Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực |
Ứng dụng công nghệ nhuần nhuyễn vào công việc
Ông Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) từ thời còn làm lãnh đạo tỉnh Bình Định đã áp dụng nhuần nhuyễn công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cũng là người đầu tiên sáng lập ra tờ Bình Định điện tử - một trong những tờ báo điện tử địa phương sớm nhất.
Khi về lãnh đạo BộTN&MT, Bộ trưởng Trực đã chỉ đạo 4 việc cần làm ngay: thứ nhất, giảm gì thì giảm nhưng tăng cường đầu tư trang bị cho công nghệ thông tin; thứ hai, phải có ngay một đường truyền riêng của Bộ; thứ 3, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc nhuần nhuyễn, bắt đầu bằng mạng nội bộ; thứ 4, thiết lập trang web điện tử của Bộ.
Nhà báo nào cũng nói, Bộ trưởng Trực thường xuyên trao đổi tin, bài với các phóng viên qua thư điện tử (e-mail). Vị Bộ trưởng này có tính cẩn thận, phóng viên phải gửi bài qua e-mail để ông đọc lại trước khi đăng, dù bận đến mấy ông cũng đọc ngay và hồi âm sớm nhất.
Trong một lần Bộ trưởng tiếp chuyện tại phòng làm việc, người viết bài ngạc nhiên thấy ông đang dành thời gian trả lời e-mail 6 câu hỏi về lĩnh vực môi trường cho một người dân bên Pháp, mà lại toàn bằng tiếng... Anh! ''Thời gian không có nhiều, nhưng tôi cũng gắng trả lời một số e-mail mỗi ngày, cũng may là có e-mail mà chỉ trong thời gian ngắn nhất mình giải đáp thắc mắc cho người ở xa mình gần chục ngàn km" - Bộ trưởng Trực thân thiện nói.
Các lãnh đạo cấp Vụ trong Bộ TN&MT đều nói là làm việc với Bộ trưởng phải biết ứng dụng công nghệ thật nhuần nhuyễn vào công việc, e-mail là phương tiện nối giữa khu vực quản lý. Người soạn văn bản trên máy tính, người sửa và duyệt văn bản cũng trên máy tính, đỡ tốn giấy mực, e-mail đã giúp cho 2 người đi công tác xa nhau hơn ngàn cây số mà không làm chậm đi quá trình xử lý văn bản.
Một cán bộ Cục địa chất khoáng sản kể, trước đây, khi Cục có văn bản trình Bộ, anh phải đi xe máy từ Phạm Ngũ Lão về Nguyễn Chí Thanh, tính cả đèn xanh đèn đỏ và tắc đường cũng mất 30 phút. Tới Bộ trình duyệt rồi mang về sửa, in ra rồi lại mang lên Bộ.
Tại Bộ, văn bản này sẽ nằm tại phòng tổng hợp, rồi trình thư ký, thư ký trình lãnh đạo, sau đó đúng chu trình đó trở về Cục, rồi lại trình lại để ký... nếu nhanh chóng cũng mất cả buổi cả ngày, không thì cũng dăm ba ngày. Đến nay, cũng với công việc đó, gửi e-mail lên Bộ và nhận lại sớm nhất rồi mới in ra để đi trình ký, vừa tiết kiệm thời gian, in ấn, và nhất là công đi lại''.
Bộ trưởng Mai Ái Trực vừa kể, 3h25phút sáng 9/4 ông nhận được tin nhắn của Thứ trưởng Võ ''Tôi đã gửi e-mail Tờ trình và Báo cáo về Kế hoạch sử dụng đất cả nước giai đoạn 2006-2010'' (để trình Quốc hội kỳ họp tới - NV), Bộ trưởng nhắn tin lại ngay lúc đó sẽ xem, cho ý kiến và gửi lại vào đầu giờ làm việc. Đúng 7g, hộp thư của Thứ trưởng Võ đã có bản sửa của Bộ trưởng và 9 giờ sáng tài liệu đã được in rồi chuyển tới các Bộ, ngành và Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội.
Bộ... ''Online''
Bộ TN&MT là Bộ đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đến năm 2015. Mới đây, Bộ này cũng được Ban Chỉ đạo 112 của Chính phủ chọn là đơn vị cấp Bộ đầu tiên thí điểm cổng thông tin điện tử trong đề án Chương trình Chính phủ Chính phủ điện tử. |
Với kinh phí tằn tiện từ nhiều nguồn, Cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc đều có mạng nội bộ tốc độ cao, có trang Web riêng và được kết nối bằng đường thuê bao tốc độ cao với mạng quốc gia.
Định hướng điều hành các công việc qua mạng Online đã được lãnh đạo Bộ TN&MT đưa vào thực tế quản lý, nâng cấp ngày một cao hơn. Lúc đầu, chỉ có vài người dùng e-mail, đa số dùng tin nhắn SMS. Đến nay, ai cũng có máy tính, dùng được e-mail và đang tiến tới điều hành qua mạng nội bộ.
Người viết bài này đã có lần hỏi vị Thứ trưởng ''dị tướng'' của Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ rằng: "E-mail cũng chỉ là công cụ Offline, bao giờ mới có sự điều hành Online thực sự?". Ông nói ngay: "Chắc trong năm nay chúng tôi sẽ có hệ thống điều hành Online thực sự, các văn bản đến sẽ được quét để đưa công khai trên mạng nội bộ (trừ văn bản được xử lý theo chế độ bảo mật), lãnh đạo bộ sẽ xem và giao nhiệm vụ trên mạng rồi chuyển vào thư mục của đơn vị được giao xử lý, đơn vị sẽ soạn thảo văn bản đi và chuyển vào thư mục của lãnh đạo bộ có trách nhiệm duyệt để sửa rồi trả về thư mục phát hành, rất nhanh chóng, rất gần gũi, rất tiết kiện, rất công khai".
Vị Thứ tưởng này còn nói thêm: "Trên mạng sẽ không có chỗ đứng cho cán bộ thiếu năng lực, không thuộc bài". Khoảng 70% công việc của Bộ TN&MT nay đã được thực hiện qua mạng, có nhiều chỗ còn Offline, ngay trong năm nay tòan bộ hạ tầng trong Bộ sẽ được tăng cường để "Online hoá" mọi điều hành và xử lý công việc.
Bộ TN&MT cũng chính là đầu mối tổ chức cung cấp dữ liệu về tài nguyên và môi trường từ trên trời xuống tận dưới lòng đất. Dữ liệu về tài nguyên và môi trường được đo đạc trong nhiều năm, chi phí lớn, có giá trị đặc biệt quan trọng để chúng ta nhận biết ta đang có gì, quy hoạch để khai thác ra sao, khai thác thì ảnh hưởng thế nào đến đời sống. Đó là phần quan trọng của hạ tầng thông tin xã hội, cần cho không chỉ để quản lý tài nguyên và môi trường mà cần cho công tác quản lý của nhiều ngành, của các địa phương và của cả người dân.
Phóng to |
Nhưng khi nói về ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp dữ liệu nền, ông quan điền thổ Đặng Hùng Võ vẫn ''đau đáu'' với những dữ liệu đến từng thửa đất, dữ liệu nguồn nước, dữ liệu môi trường mà theo ông chắc đến năm 2010 sẽ xong và công khai trên mạng.
Mọi việc được phơi giữa thanh thiên bạch nhật. Cách đây khoảng 2 tháng, người ta có nói về buổi giao lưu trực tuyến giữa Bộ với các Sở TN&MT cấp tỉnh. Rất tiếc, người viết bài này không đến được mà chỉ được hỏi xem kết quả ra sao. Lãnh đạo Bộ đều nói là tốt, như một giao ban toàn ngành trên mạng, đó là cuộc tập dượt để Bộ chuẩn bị giao lưu trực tuyến với toàn dân.
Cách đây 2 tuần, Bộ TN&MT là Bộ đã tổ chức thành công cuộc giao lưu trực tuyến với tất cả mọi người, nhân dân trong nước, kiều bào và cả người nước ngoài. Còn nhớ, Hội trường khoảng 400m2 với gần trăm người từ lãnh đạo đến nhân viên tất bật với cuộc giao lưu, trên 30 máy tính được chạy hết công suất, tiếng máy lách cách rền rã. Bộ trưởng Trực hết ngồi phân công, đến kiểm duyệt câu hỏi và câu trả lời, lại chạy đôn chạy đáo đến các máy khác chỉ đạo hướng dẫn, các chuyên viên thì tất bật gõ... Thứ trưởng Võ gần như không còn biết tới ai ở xung quanh, mắt nhìn màn hình, tay gõ bàn phím để sửa câu trả lời của cấp Vụ chuẩn bị.
Hơn 3.000 câu hỏi gửi đến Bộ TN&MT trong ngày giao lưu trực tuyến và khoảng gần 300 câu được trả lời ngay trong ngày đầu, mà lại là câu hỏi liên quan đến chính sách pháp luật, đến quyền lợi của dân, đến vướng mắc của cơ chế. Phóng viên một tờ báo điện tử cho hay, mỗi cuộc giao lưu trực tuyến của báo này kéo dài khoảng 2-3 tiếng và chỉ phải xử lý vài chục câu hỏi đã ''vã mồ hôi''! Cho thấy, Bộ TN&MT đã chứng minh được một chân lý "công nghệ phát triển càng xa thì khoảng cách giữa chính quyền và dân càng gần lại".
Thứ trưởng Võ cho biết, cuối giờ giao lưu có mấy chuyên gia Australia nghe nói về cuộc giao lưu này đã đến xem và họ nói rất chân thành "các ông đã làm được một việc mà trên thế giới mới chỉ có 3 Bộ ở các nước phát triển dám làm".
Sau cuộc giao lưu trực tuyến đầu tiên với nhân dân cả nước này, lãnh đạo Bộ vẫn không hài lòng ''vì chưa thỏa mãn được hết những mong muốn của dân''. Một số câu hỏi không đủ thông tin để trả lời, chỉ có thể trả lời về nguyên tắc vì hồ sơ địa chính lại do địa phương quản lý và vụ việc đang do địa phương xử lý, mà người dân thì muốn cụ thể, muốn nói sao cho thật giản dị, dễ hiểu. Vào cuối buổi giao lưu, lãnh đạo Bộ TN&MT đã lên ngay kế hoạch "sau 3 tháng sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến toàn ngành với dân, tức là có sự tham gia của các Sở TN&MT địa phương, người dân được trả lời cụ thể đến từng trường hợp. Vấn đề được mổ xẻ trực tiếp, Bộ cũng biết được Sở xử lý như vậy đã đúng chưa, người dân đòi hỏi có đúng luật pháp không.
Được hỏi "sau khi giao lưu trực tuyến toàn ngành với dân đã làm được định kỳ thì Bộ sẽ làm tiếp việc gì nữa", Thứ trưởng Đặng Hùng Võ phân tích ngay "Nhà báo cứ làm phép tính đơn giản như thế này, tổ chức một cuộc họp giao ban toàn ngành tại miền Bắc trong thời gian ít nhất là 2 ngày, mỗi đại biểu miền Trung phải chi 1,5 triệu đồng tiền vé máy bay, 1 triệu đồng tiền ăn ở, 1 triệu đồng tiền tiêu riêng, cộng lại là 3,5 triệu đồng; mỗi đại biểu miền Nam phải chi phí 3 triệu đồng vé máy bay cộng với tiền ăn ở và tiền tiêu riêng cũng tới 5 triệu đồng; mỗi đại biểu miền Bắc cũng phải chi đến 2,5 triệu đồng tiền xăng xe, ăn ở và tiêu riêng. Hội nghị có 600 địa biểu của cả 3 miền thì phải chi đến 700 triệu đồng. Trong khi đó, tổ chức một cuộc hội nghị điện tử (E-conference) thì chi phí chắc không quá 100 triệu đồng".
Đúng là bước tiếp theo phải là hội nghị điện tử, nội dung cuộc họp có thể ghi âm được, họp có thể dài ngày, mọi người đều tham dự được đúng với trách nhiệm, tránh tình trạng người đi hội nghị phát biểu thay cứ phải nói đây là ý kiến cá nhân, thế thì mọi thảo luận ở hội nghị đều vô nghĩa. Bộ TN&MT có kế hoạch giảm bớt họp giao ban hàng tuần, tháng, năm (đối với ngành) thay vào đó chủ yếu giao ban trên mạng, sẽ phát biểu trên webcame, họp điện tử là biện pháp giảm chi phí cực lớn.
Phóng to |
Lúc nào và đi đâu, chiếc laptop cũng ''đồng hành'' cùng Thứ trưởng Đặng Hùng Võ |
Không lâu nữa, người có nhu cầu xin đăng ký cấp ''sổ đỏ'', xin bảo lãnh, chuyển nhượng, cho thuê đất... không cần phải mất thời gian công sức để chạy đi chạy lại nơi "công đường" và cũng chẳng tốn kém tiền bạc để "bôi trơn" khi có ách tắc. Các thủ tục được làm và gửi qua mạng, thậm chí ngồi quán cafe Internet cũng có thể gửi được hồ sơ đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, sau đó ngày nhận kết quả cũng được thông báo trên mạng, vậy đến cầm giấy là ...ok!
Việc giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng cũng tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại của người dân. Trong nội thành để đến được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thể mất 5.000 -10.000 nghìn đồng xe ôm hay vài ba chục phút đi lại nhưng nếu ở các tỉnh miền núi thì phải đi tới hàng chục cây số mà còn chẳng có phương tiện. Khó khăn này cũng làm cho người dân chẳng muốn công khai hóa thủ tục đất đai của mình.
''Khi người dân và người giải quyết không gặp nhau thì tránh được rất nhiều ''phiền toái'' - lời Thứ trưởng Đặng Hùng Võ. Mạng và việc giải quyết trên mạng đều ''phơi'' giữa thanh thiên bạch nhật, với cán bộ tránh được tình trạng thiếu trách nhiệm, phê sai lại đòi về phê lại, tránh tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của Bộ TN&MT không chỉ nhanh, gọn, giải quyết công việc hiệu quả mà theo Thứ trưởng Đặng Hùng Võ thì: ''Điện tử hóa, đối với Bộ TN&MT cái được là chống tham nhũng một cách tuyệt đối; đầy đủ, nhanh chóng và chính xác trong quản lý; tiết kiệm cho dân và cho Nhà nước".
Chính phủ điện tử (E-Government) - một thuật ngữ không còn là mới nhưng cũng phải là cũ. Có người đã làm một thử nghiệm mang tính kiểm chứng nho nhỏ: thử hỏi các nhà quản lý xem nên hiểu khái niệm "Chính phủ điện tử" như thế nào cho phải nhẽ. Người thì nói "đó là việc dùng công nghệ thông tin để quản lý chặt hơn"; người khác thì lại nói "đó là công cụ tốt để phân tích kỹ thông tin nhằm trợ giúp việc ra quyết định"; có người còn nói "đó cũng chỉ là thời thượng chứ ta cũng chưa cần". Khi hỏi thì Bộ trưởng Mai Ái Trực đã trả lời: "Đó là việc sử dụng công nghệ thông tin để điều hành bộ máy hành chính sao cho gần dân, phục vụ tốt nhân dân, người quản lý trao đổi trực tiếp được với dân". Câu hỏi này cũng đã được đặt ra với Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, người đã "nặng lòng" công nghệ thông tin từ năm 1972 trên máy tính điện tử MINSK-22, máy tính điện tử đầu tiên của nước ta mà cho đến nay ông vẫn còn tự viết chương trình cho các thuật toán của mình bằng đủ loại ngôn ngữ máy tính từ Basic, Fortran cho tới Pascal, C++ , ông nói "Đó là sự đổi mới hệ thống hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin để đạt được hiệu quả đúng đắn hơn, nhanh chóng hơn, chính xác hơn, tiết kiệm hơn, giản dị hơn, gần gũi hơn, minh bạch hơn". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận