TTCT - Dù là với nước giàu hay nghèo, đó luôn là một vấn đề gây rất nhiều tranh cãi. Làm việc đến kiệt sức và tử vong là điều không hiếm ở Nhật Bản Bảo vệ giới chủ và chống tự sát vì làm việc quá sức Ở Mỹ, một trong những di sản đầu tiên bị thách thức của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama là một dự luật về tăng lương cho người lao động làm thêm giờ. Ở Nhật Bản, tình trạng làm việc quá sức đã làm dấy lên những đòi hỏi về việc hạn chế người lao động ở lại sau 8 giờ vàng ngọc. Ở Philippines đang có một cuộc vận động về số giờ làm tăng ca tối thiểu, và ở Thái Lan các quy định này rất ngặt nghèo. Cuối tháng 11-2016, một tòa án liên bang ở Texas (Mỹ) đã bác bỏ một nghị định của Bộ Lao động nhằm cải thiện điều kiện cho người lao động làm thêm. Hai năm qua, các tòa liên bang Mỹ đã liên tục ra các phán quyết làm xói mòn mong muốn hỗ trợ người lao động làm quá giờ này của ông Obama, với việc bác bỏ 5 nghị định, sắc lệnh hành pháp, hay bản hướng dẫn của các cơ quan liên quan tới tăng thêm tiền lương hoặc quyền hạn cho người lao động làm tăng ca. Mỹ là một quốc gia rất đặc thù trong vấn đề pháp luật lao động, nơi tư tưởng thị trường tự do áp đảo và việc bảo vệ tinh thần doanh nhân - một cách diễn đạt khác về giới chủ sử dụng lao động - thường thắng thế trước những đòi hỏi của các tổ chức công đoàn. Xu thế đó được dự báo sẽ còn tăng mạnh dưới quyền một tân tổng thống - tỉ phú như ông Donald Trump. Những vấn đề làm thêm giờ, lương tối thiểu và mức độ tự do của chủ lao động thường xuyên gây tranh cãi dữ dội trên chính trường Mỹ và làm bùng lên tranh luận gay gắt giữa các trường phái kinh tế học ở nước này. Trong khi ở thái cực khác, Thụy Điển chẳng hạn, quy định rõ ràng thời gian làm việc chính thức là 40 tiếng mỗi tuần, 25 ngày nghỉ có trả lương mỗi năm, 16 ngày nghỉ lễ chính thức và 6 ngày nghỉ thực tế (thường là nghỉ nửa buổi). Thụy Điển không quy định thời gian làm thêm tối đa với người lao động, nhưng dùng một biện pháp mềm rất hữu hiệu: luật yêu cầu chủ lao động phải trả 50-100% mức tiền lương trong giờ làm tăng ca so với giờ làm chính. Nhật Bản là một trường hợp lý thú nữa của việc làm thêm giờ, khi các công nhân mẫn cán ở nước này khiến nhà nước phải can thiệp để họ làm việc bớt đi. Japan Times cho biết cứ bốn công ty Nhật Bản thì có một công ty thừa nhận một số nhân viên của họ làm việc thêm hơn 80 tiếng mỗi tháng, ngoài thời gian chính thức! Tình hình nghiêm trọng tới mức năm 2015, chính quyền đã phải lần đầu tiến hành nghiên cứu để ra sách trắng về hiện tượng “karoshi”, từ tiếng Nhật chỉ riêng hiện tượng làm việc quá sức dẫn tới tử vong. Sách trắng này cũng là đầu tiên trên thế giới, thăm dò hơn 1.700 công ty và gần 20.000 nhân viên. Nhật Bản cũng đã phải ra một đạo luật riêng để ngăn chặn hiện tượng karoshi vào tháng 11-2014. 96 ca tử vong liên quan tới trụy tim và làm việc quá sức đã được báo cáo trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2015. Thống kê của Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho thấy hơn 2.100 người đã tự sát liên quan tới công việc trong năm 2015. Để đối phó, chính quyền Nhật Bản đã phải đưa ra cả một nghị trình dài hơi tới năm 2020 nhằm giảm tỉ lệ người lao động làm nhiều hơn 60 tiếng một tuần xuống còn 5% lực lượng lao động, và làm sao để họ sử dụng ít nhất 70% các ngày nghỉ phép! Người lao động ở Nhật Bản hiện được nghỉ có lương trung bình 18,5 ngày mỗi năm, thấp hơn 2 ngày so với mức trung bình của thế giới, theo The Guardian, nhưng Bộ Lao động nước này cho biết một người lao động điển hình chỉ sử dụng một nửa số ngày nghỉ trong đó: 9 ngày. Lề lối làm việc không biết thương tiếc của người Nhật có thể đã góp phần giúp nước này thành một siêu cường kinh tế, nhưng cũng để lại rất nhiều hậu quả xã hội tai hại như dân số già hóa nhanh chóng, sức ép cuộc sống và công việc quá lớn... Một mức trần rõ ràng về giờ làm thêm Hoặc đã thấy trước viễn cảnh đó của Nhật Bản, hoặc bản thân nền văn hóa không phải kiểu làm việc cố sống cố chết như thế, hầu hết các nước Đông Nam Á đều quy định về giờ làm thêm theo hướng ưu tiên cho người lao động. Ở Thái Lan chẳng hạn, quy định về thời gian làm thêm rất rõ ràng: không được nhiều hơn 36 tiếng mỗi tuần. Chủ lao động cũng bị cấm ép người lao động làm thêm và sẽ phải trả lương cao gấp 1,5 lần bình thường cho việc tăng ca, và gấp 3 lần nếu là đi làm vào các ngày lễ. Tại Singapore, số giờ làm thêm tối đa được phép mỗi tháng còn thấp hơn: 72 tiếng, tức xấp xỉ 18 tiếng mỗi tuần. Chủ lao động nào muốn yêu cầu người lao động làm hơn 12 tiếng mỗi ngày (nhưng không được quá 14 tiếng) sẽ phải nộp đơn xin xem xét cho từng trường hợp. Về cơ bản, lương khi làm tăng ca của người lao động Singapore cũng được quy định phải cao hơn lương bình thường 1,5 lần, và Bộ Nguồn nhân lực Singapore có cả một trang web riêng để giúp người lao động tự tính thu nhập làm thêm của họ (http://www.mom.gov.sg/employment-practices/salary/calculate-overtime-pay). Ở Philippines, một quốc gia theo mô hình Mỹ, cũng không có quy định về thời gian làm thêm tối đa với người lao động, nhưng nhiều nhà hoạt động đang kêu gọi chính phủ phải sớm luật hóa điều này để tránh tình trạng bóc lột người lao động quá mức. Hiện luật lao động Philippines cũng điều chỉnh mức lương làm thêm của người lao động khá khiêm tốn: tăng 25% với việc làm quá giờ và 30% vào ngày lễ. Rốt cuộc, không ít nước giàu hiện giờ từng phải vắt kiệt sức lao động của con người để công nghiệp hóa, nhưng câu hỏi lớn là với tất cả những điều kiện cải thiện năng suất của thời hiện đại, liệu chính quyền ở các nước đang phát triển hiện nay có nhất thiết cứ phải đi theo con đường mồ hôi nước mắt đó?■ Tags: Làm thêmLàm thêm giờThế nào là đủ
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Tuyển futsal nữ Việt Nam: Sau ngôi nữ hoàng là giấc mơ World Cup NGUYÊN KHÔI 23/11/2024 Đánh bại tuyển futsal nữ số 1 châu Á Thái Lan để lần đầu bước lên ngôi nữ hoàng khu vực, tuyển futsal nữ Việt Nam thêm tự tin hướng đến việc giành vé dự World Cup nữ futsal 2025.