Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 24-7, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết hiện dự án xây dựng đường Lương Định Của đã làm xong các vị trí có mặt bằng, hoàn thành khoảng 85%.
Tuy nhiên, từ ngày 15-6 đến nay lại tạm dừng thi công do phải chờ được giao hết các mặt bằng còn lại.
Mặt bằng dự án xây dựng đường Lương Định Của có 2 phần, 1 phần do UBND TP Thủ Đức quản lý, làm chủ đầu tư (phía bên phải đường Lương Định Của, hướng Trần Não đi Mai Chí Thọ).
Đến nay, hầu hết diện tích đã được bàn giao hết, chỉ còn 1 hộ chưa bàn giao (thuộc dự án 131ha), 1 hộ thuộc diện lấn chiếm đất công.
Ở phía đối diện, cũng còn một vị trí nhà dân chưa bàn giao mặt bằng (do Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Trường Thịnh làm chủ đầu tư).
Hiện TP Thủ Đức đã yêu cầu, đốc thúc chủ đầu tư của các dự án thu xếp kinh phí chi trả, bàn bạc, tổ chức vận động các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
"Chúng tôi đã kiến nghị TP Thủ Đức giao các mặt bằng còn lại vào cuối tháng 7. Sau khi được bàn giao, nhà thầu sẽ đẩy nhanh tốc độ xây dựng để kịp tiến độ.
Riêng đoạn từ đường Nguyễn Hoàng đến Mai Chí Thọ (thuộc dự án đường Lương Định Của) sau này sẽ được thi công cùng với nút giao An Phú, do dự án nút giao có một nhánh đi từ hướng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về hướng đường Nguyễn Hoàng", đại diện Ban Giao thông nói.
Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Mai Chí Thọ) có chiều dài 2.459m, mặt cắt ngang khi hoàn thành 30m, 6 làn xe cùng hệ thống thoát nước, dải phân cách, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật...
Khởi công từ tháng 4-2015, đến tháng 12-2020 dự án hoàn thành 60% khối lượng, nhưng sau đó phải ngừng thi công vì vướng mắc khó khăn giải phóng mặt bằng.
Đến tháng 5-2022, đoạn từ nút giao Trần Não đến đường Nguyễn Hoàng (khoảng 2km) được thi công trở lại.
Vòng xoay đường Lương Định Của lớn hơn 100m
Hiện tai, vòng xoay nút giao đường Lương Định Của - Trần Não đã được xây dựng hoàn thành cơ bản. Trước đây khu vực này chỉ là một ngã tư nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe và ngập nước.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, vòng xoay có đường kính hơn 100m, khi hoàn thành thông suốt dự án sẽ góp phần cải thiện giao thông, chỉnh trang đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận