thậm chí cơn đau kéo dài dai dẳng đến suốt cuộc đời. Nguyên nhân là do virus gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút tận cùng thần kinh cảm giác.

Các cơn đau khủng khiếp này được những người từng mắc zona thần kinh mô tả nặng nề như bị dao đâm, bỏng nước sôi, thậm chí mức độ đau của zona thần kinh còn được mô tả nặng nề hơn cơn đau của phụ nữ trong quá trình sinh nở.

Tuổi càng cao, nguy cơ đau dây thần kinh nhiều hơn và bệnh càng nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ bệnh nhân xuất hiện biến chứng này ở người trên 50 tuổi cao gấp 15-25 lần so với người dưới 30 tuổi. 

Trước khi có vắc xin, ngành y tế thế giới chưa có phương pháp phòng bệnh và điều trị tối ưu, có thể tái phát. Người bị đau thần kinh sau zona kéo dài sau đợt đầu tiên và những người bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu… có nguy cơ tái phát cao hơn.

Tại Việt Nam, các bệnh viện cũng ghi nhận zona thần kinh có xu hướng gia tăng sau đại dịch COVID-19 với hàng ngàn trường hợp gặp biến chứng, nhập viện mỗi năm.

Với phần lớn người trưởng thành từng tiếp xúc với virus thủy đậu nhưng không có triệu chứng rõ ràng cùng hàng ngàn ca mắc thủy đậu mỗi năm và tình hình già hóa dân số, mỗi người mắc cùng lúc nhiều bệnh mãn tính, người có nguy cơ mắc zona thần kinh ở Việt Nam là rất cao.

Hiện có thêm vắc xin zona thần kinh bên cạnh vắc xin thủy đậu, theo các chuyên gia, sẽ hoàn thiện lá chắn miễn dịch, giúp người dân tăng cường phòng bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, đánh giá: "Vắc xin zona thần kinh ngăn chặn sự tái hoạt động của virus đang tiềm ẩn trong các hạch thần kinh sau khi mắc thủy đậu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh và các biến chứng liên quan.

Đây là giải pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả cho người từ 50 tuổi hoặc 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh".

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc tiêm phòng bệnh zona thần kinh đã được khuyến cáo rộng rãi, trong đó vắc xin của GSK được khuyến cáo cho độ tuổi 50 trở lên ở hầu hết các quốc gia cũng như ưu tiên và có chỉ định cho người suy giảm miễn dịch.

Bộ Y tế Việt Nam đã đưa dự phòng bệnh zona thần kinh bằng vắc xin vào trong Hướng dẫn quốc gia về Chẩn đoán và Điều trị các bệnh da liễu 2023.

Khuyến cáo tiêm phòng zona thần kinh cho các bệnh nhân có bệnh nền mãn tính cũng được đưa vào khuyến cáo tiêm chủng quốc gia và các hiệp hội chuyên ngành như Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, Hen, Đái tháo đường, Cơ xương khớp.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết với lợi thế là đối tác chiến lược toàn diện của hãng dược phẩm GSK trong nhiều năm liền, VNVC đã đặt hàng từ sớm với số lượng lớn và nỗ lực cùng nhà sản xuất đưa về số lượng lớn vắc xin để triển khai tiêm cho người dân Việt Nam.

Vắc xin hiện đã có mặt tại gần 200 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên toàn quốc và VNVC là hệ thống tiêm chủng đầu tiên có vắc xin này.

Sáng 4-10, có mặt tại Trung tâm tiêm chủng VNVC (Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận TP.HCM), anh Phan Cự Nhân, 48 tuổi, ngụ ở Q. Tân Bình TP.HCM kể cách đây 4 năm anh đã bị bệnh zona thần kinh. Đầu tiên anh thấy xuất hiện một mụn nước ở cổ bên phải, sau đó mụn nước này lan ra thành nhiều mụn khác.

Lúc đó, anh rất đau nhức, khó chịu và lo lắng bị di chứng sau zona.

Gần đây, ngay khi vào Facebook của hệ thống tiêm chủng VNVC, anh biết sáng 4-10, các trung tâm của hệ thống sẽ triển khai tiêm vắc xin zona thần kinh. Anh đã đăng ký để được tiêm ngừa sớm vắc xin này. Nghe nhân viên y tế tại đây nói loại vắc xin này được tiêm 2 mũi.

Anh Nhân vừa tiêm xong mũi đầu tiên, một tháng sau anh sẽ quay lại để được tiêm nhắc mũi 2. "Tiêm được vắc xin zona này tôi rất yên tâm vì trước đó tôi luôn lo sợ bệnh zona thần kinh sẽ tái phát", anh Nhân chia sẻ.

Lần đầu tiên tiêm vắc xin zona thần kinh (giời leo) tại Việt Nam - Ảnh 3.Sáng nay Tuổi Trẻ livestream, tư vấn trực tuyến về bệnh zona và thủy đậu

Tại Việt Nam, các bệnh viện ghi nhận zona thần kinh có xu hướng gia tăng sau đại dịch COVID-19 với hàng ngàn trường hợp gặp biến chứng, nhập viện mỗi năm.

Đặt câu hỏi đến
Gửi câu hỏi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên