Chỉnh sửa gen từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi trên toàn thế giới - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra gia súc biến đổi gen được sử dụng như "con giống thay thế".
Nhóm nghiên cứu ở Mỹ và Anh áp dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 để loại bỏ một gen đặc trưng liên quan đến khả năng sinh sản trong phôi của những con heo đực và dê đực.
Con giống này lớn lên "vô sinh" nhưng sẽ bắt đầu sản xuất "siêu tinh trùng" sau khi các nhà nghiên cứu cấy ghép tế bào gốc từ động vật hiến tặng vào tinh hoàn và áp dụng các biện pháp chỉnh sửa gen lên chúng.
Từ các tinh trùng này sẽ tạo ra những lứa gia súc kháng bệnh và có chất lượng thịt tốt hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp này có thể giúp nông dân nuôi những con vật khỏe mạnh hơn, năng suất hơn, sử dụng ít thức ăn, thuốc và nước hơn. Đồng thời cũng có thể cung cấp cho các nhà chăn nuôi ở các vùng xa xôi trên thế giới tiếp cận tốt hơn với vật liệu di truyền của các loài động vật khỏe mạnh từ các nơi khác.
Chỉnh sửa gen từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi trên toàn thế giới và tiến bộ mới nhất này đang vấp phải sự phản đối từ các nhà phê bình phản đối việc chỉnh sửa gen của động vật, vốn được coi là chống lại tự nhiên và nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen hiện hành cho thấy giống đực chỉnh sửa gen không được phép sử dụng trong chuỗi thức ăn ở bất kỳ đâu trên thế giới, ngay cả khi con cái của chúng sinh ra không bị chỉnh sửa gen.
Tuy nhiên, nhà sinh vật học Jon Oatley (Đại học Bang Washington, Hoa Kỳ) - thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết với công nghệ này, chúng ta có thể nhân rộng, phổ biến các đặc điểm con giống mong muốn và cải thiện hiệu quả sản xuất thực phẩm.
Điều này có thể có tác động lớn đến việc giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới. "Nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề này về mặt di truyền, thì điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ tốn ít nước, ít thức ăn hơn và ít kháng sinh hơn", Jon Oatley nói.
Trong khi đó, Bruce Whitelaw - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh của Anh, cũng lên tiếng rằng phương pháp chỉnh sửa gen mà nhóm đang áp dụng là an toàn, cần thiết để "đảm bảo đủ lương thực cho dân số ngày càng tăng trên hành tinh chúng ta".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận