Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Ngyễn Văn Thủy - giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu trung ương - cho hay theo từng thể trạng, cơ địa, việc ngộ độc rượu hay say rượu sẽ có nhiều mức độ khác nhau.
Khi uống rượu bia, chỉ có khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu, 90% còn lại đi thẳng qua gan. Nếu tần suất uống rượu bia nhiều, dần dần gan sẽ bị tổn thương do phải làm việc liên tục để đào thải độc tố ra ngoài.
Hơn nữa, nếu uống nhiều rượu, bia hoặc uống trong thời gian dài liên tục có thể dẫn đến các bệnh như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, suy tim, bệnh huyết áp…
Đối với người say rượu, biểu hiện nhẹ có thể xảy ra như không kiểm soát được cảm xúc, dễ nổi giận, chóng mặt, hoa mắt, đi không vững. Người có biểu hiện say rượu ở mức độ này chỉ cần nghỉ ngơi, sau khi nồng độ cồn trong cơ thể đào thải và giảm dần sẽ tỉnh táo.
Những trường hợp uống quá nhều, quá mức đáp ứng của cơ thể có thể xảy ra tình trạng ngộ độc rượu. Biểu hiện của ngộ độc rượu nặng là nôn nhiều, vã mồ hôi, giảm ý thức, thậm chí hôn mê. Nhiều trường hợp tím tái, vệ sinh không tự chủ… Những trường hợp này cần đưa đến bệnh viện để xử lý kịp thời.
Bác sĩ Thủy cũng khuyến cáo người dân chỉ nên uống dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Trong đó, một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).
Để giảm say, trước khi uống rượu nên ăn uống đầy đủ, có thể ăn thêm tinh bột, các thức ăn giàu lipid…, việc này có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu rượu vào cơ thể. Sau khi tỉnh rượu cũng nên ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, có đường, đầy đủ dinh dưỡng đề hồi phục sức khỏe.
"Đối với những người sử dụng nhiều rượu, bia, khi thấy họ có biểu hiện như nói không rõ, ú ớ, gọi không phản ứng, thở yếu, tím tái, bất tỉnh, chân tay lạnh…cần đưa ngay đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời", bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thủy cũng cảnh báo sau khi uống rượu không nên tắm gội, cởi áo trong thời tiết lạnh để phòng tránh nhiễm lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận