Lòng đường Đặng Văn Sâm (quận Gò Vấp) bị chiếm dụng làm nơi buôn bán - Ảnh: MINH DUY
TP.HCM với thực trạng giải quyết lấn chiếm vỉa hè được thực hiện từ hàng chục năm trước, không phải là chuyện mới. Song, lấy lại vỉa hè cho thấy ngày càng trở nên cấp thiết khi mật độ người và phương tiện tham gia lưu thông tăng cao.
Bao năm qua chính quyền với các cơ quan chức năng đã vận động, tuyên truyền rộng rãi với vô số băngrôn, khẩu hiệu. Hầu hết người dân đều hiểu luật, biết lấn chiếm vỉa hè là sai nhưng vẫn vi phạm. Có lẽ cách làm thiếu đồng bộ, chưa quy hoạch không gian thích hợp cho hoạt động vỉa hè nên đâu lại vào đấy!
"Văn hóa vỉa hè" tồn tại từ nhiều năm, không chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến nhiều thứ khác như văn hóa, kinh tế, xã hội, kết nối giữa nhà ở với đường phố, cuộc sống mưu sinh cho nhiều người như các hoạt động hàng rong, buôn bán.
Nhiều người lấn chiếm vỉa hè cho sự tiện lợi trước mắt, lắm khi chỉ một vài chiếc xe đậu không đúng chỗ cũng cản trở giao thông bít lối người đi bộ, đằng sau còn có những câu chuyện bảo kê trục lợi từ vỉa hè.
Buôn bán và hàng rong trên vỉa hè, nhiều người khắt khe cho rằng là trở ngại đối với mỹ quan đường phố và văn minh đô thị. Nếu xét ở góc độ nhân văn thì là cách đơn giản người nghèo tự kiếm sống mà chưa cần sự trợ giúp từ chính quyền, cơ quan chức năng, nhà hảo tâm. Không ít du khách nước ngoài rất ấn tượng với các món ăn, hàng rong hợp vệ sinh được bày bán trên vỉa hè.
Vỉa hè không hẳn cứ phải cứng nhắc nghĩ rằng chỉ dành cho người đi bộ qua lại buồn tẻ, mà khách bộ hành có thể ngồi lại với nhau hay dạo phố nếu đói bụng thèm uống một ly cà phê, ăn bánh tráng trộn hay tô phở thì vẫn có thể thưởng thức, miễn không cản trở giao thông và người đi bộ.
Du khách đến thành phố nhiều khi muốn tìm hiểu văn hóa ẩm thực, con người bản xứ trong sinh hoạt đời thường.
Trên vỉa hè còn có cả đời sống văn hóa, tập hợp nhiều người thuộc các tầng lớp, không gian dài và rộng cũng khác nhau. Nếu không còn hàng rong và thức ăn đường phố mà thay thế bằng các dịch vụ cao cấp thì giá cả đắt đỏ, ít phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của số đông.
Trong khi đó, nhiều người bán hàng rong và hàng quán trên vỉa hè, giải quyết chuyển đổi hoàn toàn công việc cho số đông này là không thể, khu vực được chọn chưa chắc là nơi có thể buôn bán vì khá tách biệt, hẳn nhiều người canh cánh trong lòng nỗi lo bị mất chỗ làm ăn và luôn mong được sắp xếp cho một địa điểm thích hợp để tiếp tục kiếm sống.
Văn minh đô thị và thành phố thông minh, sáng tạo luôn đi kèm với chất lượng cuộc sống người dân, không chỉ có môi trường xanh - sạch - đẹp mà còn phải nhân văn và nghĩa tình, ở đó người nghèo vẫn sống được bằng sức lao động của mình và hưởng lợi từ sự phát triển.
Đây cũng là tôn chỉ mục đích của chính quyền luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ các thành phần yếu thế dễ bị tổn thương trong tiến trình hội nhập với trào lưu thế giới, hiện đại hóa với phát triển kinh tế.
Thái Lan cho phép kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè nhưng được quy hoạch từng khu vực, tổ chức không gian hài hòa vừa khai thác hiệu quả vừa phục vụ du lịch. Vỉa hè ở đây không chỉ dành cho người đi bộ một cách thuận lợi mà còn giúp phát triển kinh tế với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, thưởng lãm nghệ thuật đường phố nhưng không cản trở giao thông, vẫn dành lối cho người đi bộ.
Mong sao cơ quan chức năng có thể kết hợp quy hoạch tổ chức lại không gian vỉa hè hài hòa lợi ích giữa người dân và cảnh quan đô thị, chủ nhà và người đi bộ đều hưởng lợi, du khách nước ngoài đến cũng thấy thú vị. Lúc đó, giảm tối đa những hình ảnh phản cảm, không còn cảnh lực lượng rượt đuổi xe đẩy và người bán hàng rong.
Ngoài ra, chính quyền có thể áp dụng, quy định mức phí sử dụng phố đi bộ hoặc vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Như vậy, không chỉ lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, hài hòa lợi ích, tăng thu ngân sách mà còn có sự phối hợp từ người dân giữ sạch vỉa hè về lâu dài, nâng cao chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Phương pháp này giải được bài toán gồm nhiều mục tiêu và phù hợp thực tế như vừa duy trì "chiếc cần câu" cho người lao động nghèo, vừa giữ vỉa hè không bị chiếm dụng trái phép.
Nếu là chủ hộ có nhà mặt tiền kinh doanh, cho thuê thì buộc phải trả lại khoảng trống cho người đi bộ, tháo dỡ phần nhà hoặc mái hiên đã cơi nới. Hướng đến sự hợp tác, chủ nhà và chính quyền phối hợp với nhau tạo nên những tuyến phố phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu đời sống, quy hoạch khu vực chuyên cung cấp các mặt hàng nhất định.
Như vậy, người dân có nơi buôn bán ổn định vừa thuận lợi trong giao thông, sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân. Vì tập trung buôn bán ở khu vực riêng biệt dễ thu hút sự chú ý, giảm cảnh lộn xộn bởi dừng đậu xe hoặc ghé ngang tạt dọc mua hàng hóa, ai có nhu cầu thì tìm đến nơi có cung cấp, người đi bộ cũng an toàn hơn.
Trường hợp hàng rong, cần tạo điều kiện bằng cách tổ chức cho những người này buôn bán trên những vỉa hè khá rộng.
Theo đó, ngành chức năng dễ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, gắn với phát triển du lịch tạo không gian công cộng thân thiện, gần gũi, tái hiện những nét văn hóa truyền thống và các món ăn đường phố để thu hút thêm du khách.
Ngoài các ý kiến vừa nêu, theo bạn, còn biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường đáng báo động như hiện nay?
Kính mời bạn đọc chụp hình ảnh, quay video và hiến kế gởi đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email: [email protected] hoặc [email protected]. Xin cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận