Đơn cử là câu chuyện của môn bắn súng. Dù luôn là niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam khi tham dự các kỳ đại hội lớn, nhưng bắn súng lại khó lòng trở thành môn thể thao phát triển phong trào toàn diện.
TP.HCM cũng có CLB bắn súng
TP.HCM nhiều năm qua vẫn có một địa điểm để giới trẻ tiếp cận môn bắn súng, đó là CLB Sài Gòn Sniper ở quận 1. Ra đời được 12 năm, mỗi năm CLB này tiếp đón hơn chục ngàn lượt khách đến trải nghiệm, trong số đó có cả du khách quốc tế. CLB hoạt động dưới tôn chỉ biến bắn súng trở thành một môn thể thao giải trí rộng rãi cho người dân.
Anh Trần Khắc Đang, thành viên ban quản lý CLB, chia sẻ: "Những ngày đầu, bắn súng vẫn còn mới lạ, khó tiếp cận với mọi người. Chúng tôi phải kiên nhẫn giữ vững những quan điểm nói trên để qua nhiều năm mới thuyết phục được thêm càng nhiều người dân tham gia, mở rộng đối tượng.
Người chơi ban đầu đến vì tò mò cảm giác cầm thử khẩu súng. Và mục tiêu của chúng tôi là giúp người chơi hiểu được bắn súng cũng là một môn thể thao rèn luyện cơ thể như các môn khác, cùng với đó là yếu tố xả stress, thư giãn, giải trí hội nhóm...".
Vì là CLB bắn súng hiếm hoi ở TP.HCM, thậm chí cả nước, Sài Gòn Sniper nhận được không ít ủng hộ. Nhưng CLB cũng đối mặt không ít khó khăn, từ cách thức quản lý cho đến trang thiết bị.
"Muốn xã hội hóa môn này phải có sự quản lý của Nhà nước. Ở TP.HCM, từ bộ môn bắn súng, Liên đoàn Bắn súng và Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM là những đơn vị sẽ tham gia quản lý, đảm bảo hoạt động đúng theo pháp luật cũng như chủ trương xây dựng phong trào, giới thiệu đến cộng đồng với mục tiêu phát triển chung.
Nói đến thiết bị, đây thực sự là vấn đề chung giữa chuyên nghiệp và phong trào xã hội hóa. Những cây súng phong trào thường được lấy từ những súng đã tập luyện chuyên nghiệp. Điều này khiến độ chính xác sẽ giảm xuống.
Một khẩu súng có giá trung bình hơn 100 triệu đồng, một bộ đồ bảo hộ đầy đủ giá dao động từ 50 - 250 triệu đồng. Nói chung chúng ta vẫn đang ở bước giới thiệu bộ môn đến cộng đồng", anh Đang kể.
Quản lý rất phức tạp
Ông Nguyễn Hoàng Nam - ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Bắn súng TP.HCM, HLV và VĐV bắn súng đĩa bay - chia sẻ thêm: "Dù môn bắn súng là thế mạnh của Việt Nam, nhưng chúng ta đang bị eo hẹp về tài nguyên cho bộ môn này. Ngoài ra, với bộ môn bắn súng đĩa bay dùng đạn nổ, về mặt quản lý nhà nước thì đây là loại đạn nguy hiểm, gây sát thương lớn nhưng tính về mặt thể thao sẽ phải khác đi".
Vì thể thao có hệ thống quản lý riêng nên các VĐV khi tập luyện phải ở trong môi trường khép kín, có các quy tắc quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. Trong trường bắn luôn phải làm rất kỹ khâu quản lý từ số lượng súng, đạn trước và sau khi tập, thi đấu.
Kiểm kê, thu hồi đúng số lượng và có sự giám sát. Những người làm môn bắn súng cũng hiểu được các quy tắc an toàn, không để lọt trang thiết bị ra ngoài vì không thể biết ra bên ngoài sẽ được sử dụng với mục đích gì.
Những VĐV đều phải học và được cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí thể thao của Bộ Công an. Quá trình học để được cấp chứng nhận không lơ là được vì nó rất quan trọng. Các VĐV còn phải hoàn thành chương trình huấn luyện, sử dụng vũ khí.
Sau khi học xong mới được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp chứng nhận có thời hạn 3 năm. Bất kỳ ai cũng phải 3 năm/lần trải qua chương trình huấn luyện để có giấy chứng nhận. Những điều kiện chặt chẽ này khiến bắn súng khó có thể phát triển rộng trong cộng đồng.
Ông Nam cho biết thêm, ở nhiều quốc gia, mỗi viên đạn chỉ có giá khoảng 10.000 đồng. Nhưng khi về đến Việt Nam, do nhiều loại chi phí nên giá thành tăng lên 20.000 - 30.000 đồng. Đây cũng là một trở ngại cho người chơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận