15/10/2019 13:18 GMT+7

Lần đánh con làm tôi ray rứt mãi

TRẦN ĐÌNH THANH
TRẦN ĐÌNH THANH

TTO - Tôi viết bài này thay lời xin lỗi con gái về cách dạy con cực đoan, cậy làm cha. Cái phát tay vào con năm ấy, khoảnh khắc mà giờ tôi gọi đúng tên là bạo hành với con cái, đã làm tôi ân hận mãi 10 năm trời...

Lần đánh con làm tôi ray rứt mãi - Ảnh 1.

Muốn cho con mở lòng với cha mẹ, cách tốt nhất là hãy đối xử với con như người bạn.

TRẦN ĐÌNH THANH

Con gái tôi như nhiều thanh niên tỉnh lẻ tốt nghiệp trung học phổ thông đã vào Sài Gòn học đại học, rồi lập nghiệp nơi phồn thịnh.

Cái phát tay nóng giận

Có dịp con về thăm nhà, tôi thấy con mình vẫn giữ nét ngoan hiền, song có thêm sự tự tin, tươi trẻ của thiếu nữ đến tuổi trưởng thành. Con chăm học, biết làm thêm ngoài giờ và còn tích cực tham gia thiện nguyện trong nhóm "Ước mơ của Thúy". Vợ chồng tôi mừng thầm, song vẫn cứ phập phồng dõi theo bước chân con như nỗi lo của bao bậc sinh thành dù con đã lớn.

Hè 2009, cha tôi bệnh nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Vợ chồng tôi cùng hai con tức tốc về quê. Sau một tuần chữa trị, cha tôi qua cơn nguy kịch. Ngày cha tôi xuất viện, gia đình bên nội tổ chức tiệc mừng. 

Cơm nước xong, con gái tôi xin phép đi chơi cùng các em họ. Khi con vừa từ phòng đi ra, tôi giật mình vì lần đầu tiên thấy con ăn mặc lạ. Con vận chiếc áo thun cùng váy ngắn nhưng cố tình làm sờn rách (là "mốt" của thanh niên Sài Gòn). Tôi nhìn cha mình - người dạy con rất nghiêm, chỉ thấy trán ông nhíu lại chứ chẳng nói gì.

Nhưng tôi thì thấy không thuận mắt và cơn giận ập đến: "Con! Vào thay đồ khác rồi đi chơi!". Con gái tôi bướng bỉnh mắt nhìn phía mẹ tìm người ủng hộ. Vợ tôi tránh cái nhìn ấy. Vợ chồng tôi thống nhất khi cha hoặc mẹ dạy điều gì, dù hơi quá đáng thì người kia cũng không bênh con.

Thấy thái độ con, tôi không giữ được bình tĩnh, đứng phắt dậy và phát tay một cái thật mạnh vào lưng con. Hai giọt nước mắt lăn dài trên mặt con trước sự sợ sệt, ngỡ ngàng của mấy đứa cháu tôi đang đợi chị họ đưa đi ăn chè. Con gái tôi bảo các em: "Thôi, để hôm khác nha!". Rồi con ôm mặt chạy vào phòng, vợ tôi vào theo để vỗ về.

Chứng kiến tất cả, cô em gái tôi ở quê nói: "Anh Năm hơi quá. Con gái đã 20 tuổi, lại đang sống ở Sài Gòn, em thấy cháu ăn mặc vậy đâu có lố lăng lắm!". Tôi vặc lại: "Nhưng ở quê thì không được!". Bà nội, các bác, cô, chú không nói gì, nhưng không khí bữa cơm mừng ông nội bớt bệnh chùng xuống. Lúc ấy, tôi thấy khó xử và cảm thấy có lỗi với nhà nội vì dạy con không phải lúc.

Tôi xin phép ra ngoài, ngồi ghế tự vấn: Con gái tôi ăn mặc thế ở làng quê có phù hợp không? Tôi đánh con lúc đã đến tuổi trưởng thành trước cả đại gia đình như vậy có đúng không? Cái cách dạy con của cha tôi với tôi "thương cho roi cho vọt" có nên được thế hệ tôi tiếp tục áp dụng?...

Sau hôm ấy, gia đình nhỏ của tôi còn ở lại đi thăm bà con hơn một tuần. Song chỉ có vợ chồng tôi đi, con gái tôi cứ lấy cớ không khỏe nên không ra khỏi nhà nội. Sau này, tôi được biết kế hoạch đi đây đó, vui chơi, thưởng thức đặc sản quê nội của hai con tôi đều bị hủy bỏ. Và người bị buồn theo là con trai tôi lúc ấy đã 16 tuổi.

Nên làm bạn với con

Đó là lần cuối cùng tôi dạy con nghiêm khắc. Song khoảnh khắc tôi đánh con vì lối ăn mặc không như ý muốn về vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt theo quan niệm cổ hủ của tôi đã khiến tôi ray rứt mãi. Gia đình nhỏ của tôi không bao giờ nhắc chuyện hôm ấy. Mỗi lần về thăm nhà và sinh nhật tôi, con gái đều có quà kèm lời chúc đầy yêu thương, kính trọng dành cho ba.

Những năm sau, tôi thường đau ốm nên hay vào Sài Gòn chữa trị. Dù bận rộn, con gái đều chăm sóc tôi từng bữa ăn, đưa tôi đi khám bác sĩ giỏi. Con hay động viên tôi: "Ba nhớ uống thuốc đúng giờ, ăn uống đầy đủ. Lúc rảnh, ba con mình đi cà phê hay dạo công viên nha!".

Cái tình, sự hiếu thảo của con gái, tôi cảm nhận hết. Nhưng có điều tôi biết sau cái phát tay của tôi, con có phần dè dặt, kín kẽ với tôi. Những lần về thăm nhà, khi ra ngoài với ba mẹ, con luôn chọn trang phục giản dị, bình thường. 

Tôi hỏi việc gì con đều lễ phép trả lời, nhưng ít khi tâm sự chuyện học hành, làm việc của con. Song chuyện lớn, chuyện nhỏ hầu như tối nào con cũng gọi điện chia sẻ với mẹ. Tôi đem điều này tâm sự với vợ. Cô ấy chỉ nói: "Anh đừng nghĩ sâu xa lại mất ngủ. Con gái mà, nhiều chuyện lắm, những chuyện ấy anh nghe làm gì!".

Tôi hoang mang. Ở tuổi sắp làm sui mà tôi thường mua sách tâm lý con gái, phụ nữ về đọc. Tôi quan sát cách dạy con, quan hệ cha con của những người bạn cũng có con gái cùng trang lứa. Tôi thấy tình cảm cha con của một số gia đình rất thoải mái, tự nhiên. 

Dịp lễ tết về nhà, khi ra ngoài chơi, thỉnh thoảng thấy con gái ăn mặc hơi "bụi bụi" giống mấy cô gái trẻ phim Hàn Quốc, tôi không nhận xét gì nhưng thấy cũng hay hay. Đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, văn hóa giao thoa. Tuổi trẻ, nhất là con gái, rất nhạy và quan tâm thời trang.

Tôi dần ngộ ra không nên lấy quan niệm về cái đẹp của mình áp đặt người khác. Có điều tôi để ý thì thấy con gái luôn để tóc dài. Đó là điều tôi thích, vì lúc con lên 8 tuổi đã có mái tóc rất đẹp giống bà nội. Tôi đã nói với con: "Con gái của ba có mái tóc đẹp giống bà nội con lắm!".

Rồi không biết tự bao giờ tôi cởi bỏ dần những quan niệm cổ hủ. Tôi nói chuyện với con thân mật, gần gũi, tự nhiên hơn. Tôi chủ động trò chuyện với con về nhiều lĩnh vực, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Tôi nghĩ con cái đã khôn lớn nên người, có nhiều lĩnh vực còn giỏi hơn bậc sinh thành. Muốn cho con mở lòng với cha mẹ, cách tốt nhất là hãy đối xử với con như người bạn. Có như thế, họa may chúng ta mới rút ngắn được khoảng cách hai thế hệ.

Lần đánh con làm tôi ray rứt mãi - Ảnh 3.
TRẦN ĐÌNH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên