28/04/2013 01:46 GMT+7

Làm thủy điện, đừng đặt người dân trước rủi ro

HƯƠNG GIANG ghi
HƯƠNG GIANG ghi

TT - Vừa qua, tôi theo dõi rất kỹ loạt bài về thủy điện trên báo Tuổi Trẻ. Tôi nghĩ vấn đề chúng ta đang thấy hiện nay bắt nguồn từ cách thức phát triển thủy điện ở VN, vốn có nhiều khác biệt với hầu hết những nước tôi biết, trừ Trung Quốc.

hn6wuvjq.jpgPhóng to
Thượng nguồn thủy điện An Khê - Ka Nak tích nước gây ngập đất canh tác của người dân tại thị xã An Khê, đặc biệt vào mùa mưa - Ảnh: Tiến Thành
eud3aGDg.jpg
Ông Jake Brunner - Ảnh: H.Giang

Báo chí thường xuyên phản ánh những chuyện phát sinh từ thủy điện. Ví dụ như đập Sông Tranh và hoạt động địa chấn ở đó. Báo cáo tác động môi trường của Sông Tranh nói không có gì đáng lo chỉ đơn giản vì ở một hội thảo nào đó, ai đó đã phát biểu rủi ro ở Sông Tranh ở mức thấp.

Khi có nhiều người sống ở hạ lưu như vậy, lẽ ra không nên chấp nhận những rủi ro ấy. Đúng là VN cần điện, nhưng không nên đặt mạng sống của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người dân vào những rủi ro như vậy. Qua báo chí, chúng ta biết một số đập thủy điện đã bị vỡ. Mặc dù chưa ai bị chết vì sự cố này nhưng rõ ràng đập không an toàn là mối lo lớn.

Tôi cũng đọc nhiều bài báo về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Theo tôi hiểu, báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình này về cơ bản chỉ là bản sao chép lại của những báo cáo đã có trước đó. Điều tôi lo lắng là dường như chúng ta không thấy có trách nhiệm giải trình ở đây.

Tại sao các nhà đầu tư xây dựng đập lại không chịu trách nhiệm gì, không phải giải trình gì khi xây những con đập lớn dựa trên các báo cáo đánh giá tác động môi trường không thể chấp nhận được như vậy? Đây là yếu tố cơ bản. Nếu anh đầu tư vào dự án lớn, rủi ro lớn và lợi nhuận lớn, anh phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Các nhà xây dựng cần phải biết rằng nếu họ xây lên những con đập kém chất lượng, gây ra các tổn thất không thể chấp nhận được thì họ sẽ bị trừng phạt.

Ở phương Tây, nếu anh xây đập dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường không đầy đủ, anh có thể bị truy tố hình sự...

"Ở Mỹ người ta đã hủy bỏ rất nhiều đập thủy điện và điều tuyệt vời là sau đó thiên nhiên phục hồi rất nhanh, một số con sông mất cá hồi hàng mấy chục năm nay đã có cá hồi trở lại"

JAKE BRUNNER

Như vậy, chúng ta đang tạo ra môi trường thu hút thiết kế yếu, công trình kém chất lượng và dẫn đến các dự án chẳng có ý nghĩa gì cả về mặt kinh tế lẫn môi trường, xã hội. Chúng tôi không phải là người chống lại đập thủy điện. Nhưng bất cứ dự án lớn nào đều cần phải có các tiêu chuẩn nhất định, song có vẻ các tiêu chuẩn đó không được áp dụng vào thực tế ở VN. Ví dụ nhiều đập ở VN không do các công ty xây đập chuyên nghiệp làm.

Dù vậy, chúng ta vẫn có thể làm nhiều điều để đảo ngược các tác động tiêu cực. VN cần đánh giá lại toàn bộ lĩnh vực nước để phát triển thủy điện theo hướng tối đa hóa nguồn điện và giảm thiểu tác hại. Đà Nẵng - thành phố lớn thứ ba của VN - mất nước vì thủy điện. Đây hẳn là ví dụ sinh động nhất mà tôi có được về sự thiếu phối hợp giữa bên xây đập và nhu cầu nước. Ít nhất các bạn cần làm lại việc quy hoạch ở cấp độ cơ bản, và có lẽ quy hoạch này sẽ đưa đến quyết định phá bỏ một vài đập.

Nhưng chỉ riêng việc cải thiện mạng lưới đập thủy điện sẽ không giải quyết được hết vấn đề về điện hay nguồn nước ở VN. Vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết đồng bộ, ví dụ ở khâu quản lý nước đô thị, tình trạng rò rỉ và thất thoát nước vì chất lượng đường ống tồi, giá điện, các ngành ngốn điện như sắt thép của khối doanh nghiệp nhà nước mà chúng ta thường gọi là doanh nghiệp “thây ma” - họ vẫn ngốn nguồn lực của đất nước nhưng không sản sinh ra lợi ích là mấy... Tất cả vấn đề này đã rõ ràng với các bạn từ lâu rồi. Những điều tôi nói không có gì là mới. Vấn đề ở đây là việc quản lý tài nguyên của Nhà nước và những lựa chọn mà các bạn quyết định.

JAKE BRUNNER(điều phối viên chương trình Mekong của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - iucn)

Các công ty đầu tư làm thủy điện ở đâu ra?

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Anh Gia Lai làm chủ đầu tư. Tôi không nghĩ họ là người chuyên xây đập. Các bạn cần những công ty có uy tín, có hồ sơ tốt. Ở VN, dường như sau mỗi con đập lại là một công ty khác nhau. Họ ở đâu ra vậy? Họ là ai? Lịch sử và kinh nghiệm xây đập của họ thế nào?

Nếu anh có luật lệ rõ ràng, mức độ minh bạch cao, hệ thống luật pháp hiệu quả sẽ hút được các công ty chuyên nghiệp. Nếu những điều kiện đó không tồn tại thì anh sẽ hút kiểu công ty khác. Tôi nghĩ VN cần có những công ty tốt nhất nói chung chứ không riêng trong lĩnh vực thủy điện. VN sẽ không trở nên giàu có nhờ cung cấp điện “siêu rẻ”.

HƯƠNG GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên