12/04/2012 01:28 GMT+7

Lấn chiếm sông Nhuệ

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 74km, bắt đầu từ cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm) đến ngã ba Phủ Lý (Hà Nam). Nhiều năm qua, hàng loạt khúc sông dài chảy qua nhiều quận, huyện của Hà Nội đã bị lấn chiếm ồ ạt.

OIseK2Du.jpgPhóng to
Sông Nhuệ đoạn dọc phố Thanh Bình, Q.Hà Đông, Hà Nội bị nhiều nhà dân lấn chiếm - Ảnh: Lâm Hoài

Dọc phố Thanh Bình (Q.Hà Đông), hầu hết nhà dân nằm sát ven sông Nhuệ đều có hiện tượng lấn chiếm sông, nhiều hộ còn xây nhà kiên cố sát mép sông. Sông Nhuệ đoạn chảy qua thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) cũng bị người dân lấn chiếm hàng loạt để xây dựng lều lán, nhà tạm, phòng trọ cho thuê. Dọc khúc sông hơn 1km, nhiều đoạn co hẹp lại do bị lấn chiếm, nhiều đoạn rác và bùn thải, xà bần lấp kín hai bên sông. Tương tự, hơn 1km bờ sông chạy qua P.Mộ Lao (Hà Đông) có rất nhiều ngôi nhà tạm, kiên cố lấn chiếm sông.

Nhiều dự án cải tạo sông Nhuệ đang triển khai ì ạch

Đến nay, dự án đầu tư nâng cấp trục chính hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, với nhiệm vụ nạo vét đoạn sông từ Liên Mạc (Từ Liêm, Hà Nội) đến Lương Cổ (TP Phủ Lý, Hà Nam), nạo vét các sông nhánh La Khê, Duy Tiên và cải tạo, nâng cấp hệ thống đê trục chính... vẫn chưa hoàn thành. Còn dự án chỉnh trang sông Nhuệ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chờ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt. Ngoài ra, đề án “Quản lý môi trường, sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ” chỉ mới khởi động.

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (Công ty thủy lợi Sông Nhuệ), trên khúc sông này có tới 170 công trình xây dựng vi phạm, hầu hết trong số này không có giấy phép xây dựng. Ngoài ra, đoạn sông tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm) nhiều chỗ bị xà bần, rác lấp kín.

Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh - phó giám đốc Công ty thủy lợi Sông Nhuệ, từ năm 2001 đến nay có tới gần 5.400 vụ vi phạm công trình hai bên sông Nhuệ với tổng diện tích vi phạm hơn 160.000m2, chủ yếu liên quan tới xây dựng nhà ở, lều lán tạm, nhà xưởng sản xuất. Trong đó, huyện Từ Liêm có tới 1.600 vụ, Hà Đông 750 vụ, Thanh Trì 700 vụ.

Mới đây, theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hòa, huyện này vừa giải tỏa 45 trường hợp vi phạm trong hành lang thoát lũ sông Nhuệ (gồm 39 ao cá, sáu lều quán và nhiều cây cối do người dân tự ý trồng dọc bờ đê và bờ sông). Ngoài ra, còn nhiều trường hợp lấn chiếm lâu năm khó giải quyết.

Theo cơ quan chức năng, hằng năm sông Nhuệ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 50.000ha cây trồng/vụ, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ thoát nước cho 16 quận, huyện của TP. Việc sông bị lấn chiếm, ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn tới canh tác và thoát nước của TP.

Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Công ty thủy lợi Sông Nhuệ chỉ có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm, còn thẩm quyền xử phạt thuộc về địa phương. Theo bà Hạnh, một số trường hợp người vi phạm bất chấp, ngang nhiên lấn chiếm nhiều lần, trong khi công ty không có lực lượng chuyên trách kiểm tra, xử lý mà chỉ có khoảng vài chục người kiêm nhiệm nhiều việc khác. “Nhiều lúc lực lượng kiểm tra phát hiện trường hợp khả nghi, khi đến nơi lại không thấy động tĩnh gì, nhưng vừa rời đi thì xe tải đã ùn ùn xuống đổ phế thải, đất đá lấn chiếm sông” - bà Hạnh cho biết. Cũng theo bà Hạnh, trong năm 2011 chỉ xử lý được 400 trường hợp, chưa bằng 1/10 các trường hợp vi phạm lấn chiếm sông trong thời gian qua.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, do quy hoạch tổng thể lưu vực sông Nhuệ chưa hoàn thành nên việc triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông vẫn chưa kịp tiến độ. Ngoài ra, hầu hết cơ sở trong các khu, cụm công nghiệp dọc theo sông Nhuệ đều không xây dựng trạm xử lý nước thải nên sông tiếp tục bị ô nhiễm.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên