Cách đây hơn 3 năm, khi mới kết hôn, tôi chuyển công tác vào miền Nam để sống gần chồng. Trong khi phải thay đổi môi trường sống quen thuộc bấy lâu, tôi lại bị một cú sốc trong hôn nhân và rơi vào trạng thái buồn rầu, chán nản không muốn làm gì nữa cả.
Để giảm bớt áp lực "đầu vào" cho mình, tôi xin nghỉ việc sớm hơn dự định (tôi vẫn đang chuẩn bị cho một công việc khác mà mình thích hơn, nhưng nếu không vì "cú sốc" đó thì tôi chưa nghỉ việc).
Tôi bắt đầu phát triển thói quen mới: trồng hoa và trồng rau.
Hơn 1 năm trời, đầu óc tôi chỉ xoay quanh việc trồng hoa, trồng rau, tôi miệt mài học hỏi kiến thức mới. Nhờ đó, trong đầu tôi còn rất ít chỗ trống cho những suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân.
Vì tôi hết lòng với việc trồng hoa và trồng rau như vậy, hồi ấy đám hoa và rau của tôi rất xanh tốt. Tôi cũng rất vui khi ngắm nhìn thành quả của mình.
Thú vui giúp tìm quên và giải tỏa, không hẳn là chữa lành
Dần dà khi đã làm quen với cuộc sống hôn nhân, tôi hiểu được rằng vấn đề nhiều khi không phải do chồng tôi, mà là do chính tôi. Tôi nhận ra rằng không phải việc chồng tôi làm gì, mà là do những suy nghĩ của tôi, những suy đoán của tôi về hành động của chồng khiến tôi thấy tủi thân, nghi ngờ hoặc lo sợ.
Sau này mỗi khi cảm thấy có gì đó khúc mắc, tôi nói ra với chồng, chứ không chìm đắm trong những suy nghĩ và suy đoán nữa.
Tôi biết có những người nhờ làm vườn "chữa lành" mà đã biến sở thích đó thành công việc, trở thành người bán cây cảnh. Còn với tôi, làm vườn chỉ là một hoạt động hỗ trợ việc chữa lành trong một thời gian mà thôi.
Qua những kiến thức về chữa lành mà tôi tìm hiểu được, ngoài việc làm vườn, còn có không ít hoạt động khác có thể giúp người ta chữa lành, ví dụ như viết lách, tập thể dục thể thao, chèo thuyền, leo núi, nhảy múa… Những hoạt động này có thể đem lại niềm vui cho chúng ta vì khi tham gia những hoạt động đó, chúng ta tập trung sự chú ý vào hoạt động và quên đi nỗi đau buồn của mình.
Đây chính là một ví dụ của quy luật thay thế trong tâm lý học: Muốn từ bỏ một cái gì đó, chúng ta phải thay thế nó bằng cái khác.
Nhưng liệu những hoạt động nói trên có thể chữa lành triệt để cho chúng ta được không?
Trước hết phải khẳng định rằng những hoạt động đó mang lại niềm vui cho chúng ta, giúp chúng ta tạm quên đi nỗi đau buồn của mình thay vì vùi trong nỗi đau buồn và trở nên suy sụp, trầm cảm. Khi tập trung hết sức, chúng ta tạm thời không nghĩ đến những điều khiến mình đau buồn nữa. Càng dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động yêu thích, chúng ta càng dành ít thời gian cho việc "gặm nhấm" nỗi đau buồn.
Nhưng chỉ riêng những hoạt động đó thì không đủ để chữa lành thực sự cho chúng ta. Nỗi đau của chúng ta vẫn còn đó, nó chỉ đang tạm thời nằm im khi chúng ta say mê trong hoạt động yêu thích của mình. Nhưng chỉ cần ai đó hay có điều gì đó gợi ra ký ức cũ hay người cũ là nỗi đau sẽ sống dậy, làm chúng ta nhức nhối như thể chúng ta vừa mới đau.
Khi nào ta biết rằng nỗi đau của mình đã được chữa lành thực sự?
Theo nữ giáo viên, tác giả, diễn giả truyền động lực người Mỹ Louise L. Hay (1926-2017): "Chỉ khi chúng ta tha thứ cho người khác, chúng ta mới bắt đầu được chữa lành".
Trong cuốn sách Bốn thỏa ước, tác giả Don Miguel Ruiz cũng khẳng định điều tương tự: "Tha thứ là cách duy nhất để chữa lành vết thương".
Theo Don Miguel Ruiz, chúng ta cần tha thứ cho những người khác và cho chính mình.
Việc tha thứ giúp chúng ta giải phóng nỗi đau, là hành động chúng ta làm vì chính mình, cho mình, chứ không phải vì những người khác, cho người khác.
Từ trải nghiệm của mình, tôi hiểu được rằng chữa lành là công việc của cá nhân mỗi chúng ta, chỉ chúng ta mới có thể chữa lành được cho mình.
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ "muốn đi chữa lành" của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận