Theo ghi nhận, tại khu vực đèo Ngoạn Mục đoạn từ xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đi thị trấn D'Ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) có gần 30 trường hợp lấn chiếm đất trong lâm phận rừng phòng hộ và phần đất thuộc hành lang an toàn đường bộ.
Lấn chiếm đất tràn lan
Tại đây, nhiều người lấn chiếm đất lâm nghiệp để dựng chòi, lán, đào đắp ta luy để mở các dịch vụ kinh doanh ăn uống, làm điểm dừng chân phục vụ khách du lịch.
Lượng xe tải, xe con… thường xuyên ra vào khu vực này khiến giao thông trên quốc lộ 27 qua đây bị ảnh hưởng, dễ gây tai nạn giao thông.
Anh Võ Duy Hưng (thị trấn D'Ran) bức xúc: "Nhiều lúc đi ngang qua những khúc cua trên quốc lộ 27 có một số ô tô bất ngờ từ các các quán ăn, nước giải khát... đi ra khiến người đi xe gắn máy phải phanh gấp rất nguy hiểm, nếu sơ ý không quan sát có thể bị tai nạn".
Đáng chú ý trong các trường hợp lấn chiếm trên có Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình đã chiếm 1.909m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường bộ và một phần diện tích đất rừng phòng hộ để dựng nhà tiền chế.
Ông Lê Thành Tú - chủ tịch UBND xã Lâm Sơn - nói: "Việc Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình lấn chiếm đất rừng phòng hộ và hành lang bảo vệ an toàn đường bộ thì xã đã báo cáo cho huyện. Điều đáng nói, đây là công ty duy tu, bảo dưỡng tuyến quốc lộ 27 nhưng lại lấn chiếm hành lang đường bộ".
Còn ông Nguyễn Đức Hòa - phó chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn - cho hay đã thành lập đoàn đi kiểm tra và đã có báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu vực đèo Ngoạn Mục.
Qua thống kê có 26 hộ dân, doanh nghiệp vi phạm, trong đó có 19 trường hợp lấn chiếm đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn quốc lộ 27; 6 trường hợp tự ý dựng chòi trái phép trong lâm phận rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban quản lý rừng Krông Pha.
Đến nay, mới có 2 trường hợp nộp tiền phạt và hoàn thành biện pháp khắc phục hậu quả. Riêng Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình chưa khắc phục hậu quả.
Nhiều đơn vị chức năng thiếu kiểm tra, giám sát
Báo cáo của UBND huyện Ninh Sơn nêu việc để xảy ra tình trạng trên là do công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương chưa thường xuyên.
Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha là đơn vị được giao đất, giao rừng để quản lý nhưng chưa chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong đất lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 là đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ nhưng thiếu kiểm tra, thanh tra thường xuyên dẫn đến các hộ dân dựng chòi, quán, đào đắp ta luy dọc quốc lộ 27 trong phạm vi hành lang đường bộ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công trình công cộng nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
"Việc kiểm tra xử lý vi phạm đối với diện tích đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn quốc lộ 27 gặp nhiều khó khăn do các trường hợp người dân làm chòi, lán tạm là người ngoài địa phương, đã diễn ra từ nhiều năm trước.
Trong khi đó việc xác định hành vi vi phạm còn nhiều phức tạp liên quan đến các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng" - báo cáo của UBND huyện Ninh Sơn nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận