Bệnh Parkinson là một bệnh lý thần kinh tiến triển. Bệnh nhân bị Parkinson không có đủ chất dopamine do tế bào tiết ra chất này ở trong não bị chết đi.
Việc thiếu dopamine gây nên các triệu chứng về vận động và tâm trí, trước đây bệnh thường chỉ xảy ra ở người già nhưng hiện đã có xảy ra ở người trẻ mới hơn 30 tuổi.
Người 30-40 tuổi lưu ý
Tuy được ghi nhận là bệnh thường gặp ở người trên 50-60 tuổi, nhưng bệnh Parkinson vẫn có thể xảy ra ở người trẻ từ 30-40 tuổi.
Tại khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp hội chứng Parkinson ở người trẻ trong độ tuổi từ 30- 40 tuổi. Trong đó, đa số trường hợp người trẻ đến khám thường không biết mình bị bệnh gì, tay chân run, đi đứng khó, nặng như chì, hay té ngã. Khi bác sĩ khám mới phát hiện hội chứng Parkinson.
Điển hình bệnh nhân nam D.T.H. (35 tuổi, ở Cần Thơ) đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ khám do tay chân run, đi đứng chậm, khó khăn, men gan tăng...
Khi khám bệnh, các bác sĩ ghi nhận người bệnh bị hội chứng Parkinson, đo nồng độ đồng trong nước tiểu để tìm nguyên nhân. Kết quả bác sĩ xác định nguyên nhân hội chứng Parkinson do bệnh nhân bị bệnh Wilson. Tiến hành điều trị nguyên nhân, sau đó người bệnh đã có kết quả khả quan, trở về cuộc sống gần như bình thường.
Ở người trẻ bệnh thường xảy ra bởi một vài nguyên nhân như do dùng thuốc (có một số thuốc có thể gây ra hội chứng này) hay nhiễm độc chất, bệnh lý hiếm gặp như bệnh Wilson... Cũng có trường hợp người trẻ bị mắc Parkinson vô căn (không rõ nguyên nhân).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Châu - khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đà Nẵng, các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy bệnh nhân và thường tiến triển chậm trong nhiều năm. Các triệu chứng giai đoạn đầu thường nhẹ, khó nhận biết, sau nặng dần khi bệnh tiến triển theo thời gian.
Lưu ý các triệu chứng
Các triệu chứng chính hay gặp nhất của bệnh Parkinson thường là các rối loạn liên quan đến vận động gồm run, co cứng, vận động chậm. Các triệu chứng thường khởi phát ở một bên của cơ thể, có thể bị rối loạn vận động cả hai bên.
Các triệu chứng này làm bệnh nhân gặp khó khăn trong vận động, di chuyển, giữ thăng bằng, rối loạn dáng đi, khó khăn trong dịch chuyển, thực hiện các hoạt động sinh hoạt, suy giảm thể chất, nguy cơ té ngã và sợ té ngã.
Tuy nhiên bệnh không chỉ ảnh hưởng đến vận động. Những bệnh nhân mắc bệnh lý này có thể có những triệu chứng không liên quan đến vận động gây ảnh hưởng đến đời sống của họ nhiều hơn cả những khó khăn về vận động. Các triệu chứng không liên quan đến vận động gồm: trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, tiết mồ hôi quá mức, táo bón, tiểu không tự chủ, tiểu đêm và đau.
Theo bác sĩ Châu, không phải bệnh nhân mắc Parkinson nào cũng có biểu hiện triệu chứng và tiến triển tương tự nhau, do đó không phải bệnh nhân nào cũng theo cùng một phác đồ điều trị. Mỗi bệnh nhân sẽ có nhu cầu điều trị khác nhau, vậy nên cần tiếp cận chăm sóc theo hướng lấy bệnh nhân làm trung tâm.
Điều này có nghĩa là nên tập trung vào những nhu cầu của bệnh nhân Parkinson theo từng cá nhân riêng biệt. Bệnh nhân mắc Parkinson và người chăm sóc của họ nên tập trung vào những gì họ có thể làm được, không phải những gì họ không thể làm.
Điều trị ra sao?
Bản chất tiến triển của bệnh Parkinson và những ảnh hưởng của bệnh khiến bệnh nhân ngày càng suy giảm khả năng chức năng và chất lượng cuộc sống. Để điều trị Parkinson cho tới hiện tại vẫn ưu tiên điều trị nội khoa dùng thuốc kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động để cải thiện bệnh.
Chế độ ăn là ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước để giảm hiện tượng táo bón. Hướng dẫn người bệnh các bài tập cải thiện vận động. Đến lúc bệnh tiến triển điều trị nội khoa không cải thiện, không kiểm soát được bệnh, các bác sĩ sẽ đặt ra vấn đề phẫu thuật, đặt máy tạo nhịp kích thích não sâu trong não để cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân.
Bác sĩ Châu cho hay các can thiệp phục hồi chức năng sẽ bao gồm các bài tập vận động giúp tăng khả năng hoạt động thể chất, cải thiện dáng đi, thăng bằng, giảm nguy cơ té ngã, cải thiện cả các triệu chứng không phải vận động như trầm cảm, lo âu, mệt mỏi, tình trạng đau.
Những bệnh nhân mắc phải bệnh Parkinson cần được chăm sóc bởi đội ngũ đa chuyên ngành. Đội ngũ này gồm các chuyên gia về thần kinh, điều dưỡng, bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, chuyên gia tâm lý, tâm thần, dinh dưỡng.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích cả về ngắn hạn và dài hạn của phục hồi chức năng để cải thiện triệu chứng, chức năng vận động và chức năng không phải vận động; hoạt động sống hằng ngày, chất lượng cuộc sống và giảm thiểu tàn tật, đặc biệt ở giai đoạn tiến triển của bệnh, khi vai trò của thuốc không còn tác dụng hiệu quả và bệnh không thể phẫu thuật.
Phát hiện sớm sẽ ngăn được bệnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Phong - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ - cho biết bệnh Parkinson xảy ra ở người trẻ nếu phát hiện sớm và tìm ra được nguyên nhân khởi phát bệnh, việc điều trị sẽ rất tốt và có thể trở về cuộc sống gần như bình thường.
Bác sĩ Phong cho biết đầu tiên nếu Parkinson phát hiện ở người trẻ phải tìm hiểu nguyên nhân đây là hội chứng Parkinson hay là bệnh Parkinson. Dấu hiệu Parkinson: chậm vận động trong sinh hoạt, trong đi lại. Run tay chân hay run ở phần nào đó của cơ thể.
Tiếp theo là hiện tượng cứng đờ, hiện tượng cử động không mềm mại. Ngoài ra còn có triệu chứng khác đi kèm theo như táo bón; rối loạn về giấc ngủ, hành vi, rối loạn về tâm thần như lo âu, trầm cảm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận