04/02/2015 09:07 GMT+7

​Làm “việc nhỏ” ý nghĩa lớn

MAI HOA
MAI HOA

TT - Tự nhận những công việc mình làm chỉ là “việc nhỏ”, nhưng các đảng viên trong chi bộ và người dân khu phố 1 (phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) đều nhắc về ông bí thư chi bộ Trần Văn Thanh với sự kính nể đầy trìu mến.

Ông Trần Văn Thanh trò chuyện cùng bà Dương Cẩm Hồng và cháu Thành Đạt tại nhà bà Hồng trưa 3-2 - Ảnh: Quang Định
Ông Trần Văn Thanh trò chuyện cùng bà Dương Cẩm Hồng và cháu Thành Đạt tại nhà bà Hồng trưa 3-2 - Ảnh: Quang Định

Với họ, những “việc nhỏ” ông Thanh làm đã củng cố thêm niềm tin vào người cán bộ và để họ thấy mình không đơn độc trên đường dài mưu sinh đầy vất vả này.

Giúp đỡ người nghèo

Bà Thái Thị Ngọc Điệp, bí thư Đảng ủy phường Phạm Ngũ Lão, cho biết chi bộ khu phố 1 có 46 đảng viên, là chi bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền, trong đó năm 2014 được tuyên dương là chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của phường.

“Điều quan trọng nhất là những hoạt động của chi bộ và đồng chí bí thư đã góp phần xây dựng địa bàn khu phố đoàn kết thống nhất. Phải là người cán bộ có tâm mới có thể quan tâm từng chút đến đời sống người dân như vậy.

Mặt khác, cũng xuất phát từ tình hình an ninh trật tự của địa bàn, việc chăm lo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân cũng góp phần giảm bớt sự cám dỗ của tệ nạn xã hội”, bà Điệp nói.

Buổi trưa, bà Dương Cẩm Hồng (63 tuổi) ngồi tựa cửa, duỗi chân xuống bậc thềm sưởi nắng. Con hẻm trên đường Đề Thám này phải đến gần trưa nắng mới chiếu vào được.

Nhà nhỏ, thềm nhà cũng nhỏ. May sao lớp gạch bông sáng màu còn mới khiến căn nhà sáng sủa hẳn lên. Nhà trệt, thêm một gác lửng. Một tấm biển màu xanh nhỏ xíu gắn khiêm tốn trên tường cao “Nhà tình thương”. Thấy ông Thanh tới thăm, bà Hồng nhoài người ra cửa đón.

Đã hai tháng trôi qua, mỗi sáng ngủ dậy bà vẫn chưa quen với cảm giác mình được ở trong một căn nhà mới. Nhà cũ của bà xây từ bao giờ chẳng biết mà dùng chung bức vách với hai bên hàng xóm.

Mái nhà dột ào ào, mỗi khi trời mưa cả nhà ba người chẳng biết núp vào đâu.

Ngồi bên bà ngoại, cậu bé Thành Đạt, 9 tuổi, líu lo kể: “Hồi trước nhà con nhiều muỗi lắm, có cả gián và chuột. Có bữa đêm ngủ chuột táp vào chân bà ngoại làm ngoại sợ quá chừng. Bây giờ thì hết rồi”.

Ông Thanh cho biết hoàn cảnh bà Hồng rất tội nghiệp, nhà có ba người chỉ trông chờ vào con gái bà với công việc giữ trẻ thuê, mỗi tháng được trả chừng 3 triệu đồng. Đã vậy, bà Hồng còn bệnh bướu trong phổi, đứa cháu lại đang tuổi đến trường, bao nhiêu thứ cần phải chi tiêu.

Được phường hỗ trợ 10 triệu đồng, ông đi vận động mọi người đóng góp thêm được 35 triệu đồng nữa. Trước tiên là các đảng viên trong chi bộ, sau là người dân trong khu phố. Ông cứ đến gặp từng người “xin” mỗi người một chút.

Ông nói không khéo lắm nhưng chân tình đến mức ai cũng vui vẻ nhận lời. Ông bảo những việc như vậy phải nhiều người chung tay làm mới hiệu quả, không chỉ là tiền bạc mà còn giúp mọi người trong khu phố đoàn kết, thương nhau hơn.

Cũng với “phương thức” ấy, trong suốt bốn năm giữ vai trò bí thư chi bộ, ông đã vận động được một nguồn ổn định hằng tháng, với chừng 2,5 triệu đồng để chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn: mua gạo, tặng tiền, tặng cả thẻ bảo hiểm y tế...

Tết năm ngoái, ông vận động được hơn 2 tấn gạo phát cho người nghèo ăn tết. Những cụ già neo đơn, khốn khó được ông giúp gửi vào hội tương tế để được nuôi dưỡng chăm lo cho tới ngày qua đời.

“Kinh tế của phường ngày càng phát triển, người dân ai cũng cố gắng lao động, bắt nhịp. Những hoàn cảnh bất hạnh hầu hết do bệnh tật hoặc gặp phải chuyện không may mới rơi vào cảnh túng quẫn. Không giúp được họ nhiều tôi thấy rất khổ tâm. Có lẽ nhiều người cũng nghĩ như tôi nên mới đồng lòng giúp”, ông Thanh trầm ngâm nói.

Đảng trong lòng dân

Năm nay ông Thanh đang có kế hoạch chăm lo dài hơi tập trung cho những người bệnh nặng cần cứu chữa như trường hợp một gia đình có năm người không tỉnh táo, đó là gia đình bà Nguyễn Thị Mai Lan (56 tuổi).

Cả nhà chỉ có bà là người tỉnh táo khi ba mẹ bà bệnh nằm liệt gần chục năm nay, còn ba người em trai dù tuổi đã nhiều, thân hình cao lớn nhưng nhận thức chỉ như trẻ lên ba, vẫn còn nũng nịu và không thể tự vệ sinh.

Bà Lan không dám lấy chồng, cứ ở vậy chăm ba mẹ và các em từng bữa ăn giấc ngủ. May sao vẫn còn người em gái có sạp hàng ở chợ Vườn Chuối kiếm được tiền nuôi cả nhà. Nhưng từng ấy miệng ăn nuôi sao cho xuể?

Ông Phan Viết Minh, tổ trưởng tổ dân phố số 7, nói: “Ngoài các chính sách hỗ trợ của phường cho người khuyết tật, chi bộ khu phố chỗ chú Thanh còn gửi thêm 10kg gạo mỗi tháng nên gia đình cũng bớt khó khăn hơn”.

Khu phố 1 hiện có 781 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Ông Thanh thuộc lòng từng căn nhà, từng hoàn cảnh, câu chuyện. Có lẽ nghiệp vụ của một người đã từng là công an giúp ông nắm bắt địa bàn rất chắc chắn.

Ai lô đề, ai buôn bán ma túy, ai nghiện hút, ai buôn bán chụp giật ông đều biết. Ai làm ăn lương thiện, ai khó khăn, ai cần giúp đỡ ông cũng biết. Biết rồi là xắn tay áo giúp tùy theo sự việc.

Mới đây, nhờ ông mà hai người lang thang ở chung cư 12 Trần Hưng Đạo đã có được giấy tờ tùy thân và sẽ được đưa đi chữa bệnh. Hai người này vốn là người dân địa phương, mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, cha mẹ mất, anh em bỏ đi hết, sống vất vưởng ở cầu thang chung cư nhiều năm nay.

Ông phải lên phường xin lục lại hồ sơ hàng chục năm trước rồi đứng ra bảo lãnh, cam kết mới làm được giấy tờ.

Ông nói những việc mình làm nhỏ nhoi lắm, chừng nào người dân còn tin mình, tổ chức còn tín nhiệm thì mình ráng làm đến khi không còn sức làm được nữa mới thôi. “Đảng là từ trong dân mà ra, mình là người của Đảng phải hết lòng chăm lo cho cuộc sống của mọi người để mọi người dân đều thấy tin tưởng vào đường lối chung”, ông bí thư 35 năm tuổi Đảng kết luận.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên