Từ trái qua: BS Roberto de Castro, BS Anthony Caldomore, BS Emilio Merlini, BS Francesca Pisano hội ý hướng điều trị trong đợt khám - phẫu thuật thứ 10 của chương trình TN&F tháng 11-2016 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG |
Mười đợt điều trị, phẫu thuật 220 ca, khám tư vấn 800 ca, danh sách bệnh nhân vẫn tiếp tục dài mãi, danh sách các bác sĩ đầu ngành tình nguyện tham gia ngày một đông... là kết quả của năm năm chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” (TN&F) hoạt động, thăm khám - phẫu thuật - tái tạo cho trẻ em khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Tuổi Trẻ đối thoại với những người trong cuộc.
Chỉ dừng lại khi bọn trẻ lành lặn
* Những gì các anh chị, các bác sĩ trong nhóm TN&F làm, hi sinh vì các bệnh nhi đã được nhiều người biết đến. Về phía ngược lại, mỗi người trong nhóm nhận được điều gì khi cùng nhau làm nên “hành trình Thiện Nhân”?
- Chị Trần Mai Anh - mẹ nuôi của bé Thiện Nhân, điều hành chương trình TN&F: Khi nhận Thiện Nhân với những thương tổn kinh khủng của thằng bé khi mới lọt lòng, làm con mình cách nay 10 năm và nắm tay con đi tìm “phép lạ” từ bàn tay bác sĩ trên khắp thế giới, tôi nghĩ chỉ cần Nhân được trở thành một cậu con trai hoàn thiện là đủ cho cổ tích của cả đời con, đời mình rồi.
Nhưng rồi tôi lại gặp những đứa trẻ khác cũng mang những tổn thương như Nhân, những bà mẹ, ông bố khác đang khát khao phép lạ như tôi. Không có cách nào khác, chúng tôi cùng đi. Hành trình Thiện Nhân cứ đông mãi lên vì thế.
Nhận được những gì? Nắm tay Thiện Nhân, tôi không còn cô đơn nữa. Thiện Nhân không chỉ có tôi làm mẹ, mà có thêm mẹ Na (Hoàng Na Hương), bố Greig (Greig Craft), ông bà bác sĩ Roberto de Castro. Khi hành trình có thêm “những người bạn” đồng cảnh với Thiện Nhân, bác sĩ Roberto đã mời gọi và được hàng chục bác sĩ khác từ Ý, từ Mỹ hào hứng, nhiệt tình tham gia chương trình với tinh thần hoàn toàn tự nguyện.
Các bệnh viện ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM mở cửa đón các bệnh nhi, bác sĩ, tạo điều kiện phối hợp khám, phẫu thuật, hồi sức, chăm sóc. Hàng trăm người bạn xăng xái giúp chúng tôi tổ chức hoạt động gây quỹ, thay phiên vào viện chăm sóc các em. Còn gì bằng khi chúng ta được tự tay viết nên cổ tích để các con có cuộc đời tốt hơn.
* Tôi đã gặp nhiều ông bố, bà mẹ và các bệnh nhi đến với TN&F. Họ mang theo những khiếm khuyết, thương tổn, rất nhiều đau đớn và rất nhiều hi vọng đến với chương trình. Các bệnh nhi đều gọi chị là mẹ... Tất cả những điều đó có làm chị mệt mỏi không? Có khi nào chị có ý nghĩ dừng lại?
- Chị Trần Mai Anh: Mệt? Quá mệt. Mỏi? Quá mỏi. Nhưng chúng tôi đều là cha mẹ và chỉ có thể dừng lại khi tất cả bọn trẻ lành lặn.
Có cả bệnh nhân tuổi trưởng thành
* Danh sách bệnh nhân còn rất dài, trong khi những người tổ chức lại không thuộc ngành y. Làm cha, mẹ của Thiện Nhân sẽ là cả cuộc đời, nhưng cùng đồng hành với hàng ngàn bệnh nhi và hàng ngàn khó khăn lại là một việc khác. Chỉ tình thương yêu thôi liệu có nuôi dưỡng được lòng quyết tâm “viết nên cổ tích” này bền vững trên đường dài?
- Ông Greig Craft - người sáng lập TN&F: Cuộc sống thật không công bằng. Các bác sĩ nói rằng họ chưa thấy ở đâu nhiều bệnh nhi bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục như Việt Nam. Chương trình của chúng tôi có cả một số bệnh nhân đã đến tuổi trưởng thành, nghĩa là họ đã phải chịu đựng tổn thương thể xác và tâm lý suốt tuổi thơ.
Các bệnh viện luôn ở tình trạng quá tải, bệnh nhi ít cơ hội được chăm sóc chu đáo, nhất là những em nghèo... Đội ngũ bác sĩ, y tá, hộ lý vẫn không hề nản chí và vì vậy, người ngoài ngành y như chúng tôi càng cần nỗ lực hơn.
TN&F may mắn mời được các bác sĩ phẫu thuật đầu ngành ở Ý và Mỹ tình nguyện tham gia, nhưng kể cả như vậy chúng tôi cũng không thể làm hết việc cần làm. Nhận hồ sơ bệnh nhi, sắp xếp từng đợt thăm khám - phẫu thuật, chúng tôi cố gắng giải quyết từng bước một, từng bệnh nhân một.
Bên cạnh việc tận dụng từng giờ của bác sĩ trong các đợt làm việc, hi vọng nhiều nhất là các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật giữa các bác sĩ của chương trình và bác sĩ Việt Nam sẽ giúp bệnh nhi một cách hiệu quả hơn.
* Cùng theo dõi nhiều buổi thăm khám, tôi cũng chứng kiến nhiều lần các bác sĩ, sau khi hội ý, đã phải lắc đầu trước một ca khó, đôi khi cũng phải buông tay vì tình trạng thiếu thốn trang thiết bị hay bệnh viện quá tải. Những điều đó có khiến các bác sĩ nản lòng không?
- Bác sĩ Emilio Merlini (Ý): Vâng, đã có những ca mà y học thế giới chưa có giải pháp điều trị, cũng có những ca đã phẫu thuật nhưng không đạt được kết quả mong muốn vì bị nhiễm trùng sau phẫu thuật từ nhiều yếu tố. Chúng tôi hiểu mình không phải là những người có thể giải quyết được tất cả các vấn đề, hay có thể thay đổi thế giới.
Mỗi lần đối diện bệnh nhân, tôi đặt cho mình nhiệm vụ: hết sức để đạt kết quả tốt nhất. Mỗi lần làm việc với các đồng nghiệp người Việt Nam, tôi mong muốn nhất là chia sẻ kinh nghiệm. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật, tôi tin tưởng rằng các bác sĩ Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động xử lý tốt nhất những ca bệnh mà chúng tôi đang cùng điều trị thời điểm này, những ca đã buộc phải yêu cầu chờ cũng sẽ sớm có giải pháp.
Tôi đến Việt Nam đã 5 lần, lần nào cũng rất ấm áp với tình cảm của đồng nghiệp, đồng sự và tôi sẽ còn tiếp tục khi danh sách bệnh nhân chưa vơi đi.
* Bác sĩ mong muốn những gì sẽ được làm tốt hơn cho lần tới?
- Bác sĩ Roberto de Castro (Ý): Lần đầu tiên, tôi đến Việt Nam một mình, làm việc trong một phòng phẫu thuật. Nay tôi đã có một đội ngũ và có thể mổ ở hai phòng cùng lúc. Tôi mong năm tới sẽ mời đủ bác sĩ để có thể thực hiện trên 3-4 phòng mổ và như thế có thêm cơ hội cho bệnh nhi.
Sau nhiều ca làm việc, đội ngũ bác sĩ đã hoàn toàn hiểu được điểm mạnh và yếu của nhau, từ đó kết hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Điều cần thảo luận nhất là hạn chế nhiễm trùng sau phẫu thuật. Dụng cụ mổ và nguyên vật liệu tuy đã được cải thiện đáng kể, song vẫn cần được lưu tâm.
Bằng trái tim người mẹ
* Chúng ta đã có một đội ngũ bác sĩ giỏi và thật nhiệt tâm, có những người sáng lập, điều hành, điều phối, tình nguyện viên đầy yêu thương và nhiệt tình, có sự ủng hộ lớn của các bệnh viện... Có vẻ rất thuận lợi phải không?
- Chị Hoàng Na Hương - điều hành TN&F: Có thuận lợi và có rất nhiều khó khăn nữa. Khó nhất là việc gây quỹ. Đối tượng bệnh nhi của chúng tôi mang những khiếm khuyết ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tâm lý, nhưng lại thường được giấu kín nên ít được chú ý. Đã có lần tôi phải ký giấy nợ với bệnh viện, sau đó trả dần bằng tiền lương tháng của mình. Chỉ mới đây, nhờ một số người bạn tổ chức gây quỹ hiệu quả, quỹ TN&F lần đầu tiên có số dư sau một đợt phẫu thuật...
Khó khăn thứ hai là việc phối hợp với bệnh viện và gia đình bệnh nhi. Rất nhiều chi tiết trong liệu trình cần tuân thủ và bất trắc có thể đến từ mọi phía, bất kỳ lúc nào. Nhiều lúc chúng tôi bị những cú điếng người như thiếu phòng mổ, thiếu giường hồi sức, thiếu dụng cụ y khoa, nhiễm trùng vì người nhà lơ là chăm sóc... Lúc đó có rớt nước mắt cũng đành chịu.
* Kinh nghiệm nào các chị đã rút ra từ những trải nghiệm hoạt động thiện nguyện này của mình?
- Chị Trần Mai Anh: Những ngày đầu cũng có người nói ra nói vào nhưng rồi qua thời gian, qua công việc, tình cảm và tấm lòng của chúng tôi đã được mọi người hiểu rõ, đội ngũ những người đồng hành ngày một đông hơn, bền bỉ hơn, hiệu quả hơn. Kinh nghiệm của chúng tôi không khác gì những người đang hoạt động thiện nguyện khác: nhất quán trong mục đích, minh bạch trong tài chính và tinh tế trong ứng xử. Nếu có gì đặc biệt hơn, có lẽ chỉ là chúng tôi đến với các con bằng trái tim người mẹ.
“Tạm biệt, lần sau sẽ gặp ở nhà” * Đa số bệnh nhân đều phải phẫu thuật 2-3 lần để đạt được liệu trình. Năm năm qua đã có bao nhiêu ca chúng ta được vui mừng chia tay bệnh nhân? - Bác sĩ Roberto de Castro: 11 lần đến Việt Nam, mỗi bệnh nhi đối với tôi như một người thân và tôi mong đợi được nói với các em: “Tạm biệt, lần sau sẽ gặp ở nhà, không ở bệnh viện nữa nhé”. Giữa năm 2016 này, một bệnh nhân chúng tôi điều trị đã chứng minh được đời sống bình thường của mình: lấy vợ, sinh con. Mai Anh và Thiện Nhân đã thay tôi đi thăm em bé. Không có tin nào vui hơn thế. Được là một phần của TN&F là một điều may mắn cho nghề nghiệp cũng như cuộc đời tôi. |
“Chiến đấu, nỗ lực, tìm kiếm chứ không đầu hàng” - Bác sĩ Anthony Caldomore (Mỹ): Đây là lần đầu tiên tôi tham gia TN&F qua lời mời của bác sĩ Roberto và chắc chắn năm tới tôi cũng có mặt. Là bác sĩ niệu nhi, chúng tôi vượt qua khó khăn bằng cách nhìn vào tương lai phía trước của các em bé. Trẻ em phải được nâng niu và việc của chúng tôi là giúp các em được phát triển bình thường. - Bác sĩ Francesca Pisano (Ý): Tôi rất may mắn được tham gia TN&F cùng các bậc thầy trong nghề của mình. Các bệnh nhi đều nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hi vọng và vì ánh mắt ấy mà tôi sẽ luôn nỗ lực. - Bác sĩ Vincenzo Domenichelli (Ý): Tôi luôn tâm niệm một câu trong thần thoại Hi Lạp: “Chiến đấu, nỗ lực, tìm kiếm chứ không đầu hàng”. Các bệnh nhi đã không may mắn, chúng tôi phải cố gắng để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn. Các đồng nghiệp ở Việt Nam rất vất vả, chúng tôi tìm mọi cách để chung tay với họ. - Bác sĩ Aurelie Chiappinelli (Ý): Càng về sau, việc phối hợp giữa các bác sĩ Việt Nam với chúng tôi càng hài hòa hơn, điều này rất quan trọng và có lợi cho các bệnh nhi. Tình yêu Việt Nam trong tôi cũng lớn dần, đến nỗi tôi muốn nhận nuôi một bé gái Việt làm con mình. Năm sau, tôi sẽ quay lại Việt Nam với cả gia đình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận