Cảnh báo "Ăn cắp là phạm tội" với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Nhật của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật - Ảnh tư liệu |
Làm thế nào để những hình ảnh xấu xí như vậy của một số người Việt ở nước ngoài không còn? Biện pháp xử lý là gì để chúng ta không phải liên tục xấu hổ?
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến khác nhau về vấn đề này. Rất nhiều giải pháp được đề xuất.
Ông Phan Đức Mẩn |
* Ông PHAN ĐỨC MẤN (phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành VN, chủ tịch HĐQT Công ty lữ hành quốc tế Kim Liên):
Thông báo đến chính quyền địa phương
Công ty chúng tôi có quy định rõ ràng bắt buộc các hướng dẫn viên của công ty phải phổ biến những nét cơ bản về văn hóa nước bản địa mà đoàn dự định đến, đồng thời phổ biến những quy định của luật pháp các nước đó liên quan đến vấn đề an ninh, những hành vi của người Việt thường mắc phải ra nước ngoài như nhổ bậy, nói to, xô xát, đánh nhau, lấy trộm đồ... cho khách du lịch biết trước khi xuất phát đưa du khách đi nước ngoài.
Theo tôi, đó là cách chủ yếu để nâng cao nhận thức của khách du lịch, góp phần hạn chế những hành vi vi phạm của du khách khi ra nước ngoài.
Trong quá trình các công ty lữ hành đưa khách tham quan ở nước ngoài, rất khó kiểm soát được hành vi của từng du khách.
Ví dụ khi vào điểm mua sắm rất lớn và rộng, các hướng dẫn viên không thể quan sát được hết từng du khách làm gì, nên nếu có khách nào lấy trộm đồ thì cũng khó biết ngay lúc đó được.
Biện pháp chủ yếu là từng công ty du lịch nên có cách làm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật ở nước sở tại để hạn chế những hành vi đó.
Công ty chúng tôi có thêm quy định nếu du khách vi phạm pháp luật khi ra nước ngoài du lịch, ngoài việc du khách đó sẽ bị xử lý theo pháp luật ở nước sở tại, khi về nước chúng tôi sẽ thông báo hành vi sai phạm đó của du khách về cho cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nơi du khách cư trú, sinh sống để họ có biện pháp xử lý.
Chúng tôi cũng phổ biến quy định này đến các du khách để họ được biết rõ ràng trước khi ra nước ngoài. Điều này sẽ góp phần hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ |
*Ông NGUYỄN QUỐC KỲ (tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel):
Tăng cường xây dựng văn hóa trong từng cá nhân
Từng có những du khách Việt Nam có rất nhiều tiền, thậm chí là lãnh đạo trong doanh nghiệp lớn, nhưng vẫn vướng phải chuyện ăn cắp khi ra nước ngoài.
Lòng tham trong từng cá nhân ở những trường hợp này đã quá dễ dàng bột phát, trong khi những người có nền tảng văn hóa, giáo dục vững sẽ có thể vượt qua những cám dỗ.
Theo tôi, không thể áp dụng biện pháp hành chính để kiểm soát hay hạn chế những cá nhân ăn cắp vặt ở nước ngoài.
Tổng cục Du lịch không thể dùng văn bản yêu cầu các công ty lữ hành quản lý hành vi của du khách.
Ngày xưa làm gì có chuyện cướp lộc, còn giờ thì tranh nhau cướp lộc, đánh nhau sứt đầu mẻ trán để có được lộc và còn có người hãnh diện về hành vi này.
Văn hóa trong những cá nhân này xuống cấp, méo mó nên mới dẫn đến nhận thức các hành vi của họ không chuẩn mực, không đúng.
Văn hóa chuẩn mực phải được xây dựng từ những hành vi nhỏ đúng đắn trong cuộc sống hằng ngày ở gia đình, chịu sự giáo dục ở trong trường, lớp và chịu ảnh hưởng, tác động trong môi trường sống hằng ngày của họ.
Làm sao để phẩm giá mỗi con người được đề cao, tôn trọng để mỗi hành động sai họ cảm thấy xấu hổ vì hành động đó ảnh hưởng đến nhân cách con người của họ.
Ông Nguyễn Thiện |
* Ông NGUYỄN THIỆN (người khởi xướng chương trình “Dân ta biết sử ta”):
Không thể chỉ cùng nhau xấu hổ
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải có biện pháp cụ thể góp phần chấm dứt tệ nạn nhức nhối này, chứ không chỉ ở mức cùng nhau xấu hổ về hành động xấu của một số người Việt như hiện nay.
Về luật pháp, do hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở nước ngoài và một hành vi phạm pháp không bị xử phạt hai lần, nên cần xử lý mạnh mẽ bằng sức mạnh của dư luận xã hội thông qua các kênh truyền thông.
Đó là cho phép báo chí công bố rõ họ tên, địa chỉ cư trú, hình ảnh người có hành vi ăn cắp ở nước ngoài, bị cảnh sát nước sở tại xử lý vụ việc và đương sự đã thú nhận hành vi vi phạm.
Điều này cần có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và Bộ Tư pháp, được phổ biến rộng rãi đến mọi người dân, đặc biệt là các công ty chuyên tổ chức tour du lịch nước ngoài.
Tôi cho rằng có thể hình thức này có sức mạnh răn đe hiệu quả hơn là phạt hành chính, miễn là phải nói trước một thời gian để thấm dần về mặt nhận thức.
Bà Trần Thị Bảo Thu |
* Bà TRẦN THỊ BẢO THU (giám đốc truyền thông tiếp thị Công ty du lịch Fiditour):
Vai trò hướng dẫn viên rất quan trọng
Theo tôi, để du khách Việt tránh được những lỗi vì chưa hiểu hết các quy định, văn hóa, pháp luật để ứng xử phù hợp khi đi du lịch nước ngoài, các công ty lữ hành phối hợp với cơ quan chức năng du lịch ban hành phổ biến cẩm nang hướng dẫn du khách khi đi du lịch nước ngoài.
Vai trò của hướng dẫn viên cũng rất quan trọng, trong lúc họp đoàn trước khi khởi hành hướng dẫn viên nên chia sẻ rất chi tiết về các quy định, pháp luật, văn hóa ở nước sở tại và cung cấp cẩm nang để du khách tham khảo trước.
Hướng dẫn viên cũng nên kể các trường hợp người Việt từng vi phạm và các hình thức chế tài đối với những hành vi ăn cắp hoặc ứng xử thiếu văn hóa khi ở nước ngoài.
Hướng dẫn viên nên phối hợp cùng trưởng đoàn hỗ trợ du khách tham quan sao cho đảm bảo tour du lịch bổ ích, văn minh và an toàn.
Đặc biệt trước khi bước vào các trung tâm mua sắm, hướng dẫn viên nên nhắc nhở thêm một lần nữa các quy định mua sắm, nhắc nhở du khách mọi hành vi của mình đều dễ dàng bị theo dõi, chưa kể các vật phẩm đều có thiết bị phát tín hiệu nếu chưa được tính tiền.
* Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (Đoàn luật sư Hà Nội): Cần bổ sung quy định chế tài Nguyên tắc xử lý của Việt Nam là một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Tuy nhiên, việc báo chí đưa tin trong thời gian qua về những tật xấu của người Việt ở nước ngoài xảy ra liên tục như vậy cũng nên tính đến một hình thức chế tài tương xứng. Ví dụ việc cấm xuất cảnh trong một thời gian nhất định, giống như ngành hàng không cấm bay đối với những hành khách vi phạm quy định trên máy bay. Tôi cho rằng chưa cần thiết phải có thêm một tội riêng như tội làm mất thể diện quốc gia, nhưng nếu người Việt đi ra nước ngoài và vi phạm pháp luật thì cần có chế tài riêng hoặc hình phạt bổ sung trong hệ thống Luật hình sự hoặc Luật xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan ban ngành ở Việt Nam như Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch cần phải có những hướng dẫn cụ thể đối với những người dân khi đi ra nước ngoài du lịch và làm việc, giúp người dân hiểu được cách ứng xử đối với những nền văn hóa khác ngoài Việt Nam. Không thể nào hội nhập quốc tế bằng việc vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, tay bốc thức ăn và xỉa răng tanh tách khi đi ăn uống ở nước ngoài hay trò chuyện ầm ĩ tại những nơi công cộng. Nếu thật sự muốn hội nhập quốc tế phải hội nhập từ những điều nhỏ như thế. |
* Anh JESSE PETERSON (35 tuổi, người Canada, giáo viên dạy tiếng Anh ở TP.HCM): Coi chừng “ngựa quen đường cũ” Ở Canada, nếu bị bắt quả tang trộm cắp, bạn có thể bị phạt nặng. Ngoài ra xã hội, hàng xóm, bạn bè và gia đình cũng sẽ chỉ trích bạn. Chúng tôi được giáo dục trong nhà trường về hệ thống luật pháp và tội phạm, quan trọng hơn chúng tôi được dạy rằng ăn cắp là hành vi trái đạo đức. Ở Việt Nam, có vẻ như khi bị bắt quả tang trộm cắp vặt, những kẻ cắp thường chỉ bị phạt nhẹ. Nếu bị bắt quả tang trộm cắp ở nước ngoài thì dĩ nhiên ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Tôi rất quý trọng những người bạn Việt, nhưng lại có một số người Việt có hành vi không hay ở nước ngoài, làm xấu đi hình ảnh của đất nước. Tôi cho rằng không nên khoan dung với những hành vi như của hai du khách người Việt ở Thụy Sĩ vừa rồi vì họ tạo ra một “sự cố quốc tế”. Nếu chúng ta không bảo họ rằng đó là hành vi sai trái và phạt họ thì sau này có thể họ sẽ “ngựa quen đường cũ”. Người Việt nên có một lập trường cứng rắn, nghiêm khắc hơn với những kẻ trộm cắp.
* Anh CARL BRADSHAW (24 tuổi, người Thụy Điển, đang làm đề tài nghiên cứu thạc sĩ ở Việt Nam): Sự thất vọng của gia đình là hình phạt lớn nhất Tất nhiên hai du khách Việt ở Thụy Sĩ đáng bị lên án vì hành động của họ ít nhiều đã ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi không nghĩ có lý do để biện minh cho hành động của họ. Họ có thể trả tiền mua tour du lịch đi Thụy Sĩ thì chắc chắn không thiếu thốn tiền bạc. Nếu một người nghèo vì miếng ăn mà đi trộm đồ ăn trong siêu thị thì có thể thông cảm được. Nếu một công dân Thụy Điển có hành động ăn cắp vặt ở nước ngoài, khi về nước chắc chắn họ sẽ bị người dân chỉ trích và nhận cái nhìn ái ngại từ những người láng giềng, hoặc thậm chí có thể bị phạt ngoài hình phạt ở nước đó. Người dân Thụy Điển chúng tôi có sự tự tôn dân tộc và yêu nước rất lớn nên mỗi khi ra nước ngoài sinh sống, du lịch hay làm việc, chúng tôi luôn ý thức giữ gìn hình ảnh quốc gia. Tôi cũng biết người Việt Nam có tình yêu nước rất nồng nàn và tinh thần dân tộc cao, nên thiết nghĩ mỗi người dân ra nước ngoài nên suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Tôi cho rằng đừng nghĩ lớn lao là hãy giữ hình ảnh quốc gia khi đi ra nước ngoài. Bản thân khi đi nước ngoài, tôi luôn tự ý thức không làm điều gì đáng xấu hổ và có lỗi với bản thân, với gia đình. Nếu tôi làm một điều gì sai trái ở nước ngoài, những lời quở trách, sự thất vọng của người thân trong gia đình sẽ là hình phạt nặng nề nhất. Tôi nghĩ nền tảng gia đình rất quan trọng. Trong gia đình tôi, cha mẹ tôi không yêu cầu tôi phải nên làm cái này, không nên làm cái kia nhưng họ dạy bảo tôi phải chịu trách nhiệm cho hành động cá nhân. Nhưng theo tôi, ở đâu cũng có người xấu kẻ tốt. Ở Việt Nam và một số nước, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe và chứng kiến nhiều người nước ngoài say xỉn làm những chuyện điên rồ. Đối với hai du khách người Việt ăn cắp mắt kính ở Thụy Sĩ, theo tôi, phải dành cho một hình phạt thích hợp nhưng hãy cho họ cơ hội sửa sai. Còn việc đưa hình ảnh và tên tuổi của họ lên mặt báo là không nên chút nào. |
* Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Giải quyết gốc rễ từ giáo dục học đường Trước tiên, bản thân mỗi con người cần phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, không chỉ chuyện ăn cắp vặt mà còn nhiều chuyện khác như ăn uống không tiết kiệm, bừa bãi, nói năng, cười đùa không phù hợp với tập quán ở nước sở tại... Theo tôi, để giải quyết gốc rễ vấn đề này cần phải quan tâm giáo dục nhân cách công dân ngay từ khi còn nhỏ trong giáo dục học đường. Ngoài cách giải quyết từ gốc rễ này thì rất khó có thể bàn tới việc đưa ra những giải pháp nào. Chúng ta cần phải giáo dục mặt bằng xã hội, để mọi người có thể hiểu được rằng xã hội đang hội nhập thì công dân sống ở mỗi quốc gia càng cần phải có ý thức giữ gìn tư cách của mình. Còn đương nhiên hành vi ăn cắp vặt thì ở bất kỳ quốc gia nào cũng được coi là hành vi không chấp nhận được. Nhưng lâu nay chúng ta luôn nghĩ rằng những hành vi ăn cắp vặt ở nước ngoài bị bắt quả tang mới là hành vi nghiêm trọng, còn những chuyện ăn cắp vặt trong nước là chuyện thường ngày. Trong nước, tình trạng ăn cắp vặt, tham nhũng vặt cũng nhiều chứ. Vì thế những chuyện ăn cắp vặt ở trong nước cũng cần coi là hành vi nghiêm trọng, chứ không chỉ là chuyện ăn cắp vặt ở nước ngoài. Chính vì mình coi thường những chuyện ăn cắp vặt ở trong nước nên có những người mang theo thói quen đó ra nước ngoài. Nhưng họ không ngờ rằng ở nước ngoài có những phương tiện giám sát hiện đại ngoài sự hiểu biết của họ. Chính bởi vì chúng ta không quan tâm giáo dục xã hội, nhiều người cứ cho rằng “vặt” là chuyện nhỏ, nhưng người ta đã có câu “hôm nay ăn cắp quả trứng thì ngày mai ăn cắp con bò” nên cần phải giáo dục nhân cách con người ngay từ lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, lâu nay giáo dục chúng ta quan tâm nhiều đến kiến thức mà ít quan tâm đến giáo dục nhân cách. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật ở nước sở tại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật nước đó, nên khi du khách đó về nước chúng ta cũng không thể có những chế tài ngoài khuôn khổ của pháp luật VN được. Còn những người đó thuộc cơ quan, đơn vị nào thì sẽ bị xử lý theo quy định của từng đơn vị, cơ quan đó. Các công ty lữ hành cũng có thể áp dụng biện pháp từ chối phục vụ những khách trước đây đã có những hành vi trộm cắp ở nước ngoài. Cũng cần thiết phải công khai danh tính của những người vi phạm để dư luận xã hội, báo chí có thể nêu lên. Nhưng đó mới chỉ là cách giải quyết phần ngọn. Muốn giải quyết gốc rễ vấn đề này thì phải chú trọng giáo dục học đường, giáo dục xã hội để tạo nền tảng nhân cách cho công dân ngay từ khi còn nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận