Girl Crying on the Border - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Giải Ảnh của năm thuộc về bức Girl Crying on the Border (Bé gái khóc ở biên giới) của John Moore, ghi lại khoảnh khắc bé gái hai tuổi Yanela Sanchez người Honduras khóc thét trong đêm khi mẹ của em bị lực lượng biên phòng Hoa Kỳ khám xét tại bang Texas vào tháng 6-2018.
Chính quyền ông Trump đã tuyên bố chính sách "không khoan nhượng" tại biên giới, khiến người nhập cư lậu bị bắt vào Mỹ có thể bị truy tố hình sự. Do đó nhiều phụ huynh bị bắt đã bị tách khỏi con cái họ và bị gửi tới các cơ sở giam giữ khác nhau.
Bức hình có sức mạnh làm lay động công chúng đã tạo sức ép lên các nhà lập pháp. Ngay trong tháng 6-2018, chính quyền Mỹ đã xóa bỏ chính sách chia cắt cha mẹ với con cái người nhập cư tại biên giới Mỹ.
Một em bé bán hàng rong chăm chú xem triển lãm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong năm vừa được giới thiệu trong triển lãm Ảnh báo chí thế giới 2019 (World Press Photo) tại bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Lần đầu tiên triển lãm Ảnh báo chí thế giới được tổ chức tại một không gian công cộng, đã thu hút rất đông người ghé xem. Đồng thời, nó cũng khiến nhiều người phải… bỏ chạy.
Vài bà mẹ khi đi ngang qua triển lãm đã lập tức kéo con đi qua, cố gắng ngăn cản con họ xem những bức hình "kinh khủng".
"Những hình ảnh này kinh khủng quá. Người ta đóng phim thôi con. Đi thôi con, đừng xem, không được xem…", một người mẹ cố gắng kéo cậu con trai chừng 10 tuổi đang rất tò mò.
Triển lãm đã thu hút cả khách quốc tế - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Nhiều ảnh đơn và bộ ảnh trong triển lãm là những hình ảnh về bi kịch của người di cư,tị nạn, bạo lực, chiến tranh xảy ra ở khắp chốn, về ô nhiễm môi trường không thể tưởng tượng nổi…
Với chủ đề di cư, tác phẩm Chân dung của Heba Khamis kể câu chuyện về Jocken yêu Mohamed sau khi gặp anh này đang hành nghề mại dâm ở công viên. Họ đã hẹn hò được 19 tháng. Các tổ chức từ thiện của Đức đã báo cáo về sự gia tăng số lượng người di cư trẻ tuổi chuyển sang hoạt động mại dâm.
Trong khi chờ đợi để nhận giấy tờ cư trú, người tị nạn không được phép làm việc hoặc đi học. Thiếu cơ hội việc làm, nhiều thanh niên không có cơ hội nào khác ngoài hoạt động mại dâm, đôi khi để kiếm tiền mua heroin.
Chân dung của Heba Khamis (Egypt) kể câu chuyện về bi kịch của cậu trai Mohamed (không phải tên thật) 21 tuổi, một người tị nạn ở Đức, đã từng phải hành nghề mại dâm để sống. Trong ảnh là Jocken 71 tuổi và Mohamed đang ngồi ở Tiergarten, Berlin - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Tiergarten là một điểm gặp gỡ phổ biến cho mại dâm nam và các khách hàng lớn tuổi. Mohamed hiện làm việc ở một quán bar cho người đồng tính và đang cai nghiện heroin.
Lại một câu chuyện khác về người tị nạn của Enayat Asadi (Iran). Bức ảnh này chụp một người tị nạn Afghanistan an ủi bạn đồng hành khi đang chờ xe qua biên giới phía Đông của Iran - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn báo cáo rằng có gần 1 triệu người đăng ký tị nạn tại Iran, trong đó phần lớn là người Afghanistan. Nhiều người mong muốn trốn chạy khỏi bạo lực, bất an và đói nghèo ở Afghanistan không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi những kẻ buôn người bất hợp pháp.
Bộ ảnh của Mohammed Badra kể về cuộc sống khốn khổ bởi bạo động của người dân Đông Ghouta phía bên ngoài Damascus.
Tính đến tháng 2-2018, người dân Đông Ghouta phía bên ngoài Damascus - một trong những khu vực nổi dậy cuối cùng trong cuộc xung đột Syria - đã bị lực lượng của chính phủ bao vây trong vòng 5 năm. Theo báo cáo của Tổ chức Médecins Sans Frontiéres, đã có gần 5.000 người bị thương và và hơn 1.000 người thiệt mạng từ 18-2 đến 3-3-2018.
Người dân dọn dẹp đống đổ nát - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Một người đàn ông và một đứa trẻ được điều trị sau trận tấn công bằng khí gas tại al-Shifunieh ngày 25-2-2018 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Trẻ em bị thương được điều trị tại bệnh viện trong khu vực Douma nơi phiến quân chiếm giữ tại Đông Ghouta - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Một đứa trẻ bị thương được anh trai dỗ dành trong một bệnh viện dã chiến sau trận đánh bom vào Douma - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Trẻ em được điều trị sau trận tấn công bị nghi ngờ có sử dụng khí độc chlorine vào làng al-Shifunieh ngày 25-2-2018 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Còn đây là thi thể của Michael Nadayao nằm trên đường phố khi anh bị những người đàn ông không rõ danh tính bắn chết trước mặt những người đang than khóc trong một tang lễ tại Quezon City, Phillippines ngày 31-8. Bức ảnh do Ezra Acayan (Phillippines) ghi lại thảm kịch đang diễn ra ở đất nước của anh - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Bộ ảnh của Andrew Quilty (Australia) kể câu chuyện đau thương khi một chiếc xe cứu thương chứa đầy thuốc nổ đã giết chết 103 người và làm bị thương 235 người ở Kabul Afghanistan vào ngày 27-1-2018.
Rahela với khuôn mặt đầy máu do mảnh kính vỡ bắn ra từ cửa hàng nơi cô đã ghé qua cùng chị gái mình, đang được giúp đỡ tại hiện trường trước khi được đưa tới bệnh viện - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Các nạn nhân thiệt mạng và bị thương chỉ cách vài mét từ nơi quả bom đã phát nổ.
Bộ ảnh của Lozenro Tugnoli (Italia) kể về hiện thực đau buồn ở Yemen. Sau gần 4 năm xung đột ở Yemen, ít nhất có 8,4 triệu người có nguy cơ chết đói và 22 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo
Taif Fares, một bệnh nhân tim mạch đang điều trị tại bệnh viện al-Sadapa, Aden, nơi mà nguồn cung cấp oxy bị gián đoạn. Cô bé đã chết vài ngày sau đó.- Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Còn đây là một đứa trẻ thu gom vật liệu tái chế nằm trên một chiếc đệm, bao quanh là rác trôi nổi trên sông Pasig tại thủ đô Manila, Phillippines. Sông Pasig được tuyên bố là đã chết về mặt sinh học vào những năm 1990, do kết hợp của ô nhiễm công nghiệp và rác thải được đổ xuống sông từ cộng đồng dân cư xung quanh. Gần đây đã có nhiều nỗ lực làm sạch con sông này nhưng tại một số điểm trên sông, rác thải dày đặc tới mức người ta có thể đi lên trên hoặc nằm ngủ giữa dòng sông rác như em bé này. Hình ảnh không thể tin nổi do Mário Cruz ghi lại.- Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận