Ngoài những vết bầm có nguồn gốc rõ ràng, thi thoảng sáng thức dậy ta bỗng dưng thấy mình cưu mang một vết bầm vô thừa nhận mà ông bà xưa gọi là “ma cắn”.
Đa phần chỉ là những vết bầm đến từ một chấn thương nhẹ nên cách xử lý thường đơn giản: hoặc để mặc chúng tự đến rồi đi, hoặc nếu cần cũng có cách “đuổi khéo” chúng nhanh hơn.
Vết bầm thực chất là vệt máu tụ dưới da do vỡ mạch máu vì va chạm. Đám hồng cầu “ly loạn” này sẽ sớm hợp rồi tan, nhưng đợi đến lúc tan cũng mất ít nhất một tuần. Với những ai mà sự toàn vẹn làn da có thể “quy ra thóc” như người mẫu, diễn viên, phát thanh viên... thì bảy ngày bị “đóng dấu” sẽ là một thất thu lớn về tinh thần lẫn vật chất. Ngay cả một bà nội trợ bình thường cũng chẳng muốn lưu giữ một vết bầm quá lâu ,nhất là ở những vị trí nhạy cảm có thể gây hiểu lầm bị chồng “cho ý kiến chỉ đạo” nặng tay.
Muốn tiễn nhanh vết bầm, cần ra tay sớm ngay từ lúc mới va vào cạnh bàn bằng cách chườm lạnh (cho nước đá vào túi nilon hoặc dùng túi chườm y tế) vào vị trí điểm. Nước đá làm co mạch, giúp chặn dòng máu, thu hẹp quy mô vết bầm. Dù thế nào, hôm sau một vết bầm mờ mờ nhân ảnh cũng hiện ra, lúc này chiến thuật thay đổi không chườm lạnh nữa mà chuyển sang chườm nóng (cho nước nóng vào chai để lăn hoặc dùng túi chườm, dầu nóng, dầu gió). Mục tiêu lúc này không còn “diệt viện” mà chuyển hẳn sang “công đồn”, tức giải tỏa nhanh tụ máu tại chỗ. Ngoài ra bạn có thể kết hợp thêm xoa bóp, nằm gác chi (có vết bầm) lên cao, hoặc dùng viên vitamin C hỗ trợ việc đưa “mô mềm” đến choán chỗ, đẩy đuổi vết bầm nhanh rời chỗ tá túc của nó.
Sau cùng, nếu những vết “ma cắn” có tần suất xuất hiện quá dày thì có thể bạn cần xin một cái hẹn với bác sĩ để tìm hiểu vấn đề đông máu hay thành mạch, chứ không thể thản nhiên rung đùi ngồi nhìn sự hợp tan của chúng bình thường được nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận