Với tiết mục Ly rượu mừng, Đức Tuấn cho biết mình đã khoác một “chiếc áo” mới hiện đại, trẻ trung hơn lên ca khúc nổi tiếng về mùa xuân có tuổi đời gần gấp đôi tuổi của anh.
Ca khúc Ly rượu mừng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác năm 1952. Với âm điệu rộn ràng vui tươi, bài hát như một thông điệp, một lời chúc Tết tốt đẹp theo truyền thống dân tộc gửi tới tất cả mọi người.
Sau hơn 40 năm bị hạn chế, Ly rượu mừng đã chính thức được cấp phép phổ biến lại cách đây một năm. Kể từ đó, bài hát được rất nhiều ca sĩ lựa chọn trình bày trong dịp Tết đến.
Trong đêm nhạc Phạm Đình Chương - Ly rượu mừng, danh ca Ý Lan, cháu ruột của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã thể hiện các ca khúc: Nửa hồn thương đau, Đôi mắt người Sơn Tây, Mộng dưới hoa, Mắt buồn, Thuở ban đầu, Đêm cuối cùng đều là những ca khúc đã từng gắn liền với tên tuổi của cô từ những ngày đầu đi hát.
Bằng giọng hát ngọt ngào, đầy cảm xúc, cùng lối trình diễn ma mị, danh ca Ý Lan đã cống hiến những tiết mục ấn tượng và khó quên.
Đặc biệt, phần biểu diễn trường ca Hội trùng dương của ca sĩ Ánh Tuyết cũng là một điểm sáng thú vị trong chương trình Sol Vàng tháng 1. Ngoài giọng hát điêu luyện, đầy kỹ thuật của ca sĩ Ánh Tuyết, tiết mục còn được đầu tư, dàn dựng vô cùng công phu.
Nhiều hình ảnh đặc trưng của ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam như con thuyền, dòng sông, cây đa… được đưa lên sân khấu khiến khán giả truyền hình thích thú, khó lòng rời mắt. Có thể nói, đây là một trong những tiết mục nhiều màu sắc nhất của đêm nhạc.
Phạm Đình Chương được biết đến là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc tiền chiến và là một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có danh tiếng về truyền thống nghệ thuật. Ngoài khả năng sáng tác, Phạm Đình Chương còn đi hát với nghệ danh Hoài Bắc. 1951 ông cùng nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung, Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương)… thành lập ban nhạc Thăng Long nổi tiếng. Năm 1953, Phạm Đình Chương lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc rồi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Thời gian sau, Phạm Đình Chương xuất ngoại, định cư tại California, Hoa Kỳ. Ông mất vào ngày 22-8-1991 tại đây. Sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương có thể chia ra làm hai giai đoạn, nhạc tiền chiến hào hùng tươi trẻ và những khúc tình ca. Năm 18 tuổi, ông sáng tác những ca khúc đầu tiên: Ra đi khi trời vừa sáng, Hò leo núi mang màu sắc tiền chiến đậm nét. Ngay sau đó nhiều tác phẩm nổi tiếng liên tiếp ra đời và nhận được sự yêu mến của khán giả như: Sáng rừng, Xóm đêm, Ly rượu mừng, Đón xuân, trường ca Hội trùng dương… Sau khi chia tay ca sĩ Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương tìm đến tình ca, đây được xem là giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời của cố nhạc sĩ nhưng lại là niềm cảm hứng dạt dào để ông viết nên hàng loạt bản tình ca bất hủ, cho đến tận bây giờ vẫn còn nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả như: Nửa hồn thương đau, Đêm cuối cùng, Mắt buồn, Mộng dưới hoa… Phạm Đình Chương còn được biết đến là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất tiêu biểu như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng)… Chương trình do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện, được thực hiện bởi đạo diễn Hòa Yên, biên tập Minh Đức - Quốc Quân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận