26/11/2017 11:59 GMT+7

Làm việc cho nước ngoài: sướng hay khổ?

QUANG PHƯƠNG - DIỆU NGUYỄN  - MẠNH KHANG - KIM ANH ghi
QUANG PHƯƠNG - DIỆU NGUYỄN - MẠNH KHANG - KIM ANH ghi

TTO - Tình hình công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực sự ra sao? Họ có bị giới chủ đối xử tệ? Ai bảo vệ họ và bảo vệ ra sao trong trường hợp bị đối xử tệ?

Làm việc cho nước ngoài: sướng hay khổ? - Ảnh 1.

Công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1 đến công ty làm việc vào mỗi sáng - Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Tuổi Trẻ đặt ra các câu hỏi như vậy với một số công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại VN và các giới chức nhằm tìm lời giải đáp cho vấn đề này, và mong nhận thêm ý kiến của bạn đọc.

NGUYỄN THỊ HUYỀN (27 tuổi, quê Quảng Ngãi, công nhân may tại một công ty ở quận Tân Bình, TP.HCM): Chịu quy định khắt khe

Là công nhân may, chúng tôi luôn mong muốn có nhiều đơn hàng để công việc được thường xuyên, chúng tôi chấp nhận tăng ca để có thêm thu nhập. Tuy nhiên thực tế thì khác, chủ doanh nghiệp luôn đưa ra những nội quy, quy định khá khắt khe để trừ tiền công nhân.

Ví như họ đưa ra những quy định về thời gian chuyên cần, không được đi trễ quá 5 phút, trong ca làm việc thậm chí còn giới hạn số lần đi vệ sinh nữa... Đó là chưa kể nhiều công nhân vào làm việc nhưng không được ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội. 

Với những công nhân làm việc không được ký hợp đồng lao động, họ muốn đuổi lúc nào là đuổi, thậm chí đuổi việc mà không nhận được lương những ngày đã làm.

Năm 2014, tôi từng bị một công ty may mặc cho nghỉ việc nhưng không trả lương, tôi phải kiện ra Tòa án nhân dân quận Tân Bình. Sau nhiều lần hòa giải, chủ doanh nghiệp mới trả cho tôi số tiền lương gần 3 triệu đồng. 

Nhưng nói chung người chịu thiệt nhất vẫn là những công nhân lao động chân tay như chúng tôi.

NGUYỄN THỊ BÍCH CHI (25 tuổi, quê Bình Định, công nhân giày da tại Khu chế xuất Linh Trung 1): Chấp nhận tăng ca

Chuyện tăng ca tại công ty tôi là chuyện bình thường. Chúng tôi chấp nhận tăng ca để có thêm thu nhập, công ty tăng ca nghĩa là có nhiều đơn hàng, mà có nhiều đơn hàng thì chúng tôi được làm việc thường xuyên, từ đó thu nhập của chúng tôi cũng sẽ ổn định. 

Công ty đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, phúc lợi như: hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng, tiền phụ cấp độc hại, thưởng thi đua... Tuy nhiên, để nhận được trọn vẹn các khoản này thì không dễ, bởi công ty đưa ra một số nội quy rất "chát" như quy định về chuyên cần, không được sử dụng điện thoại trong khi làm việc, phải có mặt tại nơi làm việc đúng giờ... 

Đã làm công nhân thì tôi phải chấp nhận những nội quy, quy định của công ty đưa ra, đến một lúc nào đó nếu thấy chịu không được nữa, không thể làm việc nữa thì tìm nơi khác thôi.

Chúng tôi chỉ mong doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, chủ doanh nghiệp trang bị nhiều hơn nữa về những dụng cụ bảo hộ để bảo vệ sức khỏe công nhân, tăng thêm thời gian nghỉ giữa ca cho công nhân.

N.T.T.LINH (từng làm trợ lý cho công ty sản xuất giày da Đài Loan): Quản đốc sai phải xin lỗi

Tôi vừa nghỉ làm tại công ty có vốn đầu tư Đài Loan tại VN để qua Đài Loan làm công việc khác. Tuy nhiên, với công ty cũ mọi người được hưởng chế độ phúc lợi, lương thưởng khá tốt.

Với quy mô hơn 6.000 công nhân nhưng không hề có việc công nhân làm việc tại xưởng bị ngược đãi. Thậm chí, nếu quản đốc phân xưởng để xảy ra xô xát, quát nạt công nhân thì công đoàn sẽ đứng ra bảo vệ cho công nhân, nếu tình trạng nghiêm trọng quản đốc sẽ bị đuổi việc, hoặc quản đốc là người Đài Loan sẽ bị trục xuất về nước. 

Có lần do người quản đốc Đài Loan bị áp lực năng suất nên đã lớn tiếng quát công nhân, kèm theo hành vi ném thùng đồ xuống đất..., công đoàn đã yêu cầu quản đốc giải trình sự vụ, xin lỗi công nhân và hứa không tái phạm, nếu có lần sau sẽ bị trục xuất mà không có thêm cơ hội giải thích nào khác.

Bên cạnh đó, ở xưởng giày có nhiều công đoạn mà công nhân làm trực tiếp sẽ được hưởng thêm chế độ nặng nhọc độc hại và đồ bảo hộ lao động phù hợp.

Làm việc cho nước ngoài: sướng hay khổ? - Ảnh 2.

Công nhân tại một công ty bao bì có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

T.T.M.TÌNH (nhân viên phòng nhân sự công ty Nhật): Có những khoảng "thở"

Với khoảng 1.500 công nhân làm việc tại xưởng, không phải ai cũng có cái nhìn như nhau. Tuy nhiên, đánh giá chung của công nhân là công ty có môi trường làm việc tốt, rộng rãi, thoáng, đặc thù của công ty Nhật là sạch sẽ.

Công đoàn vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động giải trí, sinh hoạt vui chơi cho mọi người. Đặc biệt, công nhân mỗi năm hai lần còn có cơ hội nâng cao tay nghề (từ 6 tháng trở lên) tại Nhật qua phần thi kiến thức chuyên môn và kiểm tra IQ.

Vào cuối năm đơn hàng tăng lên cho cả đầu năm sau, công nhân phải làm tăng ca. Công ty sẽ tuyển thêm người mới, người có kinh nghiệm sẽ làm bình thường, nhưng người không có kinh nghiệm sẽ phàn nàn hoặc xin nghỉ. 

Tuy tăng ca nhưng mỗi người chỉ được làm tối đa 12 tiếng (8 tiếng làm chính thức và 4 tiếng tăng ca). Trong 8 tiếng làm chính thức lương được 1 thì 4 tiếng tăng ca sẽ được 1,5, ngày chủ nhật là 2 kèm theo phần ăn giữa giờ (sữa hoặc cơm tùy công nhân chọn).

Nhưng không phải trong 8 tiếng làm công ty sẽ siết chặt về mặt thời gian đến mức vắt kiệt sức mà người lao động vẫn có những khoảng "thở" để đảm bảo công việc và cả sức khỏe.

NGUYỄN PHÚ (công nhân tại một công ty điện tử): Công đoàn là "người của họ"

Chúng tôi thường nói với nhau rằng đã chấp nhận làm thì phải chấp nhận gian khổ. Nhưng nhiều lúc thấy công ty đối xử rất tệ với công nhân, họ coi chúng tôi như robot. Đứng dây chuyền suốt mấy tiếng không được rời đi, có những lúc dây chuyền chạy liên tục thì không còn biết gì ngoài làm như cái máy. 

Trong khi đó, những khái niệm như môi trường độc hại, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm không tương xứng với đồng lương.

Tổ trưởng cũng như tổ chức công đoàn ở công ty là người của họ hết. Cho dù là người Việt nhưng nghe theo giám đốc, không bảo vệ công nhân, không dám nói trái ý giám đốc. Riêng công đoàn cấp trên thì chúng tôi thấy thỉnh thoảng họ xuất hiện một lần, vào phân xưởng đi lướt qua, hỏi công nhân vài câu trong khi có mặt giám đốc thì chúng tôi phản ảnh được gì.

LÊ NGỌC TÂM (công nhân tại một công ty may vốn Hàn Quốc): Do khác biệt về văn hóa làm việc

Văn hóa làm việc tại các công ty nước ngoài hay có vốn đầu tư nước ngoài có thể có nhiều khác biệt so với văn hóa làm việc ở VN. Nhiều người lao động không hiểu nên nghĩ mình đang bị làm khó dễ, bị đối xử tệ.

Như ở đơn vị của tôi, các sếp lớn người Hàn Quốc thường rất chú trọng chuyện chào hỏi. Người Hàn cảm thấy hài lòng nếu bạn chào theo cách của họ là vòng tay cúi đầu và nói rõ câu chào (bằng tiếng Hàn, tiếng Anh hay tiếng Việt đều được). 

Những trường hợp công nhân gặp sếp chỉ cười rồi gật đầu đều khiến họ không vui, thậm chí là bực bội. Họ nhắc nhở tổ trưởng của bạn rồi tổ trưởng về nhắc nhở bạn làm bạn khó chịu.

Công nhân VN hay có thói quen vừa làm vừa nói chuyện vu vơ qua lại, có người còn đeo tai nghe để nghe nhạc. Dù chỉ là để giải khuây, nhưng trong cách làm việc của người nước ngoài thì chuyện này không thể chấp nhận. Họ yêu cầu giờ làm việc là tập trung hoàn toàn.

Sự khác biệt này nếu nhìn một cách khách quan thì không có gì là đối xử tệ với công nhân. Vả lại những chế độ, quy định khi làm việc trong công ty không khác gì so với hợp đồng lao động nên một khi đã ký thì có nghĩa là bạn đồng ý. 

Bản thân tôi làm tới nay được 2 năm thấy mọi thứ rất ổn, dù đôi lúc hơi mệt mỏi nhưng mình chấp nhận vì có việc làm nào mà không mệt đâu.

Một cán bộ thuộc Liên đoàn Lao động quận 9 (TP.HCM): Kiểm tra định kỳ thường xuyên

Chúng tôi cùng tham gia đoàn liên ngành của quận đi kiểm tra các doanh nghiệp như hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; khảo sát môi trường làm việc, chế độ khám sức khỏe định kỳ... cho công nhân.

Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp công đoàn cơ sở kiểm tra và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường an toàn lao động...

Liên đoàn Lao động quận cũng có tổ tư vấn pháp luật, người lao động gọi điện để được tư vấn hoặc trực tiếp đến nơi. Chúng tôi hỗ trợ người lao động gỡ rối các thủ tục pháp lý, qua đó họ hiểu thêm về các quy định để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của mình.

Liên đoàn Lao động quận còn tổ chức các tổ đi kiểm tra định kỳ thường xuyên. Qua kiểm tra năm 2016, chúng tôi đã lập biên bản một số đơn vị có vi phạm để xử phạt theo quy định. Từ đầu năm đến nay chưa có vụ đình công nào tại Q.9. Đó là nhờ làm tốt công tác đối thoại giữa người lao động với ban lãnh đạo các công ty.

QUANG PHƯƠNG - DIỆU NGUYỄN - MẠNH KHANG - KIM ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên