Làm sao thoát nỗi lo "nghèo truyền kiếp"?

THIÊN DI 04/03/2014 21:03 GMT+7

TTCT - Đúng vào năm kết thúc hạn kỳ “Mục tiêu thiên niên kỷ”, mà mục tiêu thứ nhất là xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói vào năm 2015, đang dấy lên những trăn trở làm sao nâng hiệu quả chính sách giảm nghèo, xóa đi một trong những lo lắng nhất về cái “nghèo truyền kiếp”.

Một người làm nghề bơm xe đạp nghỉ trưa trên hè phố Hà Nội - Ảnh: Lê Bích

Ngày 20-2, báo cáo trước Ban Chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết kết quả giảm nghèo của cả nước và từng địa phương “cơ bản đạt được mục tiêu đề ra”. Theo đó, bình quân số hộ nghèo giảm 2% mỗi năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân trên 5%/năm.

Tuy nhiên, kết quả giảm chưa đồng đều, chưa vững chắc. Địa bàn các xã nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 50% trong tổng số hộ nghèo cả nước. Đặc biệt, tỉ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hằng năm còn cao. “Bình quân cứ ba hộ thoát nghèo thì có một hộ tái nghèo, phát sinh nghèo”.

Bộ trưởng Chuyền cũng nhìn nhận rằng kết quả đánh giá giảm nghèo chưa phản ánh đúng thực chất do lẽ chuẩn nghèo được duy trì trong thời gian dài, không cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và vẫn còn bệnh thành tích ở một số địa phương. Mặt khác, cũng có tình trạng các cơ quan, bộ ngành chưa có sự phối hợp chặt trong quản lý điều hành (1). Tại hội nghị, đại diện các bộ cũng đã nêu lên thực trạng sau cùng này.

Cú hích từ World Bank

Điều mà bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội mô tả, “bình quân cứ ba hộ thoát nghèo thì có một hộ tái nghèo, phát sinh nghèo”, chính là điều mà nay Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) gọi là “nghèo truyền kiếp” (inter-generational poverty), tức nghèo từ đời này sang đời khác.

Chính vì trăn trở làm sao giúp thoát nghèo từ đời này sang đời khác đó mà mới đây, hôm 22-1-2014, từ trụ sở ở Washington D.C., WB đã phê duyệt một khoản tín dụng 60 triệu USD giúp tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam thông qua cải tiến công tác quản lý và cung ứng dịch vụ xã hội trên cả nước thông qua dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội (Social Assistance System Strengthening Project - SASSP). Dự án này sẽ được tiến hành thí điểm tại bốn tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, Trà Vinh và Lâm Đồng.

Vì sao WB đề ra dự án SASSP? Câu trả lời từ chính WB: “Hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay gồm nhiều chương trình, nhưng còn tồn tại nhiều khoảng trống chính sách và trong quá trình thực hiện có thể cản trở công tác giảm nghèo và giảm tình trạng dễ bị tổn thương về lâu dài. Đặc biệt, các chương trình và hệ thống cung ứng dịch vụ manh mún đã làm giảm hiệu quả, nhìn từ phía cơ quan thực hiện và từ phía đối tượng hưởng chính sách”.

Với dự án SASSP này, WB hi vọng sẽ giúp giảm bớt tình trạng manh mún đó, tạo cơ sở hợp nhất chương trình và nâng cao hiệu quả chi công cho mục đích trợ giúp xã hội. WB cho biết: “Chương trình hợp nhất mang tên “Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp” sẽ thay thế ba chương trình hiện có” (2).

Trong một nghiên cứu làm cơ sở cho dự án SASSP (3) trên, WB bắt đầu những nhận xét khẳng định rằng “sự manh mún của các chương trình giảm nghèo và bảo trợ xã hội với những mục tiêu trùng lặp, song lại có ngân sách và cơ chế cấp phát riêng rẽ”.

WB nêu thí dụ có khoảng một tá khoản giải ngân bằng tiền mặt, định kỳ và “một cục”, mà nổi bật là tiền hỗ trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, cha mẹ đơn côi, người cao tuổi sống một mình theo nghị định 136/2013/ND-CP, hoặc khoản tiền ít ỏi bù giá điện cho các hộ nghèo theo quyết định 268/QĐ-TTg (cả hai khoản này do địa phương phát), hoặc khoản tiền mặt hỗ trợ trong chín tháng đi học cho con em các hộ nghèo được hiệu trưởng phát theo nghị định 49/2010/ND-CP...

Chính sự manh mún trong phân bổ ngân sách và cấp phát này tạo ra tình trạng không hiệu quả trong cái nhìn của cả những người thực hiện lẫn người được thừa hưởng.

Từ tháng 11 năm ngoái, sau khi dự án trên của WB đã được phê chuẩn từ phía Việt Nam, đã có những quyết sách thích ứng, theo đó trong giai đoạn 2016-2020, sẽ lồng ghép 14 chương trình mục tiêu quốc gia vào hai chương trình chính: phát triển nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững (4).

Giải pháp của World Bank

Giải pháp là dự án SASSP mà WB cho vay 60 triệu USD để làm thí điểm ở Hà Giang, Quảng Nam, Trà Vinh và Lâm Đồng trước khi triển khai đại trà cả nước. Theo dự án này, sẽ triển khai một hệ thống dữ liệu toàn quốc về các hộ nghèo/cận nghèo cùng những người được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, một hệ thống cung cấp dịch vụ chi trả (tiền bảo trợ xã hội) chuyên nghiệp, một hệ thống cộng tác viên xã hội.

Tại sao lại cần đến cùng lúc ba hệ thống trên mà mẫu số chung đều nhằm giảm thiểu tác động của những tác nhân “có quyền” ảnh hưởng đến (1) việc “lập” danh sách các đối tượng được hưởng chính sách có thể dẫn đến những danh sách “ma”, hoặc những vụ khiếu nại có khi bằng cả cách bi thảm nhất là quyên sinh...; (2) việc cấp phát tiền chính sách bằng cách “cấu véo”, “ngâm”, thậm chí “hô biến”; (3) việc phổ biến, giải thích, hướng dẫn chính sách “đến tai” các đối tượng (lẽ ra) được hưởng? Tóm lại, giải quyết tình trạng “phép vua thua lệ làng”!

Có phải đây chính là (một trong những) lời giải cho tình hình mà Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Ðàm, khi tiếp nhận khoản tín dụng này của WB, đã mô tả rằng: “Ở Việt Nam, vấn đề nan giải không phải ở chỗ thiếu chính sách/chương trình trợ giúp xã hội, mà là quá nhiều chương trình, chính sách chồng chéo và manh mún... Dự án này sẽ là một cơ hội rất tốt để Việt Nam xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội minh bạch và hiệu quả trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ bảo trợ xã hội của mọi người”.

Từ đó, có thể thấy nhu cầu lập lại sự minh bạch và tính hiệu quả của hệ thống bảo trợ xã hội, đồng thời đảm bảo sao cho những người dân cần được bảo trợ xã hội có thể “gõ cửa” và “cửa mở”.

Theo WB, hệ thống quản lý và cung ứng dịch vụ mới sẽ phục vụ cả đối tượng thụ hưởng và các cơ quan thực hiện. Tại bốn tỉnh thí điểm dự án, các đối tượng hưởng lợi sẽ tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng chế độ trợ cấp xã hội và dịch vụ tư vấn dành cho cha mẹ.

Cán bộ xã hội địa phương làm việc thuận tiện hơn do quy trình đơn giản hóa và cùng với đó là giảm khối lượng công việc. Cán bộ quản lý chương trình cấp tỉnh và cấp trung ương sẽ dễ dàng theo dõi công tác thực hiện chương trình và nhận được hỗ trợ về hoạch định chính sách. Một cách hành văn khéo léo thay vì huỵch toẹt rằng sẽ không còn “chỗ” cho sự “độc quyền” và hành xử tùy tiện của cán bộ địa phương.

Cần nói thêm ở đây là cách dùng từ “cán bộ xã hội” (địa phương hay cấp tỉnh hoặc trung ương) đối ứng với danh từ social worker có lẽ nên thay bằng từ “nhân viên xã hội”. Cụm danh từ “cán bộ/dân” hàm chứa một quyền hạn “cho và không cho”, trong khi danh từ “nhân viên xã hội” mang ý nghĩa bình đẳng hơn.

Cái nhìn của các Bộ ngành

Bốn tuần sau ký kết trên của WB, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững, đại diện các ban ngành hầu như tập trung mô tả sự manh mún, chồng lắp của các chính sách rất tỉ mỉ. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định chính sách giảm nghèo hiện tản mát, có nhiều quyết định riêng rẽ cho các đối tượng thanh niên, phụ nữ, nông dân... Nguồn lực vì thế bị phân tán, thậm chí mâu thuẫn.

Bộ này đề nghị nên gom các chính sách trong cùng một quyết định, đồng thời xây dựng chính sách dựa trên sự “cân đối nguồn lực”. Còn Bộ Xây dựng cho rằng nên đưa ra các gói hỗ trợ để người nghèo lựa chọn, ví dụ như xây nhà trước hay dành tiền cho con em đi học, đề nghị cơ chế chính sách đưa ra phải có tính ổn định, lâu dài.

Phía Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định vấn đề cân đối nguồn lực hiện có tình trạng trung ương không đảm bảo, trong khi nhiều địa phương sẵn sàng bỏ ra 70% nếu nhận được 30% hỗ trợ. Ngay cả trong điều hành cũng rất chồng chéo...

Có vẻ như nguyên nhân chính dẫn đến tính kém hiệu quả của chính sách giảm nghèo là tình trạng “chồng chéo, manh mún” này. Nhưng liệu những nguyên nhân “chủ quan”, có phải còn do thiếu minh bạch hay không... vẫn chưa được nhìn nhận trực diện, khiến WB muốn giải quyết bằng ba hệ thống “độc lập” mới mẻ nêu trên?

Đây không phải lần đầu tiên WB hỗ trợ Việt Nam xóa đói giảm nghèo bằng cách cung cấp vốn, mà cả kinh phí tổ chức, thực hiện và cơ hội “học và hành” cho những người làm chính sách và thực hiện chính sách. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo nay không còn được tính đếm theo số lượng để đọc báo cáo cho hay nữa mà phải được tính đếm tỉ mỉ, công khai trên chất lượng.

Muốn thế, phải xây dựng một bộ máy công tác bảo trợ xã hội khác, “người phàm” hơn thay vì “quan quyền”, để cho chính sách giảm nghèo trực tiếp đến với người nghèo.

(1): http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ty-le-ho-ngheo-giam-nhung-khong-vung-chac-2954207.html

(2): http://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2014/01/22/world-bank-vietnam-social-assistance-programs

(3): SOCIAL ASSISTANCE SYSTEM STRENGTHENING PROJECT- Report No: 76856-VN

(4): “Sẽ cắt giảm 14 chương trình mục tiêu quốc gia”, báo Nhân Dân Điện Tử, thứ bảy, 02/11/2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận