Cấu trúc xoắn ốc nổi bật với một vòng xoắn bụi và khí quanh ngôi sao AB Aurigae. Bức ảnh được công bố ngày 20-5-2020 - Ảnh: EPA
Các nhà thiên văn học ngày 20-5 cho biết hành tinh non trẻ này đang hình thành quanh ngôi sao AB Aurigae - nặng khoảng 2,4 lần khối lượng Mặt trời, nằm trong dải Ngân hà của chúng ta và cách Trái đất 520 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng khoảng 9,5 nghìn tỉ km).
Sử dụng kính VLT, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một cấu trúc xoắn ốc nổi bật với một vòng xoắn bụi và khí quanh ngôi sao AB Aurigae. Vòng xoắn nằm trong cấu trúc xoắn ốc này chính là dấu hiệu cho thấy một hành tinh đang hình thành.
"Phải mất hàng triệu năm để một hành tinh đạt đến giai đoạn cuối của quá trình hình thành, do đó không thể xác định ngày sinh chính xác của một hành tinh. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi gần như đã bắt được khoảnh khắc một hành tinh đang trong quá trình hình thành" - nhà thiên văn học Anthony Boccaletti của Đài Thiên văn Paris, người dẫn đầu nghiên cứu công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, cho biết.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 4.000 hành tinh quay quanh ngôi sao nằm bên ngoài hệ Mặt trời (hay còn gọi là ngoại hành tinh) nhưng ít ai biết được chúng hình thành như thế nào.
Do đó, cộng đồng khoa học đang rất hào hứng để hiểu hơn về cách các hành tinh này hình thành từ việc ngưng kết bụi và khí trong các đĩa bụi và khí quanh các ngôi sao trẻ. Nghiên cứu này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách một hành tinh hình thành như thế nào, theo hãng tin Reuters.
Nhà thiên văn Boccaletti cho biết khoảng cách giữa hành tinh non trẻ đang trong quá trình hình thành trên với ngôi sao của nó gấp khoảng 30 lần so với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời và xấp xỉ bằng khoảng cách của sao Hải vương đến Mặt trời.
Đây dường như là một hành tinh khí, không phải là hành tinh đất đá như Trái đất hay sao Hỏa, và có thể nặng hơn sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời của chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận