19/09/2017 14:46 GMT+7

Làm sao tránh mua nhầm mỹ phẩm kém chất lượng?

QUANG ĐẠT
QUANG ĐẠT

TTO - Làm sao phân biệt mỹ phẩm giả? Khó nhưng không phải không có cách. Con số 179 vụ mỹ phẩm giả bị chi cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý từ đầu năm cho thấy tình trạng hỗn loạn của nhóm mặt hàng này.

Làm sao tránh mua nhầm mỹ phẩm kém chất lượng? - Ảnh 1.

Người dùng nên đọc kỹ các thông tin sản xuất của các loại mỹ phẩm để tránh mua phải những mỹ phẩm kém chất lượng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Làm giả từ thương hiệu sản phẩm cho đến mập mờ nguồn gốc, mỹ phẩm đang tạo nên bức tranh bán lẻ khá xấu xí tại chợ truyền thống và cả chợ… online.

Hàng Hong Kong không phải Trung Quốc

"Trị mụn hay trị thâm, nám hả em" – vừa bước đến một sạp mỹ phẩm tại chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình), người bán đã nhanh nhẹn chào mời. Sau khi nghe chúng tôi giải thích cần mua một số sản phẩm chống lão hóa, trị nám. 

Yến – nhân viên bán hàng tiếp tục giới thiệu: "Hiện trị nám có một số sản phẩm xuất xứ Hong Kong, hàng bán rất chạy, dùng chỉ hai tuần là thấy thay đổi trên da liền. Cái này là hàng Hong Kong nha, không phải hàng Trung Quốc đâu mà mấy chị lo". 

Một lọ kem nám được rao giá 330.000 đồng và chủ shop đưa ra lời khuyên mua thêm kem dưỡng, làm trắng da thì mới đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, tìm mỏi mắt chúng tôi cũng không thấy được tem, nhãn phụ cũng như thành phần sản phẩm ở đâu.

Dạo quanh nhiều chợ như Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), Xóm Chiếu (Q.4)… không khó để nhận ra các sản phẩm chăm sóc da đủ chủng loại, được giới thiệu ngút trời với nhiều thành phần quý hiếm như nhân sâm, hồng sâm, linh chi, thảo dược… có giá dao động từ 200.000 – 550.000 đồng với rất nhiều tác dụng như trị thâm, chống nhăn, chảy sệ, giảm nám… được quảng bá xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan đều có hết. Khi chúng tôi yêu cầu được xem giấy tờ nhập khẩu, hay chứng minh nguồn gốc các sạp này đều "đánh trống lảng" hoặc trả lời: không cho khách xem được.

Thị trường chợ truyền thống sôi động là vậy, buôn bán xách tay trên mạng còn rầm rộ gấp trăm lần với đủ các chiêu thức bán hàng khác nhau. 

Chỉ cần gõ tìm kiếm mỹ phẩm SK II, sẽ thấy xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm được các shop đua nhau chào mới. Lấy đại diện một mặt hàng được đồn đoán "nước thần" SK II Facial treatment Essence 230ml, riêng mặt hàng này có thể thống kê ra được hàng chục mức giá khác nhau. 

Thấp nhấp là 2,5 triệu đồng/chai, cao hơn tới 6 triệu đồng/chai nước dưỡng cho da mặt, các mặt hàng của cùng nhãn hiệu này cũng có giá từ 2 triệu cho tới 5 triệu đồng/sản phẩm. 

Tuy nhiên, mức giá mà SK II công bố cũng như phân phối tại các thị trường đều có mức giá cao hơn hẳn. Tại thị trường Mỹ, đơn vị phân phối độc quyền được phép bán sản phẩm Essence với giá 229$/chai (tương đương hơn 5 triệu đồng/chai), hàng loạt thị trường gần Việt Nam như Hong Kong, Thái Lan, Trung Quốc… mức giá rẻ hơn nhưng dao động từ 4 triệu trở lên.

"Mình được mối quen trên mạng giới thiệu bộ SK II đầy đủ với 5 sản phẩm, giá bán 6,7 triệu đồng. Tuy nhiên, so sánh giá ở nhiều cửa hàng, bộ này mua đủ phải gần 12 triệu, không hiểu tại sao lại có thể rẻ được như vậy" – Lan Anh, giáo viên trường Quốc tế (Q. Phú Nhuận) kể.

Hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng như Estee Lauder, SK II, Ohui, Lancome…đang được các trang mạng giới thiệu với rất nhiều mức giá "rẻ không tưởng". Chưa kể, các mẫu thử, của các nhãn hàng này cũng được rao sỉ từ vài chục tới vài trăm lọ, giá dao động từ vài chục tới vàn trăm ngàn.  

Xách tay ở đâu nhiều thế?

Thành Phạm – du học sinh tại Mỹ (chuyên làm hàng xách tay cho các shop ở Việt Nam) cho biết, mỹ phẩm là một trong những nhóm hàng khó phân biệt hàng giả, nhái nhất vì trình độ sản xuất hiện nay rất tinh vi. 

"Mọi người cứ hay nghĩ, gắn mác Mỹ, Úc hay Nhật, Hàn không có hàng giả, ở đâu cũng có đối tượng sản xuất hàng giả "cao cấp" và bỏ mối cho các nhà buôn ở quốc gia khác" – Thành kể.

Lấy một ví dụ đơn giản, theo thành các nhãn hàng mỹ phẩm cao cấp thông thường sẽ niêm yết giá cố định và hiếm khi sale. Với mỗi đợt giảm giá, giá trị khách hàng nhận được là một sản phẩm cùng nhãn chứ ít khi giảm giá trực tiếp trên sản phẩm. 

Nhưng không hiểu tại sao ở Việt Nam, giá rẻ đến phân nửa so với mua trực tiếp tại các shop, thậm chí các dạng mẫu thử, chai lọ nhỏ dùng để khuyến mãi lại nhiều vô kể, bán buôn, bán sỉ tới cả ngàn lọ.

Tương tự, Đoàn Đào (chuyên hàng xách tay Mỹ) trên Facebook nói, hàng mỹ phẩm khi nhập, kể cả nhập xách tay cũng chịu phí tương đối cao từ vận chuyển vì dạng lỏng, dung tích lớn sẽ khiến giá bị đội lên.

 "Phần lớn các shop hiện sẽ tranh thủ gom hàng từ các đợt giảm giá chớp nhoáng, tuy nhiên số lượng cũng bị các nhà phân phối hạn chế chứ không thể hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm được" – Đoàn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bách - Chi cục trưởng, Chi cục quản lý thị trường TP.HCM, khó khăn lớn nhất cho cơ quan quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả là sự đối phó của người kinh doanh. 

Phần lớn các cửa hàng có bán mỹ phẩm giả đều đối phó bằng cách chỉ trưng bày một vài sản phẩm loại này, hoặc có khi mẫu trưng bày chỉ là bao bì ngoài không có thành phẩm bên trong, khi có đặt hàng người bán sẽ điện thoại cho người nhà đi lấy từ nơi khác để giao hàng. 

Điều này đã làm giảm hiệu quả kiểm tra của cơ quan chức năng. Vì nếu có phát hiện thì hàng hóa cũng rất ít, hoặc chỉ là bao bì rất khó xử lý. Chưa kể, kinh doanh qua mạng xã hội lại càng phó phát hiện, khó xử lý.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hệ thống cảnh báo an toàn mỹ phẩm trong nước, hệ thống các phòng thí nghiệm kiểm định chưa đáp ứng được yêu cầu... 

Hầu hết các thông tin cảnh báo an toàn về các sản phẩm mỹ phẩm có chứa độc tố, tiềm ẩn mối nguy gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng cho đến nay đều chỉ được biết đến qua phát hiện của báo chí, thông qua cảnh báo từ các phương tiện thông tin của nước ngoài…

Theo các chuyên gia, nhiều loại hóa chất được đưa vào mỹ phẩm hiện nay như thủy ngân vượt mức 1mg/1kg cơ thể sẽ gây ra rất nhiều tác hại như giảm trí nhớ, sẩy thai, khuyết tật… chưa kể các tác hại trước mắt như hư hỏng da, phát mụn toàn mặt, thay đổi tình trạng da. Sử dụng thời gian dài sẽ khiến da bị yếu, hư hỏng nếu không được điều trị.

Mỹ phẩm giả tràn lan

Theo thống kê của Chi cục quản lý thị trường TP.HCM, từ đầu năm 2017 đến nay đã kiểm tra 180 vụ về mỹ phẩm giả thì có 179 vụ vi phạm. Trong đó có nhiều loại hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, kinh doanh hàng không công bố tiêu chuẩn…

QUANG ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên