18/06/2010 07:19 GMT+7

Làm trước một tuyến đường sắt cao tốc

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Ngày 17-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi có kết quả thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM.

2Wy4DSBK.jpgPhóng to
Ông Hồ Nghĩa Dũng - Ảnh: V.Dũng

* Vừa rồi Tổng công ty Đường sắt VN có mời một đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm đường sắt cao tốc ở Trung Quốc, nhiều người cho rằng đây là một gợi ý để ta lựa chọn công nghệ của họ?

- Tôi nghĩ chuyến đi thực tế đó với việc chúng ta lựa chọn công nghệ sau này không liên quan gì cả. Đến giờ tôi có thể khẳng định tôi chưa từng trao đổi với nhà chức trách nào của Trung Quốc về dự án này.

* Thưa bộ trưởng, kết quả thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội có khiến ông thở phào nhẹ nhõm và có ngạc nhiên về kết quả đó?

- Phải chờ Quốc hội thông qua xong mới thở phào nhẹ nhõm được chứ. Tôi cũng không ngạc nhiên. Vì Quốc hội đã thảo luận kỹ và khi thăm dò cũng có nhiều phương án được đưa ra. Tôi nghĩ các đại biểu Quốc hội đã sáng suốt khi nghiêng về phương án làm trước một tuyến với lộ trình hợp lý. Nếu Quốc hội có nghị quyết, Chính phủ sẽ tiếp thu theo đúng phương án Quốc hội đưa ra.

* Phương án giành được nhiều sự lựa chọn là đầu tư thí điểm một tuyến và khởi công xây dựng trước năm 2020, chúng ta sẽ đầu tư tuyến nào trước?

- Lộ trình phải tính toán rất kỹ. Tôi cho rằng đến năm 2025 hoàn thành được tuyến TP.HCM - Nha Trang là đẹp, nên ưu tiên số một cho tuyến này. Tất nhiên, hiện nay chưa xác định làm trước tuyến Hà Nội - Vinh hay TP.HCM - Nha Trang vì phải chờ lập dự toán phân tích kỹ.

* Nếu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ có tính đến việc đấu thầu tư vấn không? Vừa rồi có ý kiến cho rằng báo cáo tiền khả thi không có đấu thầu nên thiếu công khai minh bạch?

- Đấu thầu lập dự án là một vấn đề rất khó mặc dù Luật đấu thầu đã quy định, nên thường mình lựa chọn tư vấn. Nhưng đến bước thiết kế kỹ thuật, bước xây dựng phải đấu thầu nghiêm chỉnh.

* Khi xây dựng dự án có hướng đến nước nào, tổ chức nào để vay vốn không?

- Bây giờ mình đang trao đổi với đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tác vẫn bỏ ngỏ. Sau khi có báo cáo đầu tư, xem xét quốc gia nào, doanh nghiệp nào, nhà thầu nào đáp ứng tốt nhất điều kiện chúng ta đề ra để lựa chọn. Tôi cũng muốn nói là dự án này rất lớn, một quốc gia chưa chắc đã có thể hợp tác để làm hết. Thế thì phải nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu.

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc nói rằng chúng ta đã cam kết với phía Nhật?

- Cam kết hợp tác thì có, nhưng cam kết cụ thể về dự án như công nghệ, vốn, nhà thầu thì chưa. Năm 2006, Thủ tướng nước ta thăm Nhật, đã có ba dự án giữa ta và bạn trao đổi: đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nên đặt vấn đề hợp tác là có.

* Như vậy, cam kết đó không ràng buộc chúng ta phải làm?

- Không có ràng buộc gì hết. Đó là cam kết hợp tác.

Đồng ý không có nghĩa là xong

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, kết quả thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy đa số đồng ý có nghị quyết về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc. “Nhưng đồng ý không có nghĩa là xong, là sau đó giao hết cho Chính phủ triển khai” - ông Đàn khẳng định. Theo ông, tại nghị quyết này Quốc hội chỉ đồng tình về chủ trương, sau đó giao cho Chính phủ lập báo cáo khả thi, dự toán đầu tư chi tiết để báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ xem xét dự án này vào một kỳ họp khác. Đến lúc đó Quốc hội mới quyết định chính thức việc triển khai dự án.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên