15/06/2019 12:28 GMT+7

Làm 'trò khỉ' ngoài đường để khách du lịch đừng xả rác

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Một nhóm bạn trẻ yêu Đà Lạt hóa trang vui nhộn và xuất hiện ở nhiều địa điểm công cộng của Đà Lạt chụp ảnh cùng du khách.

Làm trò khỉ ngoài đường để khách  du lịch đừng xả rác - Ảnh 1.

Phạm Khánh Vũ (hàng đứng, góc trái ảnh) cùng làm “trò khỉ” với các tình nguyện viên - Ảnh: M.VINH

Họ mang mặt nạ làm từ thùng giấy có vẽ khuôn mặt cười, trên tay mang tấm bảng nhỏ với dòng chữ: "Đến Đà Lạt đừng xả rác" được viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Sự xuất hiện tươi tắn cùng thông điệp ý nghĩa đã gây chú ý với nhiều người dân địa phương và du khách.

Nhóm người trẻ nói trên là những sinh viên các trường trung học phổ thông, đại học - cao đẳng tại Đà Lạt cùng tham gia hoạt động chung do Phạm Khánh Vũ (32 tuổi), một thanh niên người Đà Lạt, tổ chức. Ngoài ra, những người đã đi làm cũng tham gia câu chuyện cùng thay đổi nhận thức về việc bỏ rác đúng nơi quy định đối với người dân địa phương và du khách.

Sau một chiều mệt nhoài vì... cười hết cỡ cùng chụp ảnh với du khách, Huỳnh Tấn Bình (26 tuổi, nhân viên Công ty tư vấn thiết kế và phát triển thương hiệu Sense Dalat) nói với chúng tôi: "Đa số du khách rất thích hoạt động này của bọn mình. Nhưng có nhiều người không rõ sợ điều gì mà xua đuổi và nói nhiều câu làm anh em ai cũng buồn. Có một chú bảo vệ ở chợ Đà Lạt thấy bọn mình đang chụp ảnh rất sôi nổi với du khách thì xua đuổi và bảo "bọn bây làm trò khỉ gì vậy, đi chỗ khác, đi chỗ khác". Kể xong Bình tặc lưỡi: "Mà thôi, trò khỉ cũng được. Miễn nhiều người hiểu thông điệp không xả rác bừa bãi là cả nhóm vui".

Khánh Vũ là người đã bày ra "trò khỉ" và được rất nhiều bạn trẻ trong các câu lạc bộ, đội nhóm ở Đà Lạt ủng hộ và cùng phát triển thành nhiều hoạt động khác nhau để kêu gọi cùng gìn giữ để Đà Lạt ngăn nắp và sạch rác.

Vũ kể cứ mỗi dịp lễ hoặc cuối tuần, trên mạng xã hội thường có những hình ảnh không đẹp về Đà Lạt, nhất là những khu vực công cộng tràn ngập rác. Đó là thời điểm sau khi du khách rời đi và trước khi lực lượng công nhân vệ sinh tới dọn rác.

"Ở đây mình không phân biệt du khách hay người Đà Lạt nhưng rác xả ra ồ ạt như vậy thì kiểu gì thành phố này cũng nhếch nhác. Ai cũng muốn tận hưởng thành phố thơ mộng, sạch sẽ nhưng không chịu giữ gìn thì biết oán trách ai" - Vũ nói và đó cũng là lý do anh cùng những người bạn nghĩ ra việc nên xuất hiện ở đám đông để kêu gọi đừng xả rác.

"Hôm bọn mình cùng các chị lao công chụp hình với du khách, các chị cảm ơn như bọn mình vừa giúp chuyện gì to lớn lắm vậy. Các chị bảo bấy nhiêu rác hay nhiều hơn nữa công nhân vệ sinh cũng dọn sạch và xử lý hết nhưng phải bỏ đúng chỗ, còn xả bừa bãi thì có thêm 10 lần lực lượng cũng không dọn xuể. Công đi gom rác tốn nhiều lần công đưa rác lên xe chở ra bãi" - Vũ kể.

Nhóm của Vũ thống kê có hơn 10.000 người đã tiếp cận thông điệp "Đến Đà Lạt đừng xả rác". Sắp tới cả nhóm sẽ phối hợp với chính quyền thành phố Đà Lạt và các trường học để chuyển tải thông điệp này rộng hơn.

"Những khu rừng đẹp của Đà Lạt cũng đang bị du khách đi cắm trại xả rác không thương tiếc, chúng tôi sẽ cùng các du khách yêu Đà Lạt kêu gọi bảo vệ những ngọn đồi theo những cách vui vẻ" - Vũ chia sẻ.

Với Vũ và những cộng sự, cùng nhau góp những thông điệp hướng tới các việc làm tốt đẹp cho cộng đồng có ích hơn oán thán, trách móc và bóc lỗi xem ai là người xả rác bừa bãi lên mảnh đất Đà Lạt.

TTO - Chàng trai 31 tuổi đã 9 lần leo Himalaya và đặt chân lên những đỉnh núi cao nhất thế giới cũng thường xuyên nói về thói quen sống xanh, giảm rác nhựa trên Facebook.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên