27/08/2022 09:49 GMT+7

'Lâm tặc' dưới đáy đại dương

HẢI LUẬN
HẢI LUẬN

TTO - Phải mất rất nhiều năm đại dương mới kiến tạo được rạn san hô để trở thành "linh hồn" của biển và làm nhà cho tôm cá trú ngụ, sinh sản. Vậy mà có sự tàn sát san hô, bày bán giống như "chợ" dọc quốc lộ 1, đầy trên các trang thương mại điện tử.

Lâm tặc dưới đáy đại dương - Ảnh 1.

Đau xót san hô cành dưới đáy biển bị đào bán bên quốc lộ 1A (đoạn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) - Ảnh: HẢI LUẬN

1,5 triệu đồng

Đó là giá rao bán một bụi san hô lớn.

Nhiều người đã ngậm ngùi ví von "nạn tàn sát san hô chẳng khác gì lâm tặc phá rừng dưới đáy biển". Nếu việc ngăn chặn phá rừng trên bờ đang khó khăn, thì dưới biển như khó hơn. Xe máy tôi chạy chậm chậm qua đoạn quốc lộ 1, giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nhìn thấy dọc hai bên đường người ta bày bán công khai đầy san hô lớn nhỏ các loại.

Một tháng cung ứng đủ 5 tấn san hô cành

"Loại san hô cành bụi nhỏ này em bán 40.000 đồng/kg. Còn những bụi lớn ở trên kệ em bán 1,5 triệu đồng/bụi, loại này khó kiếm, nên giá hơi cao. Chỗ em bán giá mềm, vì chồng em chuyên đi lặn khai thác ngoài biển mang về phơi khô, xịt nước tẩy trắng mới ra hàng đẹp như thế này" - một bà ở thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, tỉnh bơ mời chào mua san hô.

Bà ta đang giới thiệu bán đủ loại san hô, thì ông chồng đi ra hỗ trợ vợ chào khách.

- Đang cần mua số lượng lớn san hô xuất bán sang Trung Quốc, không biết đáp ứng được mức nào? - tôi thử hỏi.

- Em thường đóng thùng san hô cành gửi theo xe khách ra miền Bắc, dân ở ngoài đó chơi cũng nhiều - người chồng trả lời.

- Chừng này san hô sao đủ tôi chở một xe?

- Anh đi theo em ra sau vườn xem san hô, hôm trước em mới đi lặn về một ghe.

Một bãi san hô cành đã xịt tẩy trắng phơi trên nền đất, có 4 hồ lớn và 3 thùng phuy nhựa đang ngâm san hô mới khai thác về chờ xử lý. "San hô ở gần bờ vùng biển Cà Ná và Vĩnh Tân đã cạn kiệt rồi, anh hình dung xem dân ở đây đào lấy mấy chục năm nay rồi, chỉ còn sót lại san hô chết. 

Bọn em phải đi xa khai thác mới có loại san hô cành này. Một tháng em vẫn cung ứng đủ 5 tấn san hô cành, em sẽ kêu thêm đám bạn lập băng vào lặn khu bảo tồn, bao nhiêu cũng có. Anh em mình lấy số điện thoại để tiện liên lạc" - ông chồng cho tôi số điện thoại và mau mắn nói ra những bí mật trong nghề.

Sau khi "xã giao" trao đổi về phương thức thanh toán và kích cỡ loại san hô cần mua, ông ta tưởng đang gặp mối lớn nên nói ra những mánh khóe dưới đáy biển:

- Nếu anh cần loại san hô cây tán rộng, thân nhỏ đẹp, giá đắt chút xíu, đặt cọc trước cho em khoảng 40% tiền mua, để bọn em lấy khí thế vào "đánh" ở Khu bảo tồn biển Hòn Cau nó nằm trước mặt, nhìn ra thấy rõ. 

Còn xuống Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa được xem là "đệ nhất động" san hô. Ở khu bảo tồn biển phải tập kích vào ban đêm, đội đèn pha nhìn rõ như ban ngày, trên bờ nhìn xuống giống như đi lặn bắt cá. Em đã đi làm mấy lần ở dưới Núi Chúa rồi, san hô dày như lúa trên ruộng.

- Nếu đi số lượng lớn có an toàn không? - tôi thử hỏi.

- Anh thấy cả xóm bày san hô bán bên đường suốt 20 năm nay có sao đâu. Để anh yên tâm, em sẽ đóng thùng sẵn, ban đêm ôtô đưa hàng lên, anh thanh toán hết số tiền.

Đoạn quốc lộ 1 dài khoảng 2km, cả thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân (Bình Thuận) và thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận có rất nhiều điểm bán san hô cành, đá san hô, gạc san hô, nhộn nhịp giống như "chợ" san hô. Phía xã Vĩnh Tân có gần 15 điểm bán san hô các loại. 

Đa số các loại san hô ở đây được bán tại chỗ và đóng bao, thùng gửi ôtô đi các nơi, trong đó có những đại lý bán san hô qua sàn thương mại điện tử.

Lâm tặc dưới đáy đại dương - Ảnh 3.

Bức tử những bụi san hô tuyệt đẹp - Ảnh: HẢI LUẬN

Triệt hạ "ngôi nhà" sinh vật biển

Nếu ai đó đã từng lặn xuống quan sát thực tế tại các rạn hô dưới đáy biển, sẽ thấy chức năng của rạn san hô giống như rừng nguyên sinh ở trên cạn. Rạn san hô là nơi cư ngụ, sinh sản, "kho" lưu giữ và cung cấp nguồn giống thủy sản cho cả vùng biển rộng lớn.

Vùng biển Ninh Thuận có Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa. Còn Khu bảo tồn biển Hòn Cau ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cả hai khu bảo tồn biển này giống như bảo vật quý giá của quốc gia và thế giới. Trung tuần tháng 8-2022, tôi có chuyến đi thực tế ở Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa.

"Ban đêm, tôi đi bắn cá bằng mũi tên, thi thoảng vẫn gặp mấy người lạ đến khai thác trộm san hô cành ở dưới rạn san hô Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa. Khu bảo tồn biển này mà không giữ kỹ, vài năm nữa san hô sẽ cạn kiệt" - ông T.C.N., xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, nói lên sự thật mắt thấy tai nghe về lâm tặc dưới đáy biển.

Trong khi đó, phó giáo sư Nguyễn Tác An - nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - đau xót: "Tàn phá san hô dưới đáy biển giống như triệt hạ ngôi nhà của sinh vật biển. Cần có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng phá san hô ở dưới đáy biển, có như vậy mới bảo vệ "nguồn vốn" khổng lồ cho ngành du lịch và khai thác thủy sản", bài học còn nóng hổi ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), vùng san hô lớn của miền Trung. 

Từ những năm 1990 - 2000, người dân cũng đào phá san hô ở Hòn Mun đưa vào bờ, bày bán cho khách du lịch giống như nhiều nơi khác. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa giật mình nhìn thấy việc tàn phá san hô giống như đạp "nồi cơm" của chính dân mình đang ăn. Và chính quyền tỉnh đã cương quyết chấn chỉnh tình trạng này.

Hãy bảo vệ các rạn san hô, ngôi nhà dưới biển, trước khi quá muộn. Bởi sự tàn phá thì nhanh, nhưng việc tạo lập lại rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Lâm tặc dưới đáy đại dương - Ảnh 4.

Các loại san hô phơi khô, đóng bao chuẩn bị bán

Cần thực thi nghiêm quy định pháp luật

"Ngày 1-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam.

Thủ tướng đã chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, chính quyền địa phương trước sức ép doanh nghiệp gia tăng khai thác du lịch, người dân khai thác rạn san hô, đánh bắt các nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt ở các khu bảo tồn biển.

Chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần thực thi nghiêm các quy định pháp luật để bảo vệ các rạn san hô, khu bảo tồn biển" - phó giáo sư, tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết.

Ông Trần Văn Tiếp, giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), nêu vấn đề thực tiễn: "Vườn quốc gia Núi Chúa đã phối hợp với đồn biên phòng Vĩnh Hải thường xuyên tuần tra, bảo vệ khu bảo tồn biển. Nhiều người dân trong vùng đã tình nguyện vào đội tự nguyện bảo vệ môi trường sinh thái, rạn san hô, rùa biển... nhưng không thể cấm hết người dân vào tìm sinh kế ở khu bảo tồn biển được.

San hô dưới đáy biển cũng giống như rừng trên núi. Rừng trên bờ đã có Luật bảo vệ và phát triển rừng với những quy định rõ ràng về các hành vi phá hoại. Còn rừng dưới đáy biển là rạn san hô, thảm thực vật cỏ biển... chưa có luật nào quy định riêng. Trong các văn bản pháp luật hiện hành, quy định về bảo vệ khu bảo tồn biển, rạn san hô còn chung chung, rất khó áp dụng vào thực tế".

Những người dạy lặn dưới đáy biển Những người dạy lặn dưới đáy biển

TTO - Có lần một thuyền trưởng chở du khách lặn ở Hòn Mun (Khánh Hòa), thấy con mực đang bơi liền dùng vợt chụp rồi luộc ăn. Người khách nước ngoài nói: Tôi bỏ tiền để xem sinh vật cảnh dưới biển, không phải để xem cuộc sống hoang dã của ông.

HẢI LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên