Tháng 6 của mười năm trước, ba mẹ tổ chức buổi tiệc nhỏ nhưng đáng nhớ bởi đây là một trong những lần rất hiếm nó được quây quần bên họ hàng, người thân - những người nó thương yêu nhất. Mười năm, không quá dài cũng không quá ngắn, đủ dịu dàng để giúp con bé trưởng thành hơn và cũng đủ nhẫn tâm để cướp đi từ nó những điều quan trọng và để lại cho nó sự mất mát.
Năm năm trước, bà nội bị suy nhược nên phải nhập viện. Taxi đến đưa bà đi, nó nhìn theo dáng lưng cong cong của bà và tiếp tục với trò chơi máy tính vì nghĩ người già vào viện một, hai tuần là chuyện thường, hôm sau hôm kia thế nào ba mẹ chẳng chở nó vào thăm bà. Nhưng không, ba mẹ không chở nó vào thăm bà. Bà cũng chẳng nằm viện đến tận một, hai tuần như mọi lần. Ba hôm sau, con bé 12 tuổi không hiểu được chuyện gì khi thấy chiếc xe màu trắng của bệnh viện đậu trước nhà. Ba gọi điện dặn ông anh họ khuân giường bà ra để trước nhà. Lần đầu tiên nó thấy ba khóc...
Ba năm trước, bác sĩ chẩn đoán dì Tư nó bị ung thư máu. Mẹ và dì Hai hoang mang muốn ngã quỵ, nó cũng đủ lớn để hiểu ung thư là gì. Suốt mấy tháng trời, dì Tư cách vài tuần lại từ dưới quê lên ở tạm nhà nó để truyền hóa chất. Thấy mọi người lo lắng, dì nói: “Tao còn khỏe lắm, phải 20 năm nữa mới chết được”. Rồi mấy hôm sau ngày lễ 2-9, dì nó về lại nhà ở dưới quê. Nó theo mẹ tiễn dì ra cửa, dì ngồi sau lưng ông xe ôm quay lại cười tươi vẫy chào, giọng sang sảng: “Về nha!”. Ba bốn hôm sau, nó thấy mẹ nghe điện thoại rồi làm rớt cây son môi trên tay, đầu gục xuống...
Hai tuần trước, nó đang nhức óc suy nghĩ bài hình không gian hóc búa khi nghe tiếng mẹ và mợ Hai giúp việc nói chuyện ở tầng dưới về cậu Hai, cũng là bà con bên ngoại của nó. Cậu Hai lên thành phố, sáng vô Bệnh viện Ung bướu lấy thuốc giảm đau, tối về nhà nó ngủ. Trong bữa ăn, mợ Hai nói với mẹ: “Chị chụp cho ảnh tấm hình làm hình thờ, ảnh đó giờ không có chụp hình”. Ngày cuối tuần, ba mẹ dẫn cậu Hai đi xem ca nhạc ở Phú Mỹ Hưng, tối về điện thoại ba đầy hình cậu, đứng cười tươi tạo dáng với mẹ, với mợ Hai, và có đứng một mình nữa. Hôm thứ hai, bác sĩ bảo mợ Hai tình hình nguy kịch lắm, gan có thể vỡ và cậu Hai có thể đi bất kỳ lúc nào. Ngay tối hôm đó, mợ Hai dẫn cậu Hai về quê. Mẹ dặn anh Hai với nó phải ra tận cửa chào vì rất có thể đây là lần cuối hai đứa nhìn thấy cậu. Nó nhìn cậu bước vô chiếc xe bảy chỗ rồi vào nhà, tự nhiên thấy sợ.
Hai lần đầu, nó không hề biết đó là lần cuối cùng nó sẽ gặp một người. Lần sau, lý trí và linh cảm bảo nó rằng đây sẽ là lần cuối nó gặp cậu. Nó tự hỏi biết và không biết có gì khác nhau không? Nếu hai lần trước nó biết được sẽ không gặp lại bà nội và dì nữa, mọi chuyện sẽ khác ra làm sao? Không, chắc hẳn là không khác rồi. Nó không phải thánh thần để giữ họ mãi bên nó. Thời gian ngăn không cho nó biến lần cuối ấy trở nên đặc biệt, và dù có thật đặc biệt đi nữa, cũng không thể bù đắp lại khoảng thời gian nó muốn có người nó yêu thương tiếp tục ở trong đời. Nó chẳng thể làm được gì. Cuộc sống bắt nó trải qua những lần cuối cùng, bắt nó cảm nhận sự mất mát. Dẫu biết “sinh lão bệnh tử” là quy luật trên đời, nhưng nước mắt vẫn chảy...
Nhưng rồi theo lẽ tự nhiên, nó lại tiếp tục với cuộc sống của nó, với bài vở, với những lớp học thêm, với những cuộc hội hè. Đôi khi giữa những xô bồ của cuộc sống, dù muốn hay không, nó sẽ được cho một khoảng lặng của riêng nó. Những lúc ấy nó bỏ công việc sang một bên, ngồi trước gương và nghĩ, nhớ, tự hỏi tại sao nó trải qua những điều này, bỗng nước mắt chảy. Để rồi đôi khi có điều gì đó khiến nó có thói quen quan sát người khác. Nó nhìn và tự hỏi không biết có tồn tại khoảng lặng nào đằng sau những tiếng cười sảng khoái của nhỏ bạn, những lời giảng thao thao bất tuyệt của thầy, những cái nhăn nhó khó chịu của cô nhân viên thu vé xe buýt. Chắc hẳn là có, chắc hẳn họ từng biết thế nào là lần cuối cùng họ gặp người họ yêu thương. Nó nhìn quanh không gian, và nếu nhìn kỹ, nó sẽ thấy trong mắt những người xung quanh ít nhiều đều có điểm chung, đó là sự mất mát...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận