Anh Nguyễn Đức Huy (Nông trại Vietponics, 38 tuổi, phường 9, Đà Lạt) có một hệ thống làm vườn... từ từ thông minh, tùy vào việc nó được cho "ăn" data ra sao.
Nông dân làm công nghệ
Vườn của anh Huy nhỏ, nằm ở trung tâm Đà Lạt. Thoạt nhìn, vườn của anh như vườn của nhiều nông dân, sự khác biệt nằm ở công nghệ máy học (machine learning), gần với trí tuệ nhân tạo (AI), do chính tay anh Huy lập trình và lắp đặt.
Hệ thống của anh Huy không lặp đi lặp lại một lịch trình đã lập sẵn mà tự học và thông minh theo thời gian nhờ những dữ liệu liên quan đến sinh lý cây và khí hậu được nhập tự động bằng các cảm biến hoặc bằng chính tay người nông dân.
Từ năm 2014 đến năm 2018, theo anh Huy, công việc làm vườn chủ yếu để "thu hoạch" data. 5 năm có vụ thành công, có vụ thất bại, nhưng hệ thống thông minh hơn.
Sau 5 năm nuôi máy, Huy không dám đi đâu xa để theo dõi sự phát triển của cây, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để cây phát triển.
Với mỗi sự điều chỉnh, anh Huy đều nhập tỉ mỉ vào phần mềm vì "càng chi tiết thì phần mềm càng thông minh và tự ra các quyết định tưới nước, tưới phân, pha phân bón".
Nay hệ thống của anh Huy đã có thể tự làm vườn, anh có thể tự tin bỏ đi Nha Trang, TP.HCM cả tuần mà không cần lo lắng, miễn là đừng để cúp điện hoặc mất Internet. Chi phí sản xuất giảm 40%, sản lượng tăng 10%...
"Hệ thống được gần 10 tuổi rồi. Công nghệ chip bây giờ cũng mạnh hơn, học nhanh hơn nên độ chính xác mỗi lúc một cao. Mình có thể xuất dữ liệu ra để nạp qua một hệ phần cứng tương tự để tạo ra một hệ thống canh tác mới.
Mình đang cố gắng để có dữ liệu nhiều hơn về biến đổi khí hậu. Máy được "ăn" món này thì khoảng 5 năm nữa mình sẽ tự tin có một hệ thống sản xuất ứng phó với thời tiết cực đoan hoặc có lối sản xuất phù hợp với xu hướng giảm thiểu khí nhà kính", nông dân Đức Huy chia sẻ.
Nông dân "lười"
Ông Bùi Ngọc Cung (50 tuổi) ở xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang cùng vài công nhân lo chu toàn tới 2ha trồng cà chua và dưa leo baby. Khu vườn ông Cung yên tĩnh đến lạ, khác hẳn những khu vườn lân cận.
Bí quyết của ông Cung nằm ở những cảm biến độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, hướng sáng treo khắp vườn. Kết nối những cảm biến đó là các bộ truyền tín hiệu để đưa dữ liệu về trung tâm điều khiển.
Ông Cung bảo những cảm biến đó giống những công nhân quản nông trại vậy, nó giúp mình đóng mở cửa lấy gió đúng lúc để ổn định nhiệt độ trong vườn.
"Rồi cái này nữa, nó biết được độ ẩm trong vườn ra sao để ra quyết định tưới nước. Bộ cảm biến này đo được dinh dưỡng trong giá thể trồng cây để quyết định có nên bơm phân theo nước vào hay không.
Các tín hiệu từ nhiều cảm biến khác nhau nhưng được tổng hợp để hệ thống máy tính ra quyết định phù hợp cuối cùng, thay vì ra những quyết định đơn lẻ, là cái hay của hệ thống", ông Cung khoe.
Ông Cung bắt đầu ứng dụng IoT (Internet vạn vật) vào khu vườn của mình cách đây 5 năm, sau khi ông cùng gia đình đã có 30 năm vất vả trên đồng.
Mất 20% chi phí vụ mùa cùng sự điều chỉnh thói quen sản xuất khiến ông Cung mất nhiều ngày suy nghĩ.
"Nhìn tay tôi này, giống dân ăn trắng mặc trơn. Kết quả của 5 năm làm nông nhàn nhã đấy. Không cần chứng minh nhiều về hiệu quả của công nghệ nhé", ông Cung cười.
Về hiệu quả đầu tư, ông Cung cho hay chỉ sau hai mùa đã thu hồi vốn mua mới thiết bị. Lợi nhuận tăng 30% nhờ tiết kiệm vật tư, giống và nhiều nhất là công lao động. Nhật ký vườn cho thấy ông đã giảm được 60% công lao động, chỉ dùng nhiều lao động lúc xuống giống và thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tám (hay gọi là Tám Tâm, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) cả đời gắn với 5ha sầu riêng theo cách cần mẫn. Nắng lo chuyện nắng, mưa lo chuyện mưa.
5 năm trở lại đây, ông Tám bảo ông lười hơn, kết nối xuất khẩu, làm chủ nhiệm hợp tác xã sầu riêng ở Phước Lộc: "Lo chuyện bao đồng được nhiều là nhờ vườn mình có máy móc lo. Lúc cần tưới thì máy tưới, lúc cần bơm phân thì nó tự lo luôn.
Lâu lâu mình nhờ cán bộ khám xem cây có đang bị bệnh này bệnh nọ để tính tiếp. Nông dân Thái Lan mới qua, họ bảo họ cũng đang áp dụng công nghệ nên qua xem ông làm cho an tâm".
Ông Phạm S (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng):
Bắt đầu nở rộ nông nghiệp thông minh
Lâm Đồng đang chuyển hướng sang nông nghiệp thông minh. Tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, big data, blockchain... quản lý nông trại và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử...
Các trang trại ứng dụng công nghệ thông minh đều đã cho doanh thu từ 5-8 tỉ đồng/ha/năm. Riêng hoa cao cấp cho doanh thu 24 tỉ đồng/ha/năm. Đây là mức doanh thu hàm chứa lợi nhuận bứt phá, chứng tỏ được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông minh vào nông nghiệp.
Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp trong thời gian tới sẽ nhằm tạo hệ sinh thái số, thúc đẩy chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận