Trước đây các nhà khoa học từng phát hiện động vật hoang dã tự chữa bệnh. Họ đã thấy đười ươi Bornean nhai một loại lá con người dùng trị đau cơ để xoa lên tay chân hoặc thấy tinh tinh nhai lá có tác dụng chống nhiễm trùng giun và bôi côn trùng vào vết thương.
Xem đười ươi dùng dùng lá thuốc chữa thương
Tuy nhiên, phát hiện mới nói trên là lần đầu tiên một con vật hoang dã được nhìn thấy điều trị vết thương hở bằng lá thuốc, theo trang ScienceAlert ngày 3-5.
"Theo hiểu biết của chúng tôi, nghiên cứu này là tài liệu có hệ thống đầu tiên về phương pháp điều trị vết thương hở bằng lá thuốc ở... những loài không phải là con người", nhóm nghiên cứu quốc tế cho biết.
Nhà linh trưởng học Isabelle Laumer của Viện Max Planck (Đức) và các đồng nghiệp đã quan sát con đười ươi Sumatra đực tên là Rakus tại Vườn quốc gia Gunung Leuser (Indonesia). Họ nhìn thấy Rakus hái lá từ loài cây dây leo Akar Kuning (có tên khoa học là Fibraurea tinctoria) 3 ngày sau khi con vật này bị thương trên mặt do đánh nhau cùng một con đực khác.
Fibraurea tinctoria từ lâu được dùng trong y học cổ truyền để điều trị vết thương và các bệnh khác như đái tháo đường, kiết lỵ và sốt rét. Lá cây này cũng có tác dụng giảm đau mạnh với tác dụng gần như ngay lập tức.
Theo nhóm nghiên cứu, Rakus mất hơn nửa tiếng để hái và nhai lá, lặp đi lặp lại hành động bôi bã lá lên miệng vết thương hở. Vì Rakus không bôi bã lá thuốc lên chỗ nào khác trên cơ thể nên nhóm nghiên cứu tin rằng con vật đang cố tình trị thương.
Nhóm quan sát thấy Rakus vẫn tiếp tục ăn loại lá thuốc này trong những ngày sau đó. Hơn nửa tháng kể từ khi chữa trị, vết thương của Rakus gần như lành hoàn toàn và chỉ để lại một vết sẹo mờ.
Con vật cũng dành hơn nửa ngày để nghỉ ngơi trong thời gian hồi phục, khác rõ rệt với khoảng thời gian nghỉ ngơi mà nhóm nghiên cứu quan sát được trước khi Rakus bị thương.
Nếu việc dùng lá thuốc trị thương được chứng minh là phổ biến hơn ở đười ươi hoặc các loài vượn lớn khác, điều đó có thể cho thấy rằng các hoạt động y tế của con người có nguồn gốc từ thời tổ tiên linh trưởng của chúng ta.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận