14/05/2017 09:08 GMT+7

Làm sao ngăn các vụ tấn công bác sĩ?

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TTO - Làm gì để chấm dứt tình trạng tấn công, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế và đập phá bệnh viện diễn ra liên tục thời gian qua?

Hình ảnh đáng lên án: Bác sĩ D. bị người nhà bệnh nhi cầm cốc đánh vào đầu, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não. Máu nhỏ xuống trên bệnh án bệnh nhi - Ảnh: BVCC
Hình ảnh đáng lên án: Bác sĩ D. bị người nhà bệnh nhi cầm cốc đánh vào đầu, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não. Máu nhỏ xuống bệnh án bệnh nhi - Ảnh: BVCC

Tuổi Trẻ đặt vấn đề này với các cơ quan chức năng, hòng tìm ra giải pháp cho vấn đề đang nhức nhối hiện nay và mong bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Tăng Chí Thượng (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM):

Cần phối hợp công an địa phương

Đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện là một hoạt động trong công tác quản lý bệnh viện từ trước đến nay. Để làm được điều này, các bệnh viện phải phối hợp với lực lượng an ninh của địa phương, đặc biệt là công an. Sở Y tế đã ký kết phối hợp Công an TP.HCM tăng cường an ninh trật tự trong bệnh viện.

Theo những nguyên tắc lớn đã được ký kết, các bệnh viện phải chủ động ký kết với công an địa phương trên địa bàn một cách cụ thể để đưa ra những biện pháp sẽ triển khai, phù hợp với tình hình của bệnh viện.

Gần đây, do tình hình an ninh trong bệnh viện diễn biến phức tạp, việc y bác sĩ bị hành hung xảy ra tại một số bệnh viện ở các tỉnh thành khác trong cả nước nên các bệnh viện cần tiếp tục tăng cường sự kết hợp này. Sở sẽ đưa ra những tình huống phức tạp gây mất an ninh trong bệnh viện để các nhân viên y tế diễn tập, tránh tình trạng bị động.

Ông Đặng Huy Quốc Thịnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Đặng Huy Quốc Thịnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Đặng Huy Quốc Thịnh (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Lực lượng bảo vệ phải chuyên nghiệp hơn

Câu hỏi đặt ra là vấn đề công tác an ninh và bảo vệ của các bệnh viện như thế nào? Nếu bệnh viện không làm tốt công tác an ninh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Ở nước ngoài, lực lượng an ninh kiểm soát rất kỹ trong bệnh viện, hệ thống camera giám sát ở khắp mọi nơi. Có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp coi camera gắn ở khắp mọi nơi, giám sát bất kỳ hành động nào của bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân.

Nếu người nào vào bệnh viện mà không tuân thủ theo những quy định của bệnh viện, lực lượng an ninh có thể sẽ áp giải người đó ra ngay.

Chỉ khoa khám bệnh mới được ra vô dễ dàng, còn những khu vực quan trọng như phòng hồi sức cấp cứu, các khoa phòng điều trị nội trú, bắt buộc phải có những hệ thống thẻ từ, chứ không phải ai muốn ra vô cũng được.

Trong khi tại các bệnh viện trong nước, người thân ra vô rất nhiều và rất dễ dàng.

Lực lượng bảo vệ phải được tổ chức thành một hệ thống chuyên nghiệp hơn, phải đi tuần tra thường xuyên, giám sát camera ở những khu vực nhạy cảm, nếu có nghi ngờ phải chạy ra ngăn chặn ngay.

* Một bác sĩ làm trong khoa cấp cứu bệnh viện công:

Không nên cuốn theo sự búc xúc của người nhà

Tôi từng gặp những người nhà say xỉn vào khoa cấp cứu và có thái độ hung hăng khi tôi đang điều trị cho con của họ.

Em bé nhập viện trong tình trạng nặng vì sinh non và bị nhiễm trùng huyết từ một bệnh viện khác chuyển đến. Lúc trước đó người nhà cũng đã được bác sĩ tư vấn rằng khó có thể qua khỏi.

Thế nhưng sau đó, ông bố này buồn quá, đi nhậu và quay lại bệnh viện với một thái độ hung hăng khác hẳn lúc trước. Ông đứng kè kè bên bác sĩ và dọa sẽ sẵn sàng đánh nếu bác sĩ không tích cực điều trị cho con ông. Ông buộc tôi không được đi đến các bệnh nhi khác, mà chỉ đứng đó để chăm sóc mỗi con ông.

Trong đêm hôm đó, khoa cấp cứu đã phải nhờ cả trực lãnh đạo của bệnh viện xuống nói chuyện với ông. Một người nhà khác của bệnh nhi thấy ông như vậy đã xin lỗi các bác sĩ.

Tôi thấy đa số thân nhân bệnh nhân đều tôn trọng bác sĩ, còn những thân nhân bệnh nhân hung hăng với bác sĩ là những người quá bức xúc khi biết người thân của họ không cứu được, hoặc hiểu lầm một vấn đề gì đó. Cho nên, nhân viên y tế cần hiểu tâm trạng của người nhà lúc đó, không nên cuốn theo sự búc xúc của người nhà mà nên bình tĩnh giải quyết vấn đề.

Nhân viên y tế nếu bản lĩnh, bình tĩnh sẽ nói chuyện nhỏ nhẹ với người nhà một cách rõ ràng thì người nhà sẽ hiểu được vấn đề. Còn trong trường hợp người nhà vẫn không hiểu thì nên nhờ sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, bác sĩ trực lãnh đạo để giải thích cho thân nhân người bệnh hiểu. Có những người nhà mới đầu nổi nóng với bác sĩ nhưng chính thái độ, cách giải thích của bác sĩ sau đó đã khiến họ nói lời xin lỗi.

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương):

Phải xử lý nghiêm

Trước mắt, tại Bệnh viện Hùng Vương đã làm hệ thống báo động để nếu nhân viên y tế gặp người nhà bệnh nhân có những xung đột quá thì sẽ bấm nút cho bảo vệ bệnh viện hỗ trợ.

Lãnh đạo bệnh viện cũng đã dặn nhân viên y tế khi gặp người nhà hung hãn quá thì phải nhờ một nhân viên y tế khác hoặc nhờ trưởng, phó khoa đến giải thích cho người nhà bệnh nhân, chứ nhiều khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hung hãn mà nhân viên y tế cũng cáu gắt theo sẽ xảy ra xung đột.

Ngay sau khi đọc những thông tin thân nhân bệnh nhân hung hãn với nhân viên y tế tại một số bệnh viện trên cả nước, cán bộ công nhân viên trong bệnh viện cũng rất lo lắng. Ban giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng trăn trở để tìm cách giúp cán bộ, nhân viên y tế bảo vệ chính mình trước khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác.

Bản thân tôi cũng có ý định mời người dạy võ đến tập võ cho những bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân để nếu gặp những trường hợp người nhà bệnh nhân muốn đánh cán bộ, nhân viên y tế thì cán bộ, nhân viên y tế cũng biết tránh, đỡ lại.

Điều tôi thực sự rất mong muốn là phải xử lý nghiêm những trường hợp hành hung nhân viên y tế. Tôi rất trông chờ vào việc xử lý nghiêm khắc, kịp thời những trường hợp hành hung nhân viên y tế để đủ sức răn đe những trường hợp khác.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Ảnh: L.ANH
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Ảnh: L.ANH

* Ông Nguyễn Trọng Khoa (phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

Giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh

Những xô xát ở bệnh viện đã xảy ra ở nhiều nước, kể cả những nước phát triển chứ không riêng gì VN, bởi đây là vấn đề xã hội, khoa học về hành vi con người cho rằng khi có bức xúc mà không được giải quyết hoặc tưởng không được giải quyết, con người có thể có hành vi bất thường.

Chính vì vậy đầu tiên phải xác định những khu vực dễ xảy ra tình trạng mất an ninh ở bệnh viện. Theo chúng tôi là các khoa cấp cứu, khu vực tiếp nhận bệnh nhân nhi và bệnh nhân tâm thần.

Khi xác định rồi thì có những giải pháp, trong đó có phòng ngừa về phương tiện như lắp camera, khi người ta biết có camera thì hành vi cũng được điều chỉnh hơn. Lực lượng bảo vệ phải được huấn luyện chuyên nghiệp bởi có thể bệnh viện có sự cố như côn đồ vào bệnh viện rượt chém, đánh nhau như vụ ở Bệnh viện ĐH Y Hà Nội vừa rồi.

Bên cạnh đó, bệnh viện phải tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến thăm khám, như quy trình thuận lợi, giảm thủ tục giấy tờ, giảm những bức xúc vì chờ đợi...

Nhân viên y tế cũng cần có kiến thức giao tiếp và nắm bắt được tâm lý bệnh nhân, gia đình, bởi một phần do bức xúc của họ không được giải quyết, dồn nén dẫn đến hành vi xô xát với nhân viên y tế. Như ở phía Nam có vụ bà mẹ tát cô bác sĩ, hay ở Bệnh viện Thạch Thất, Hà Nội vừa rồi có vụ ông bố cầm cái cốc to đập trúng đầu bác sĩ làm bác sĩ ngất xỉu.

Nguyên nhân là con người ta đang ốm, sốt, co giật, họ sốt ruột mà lại thấy hình như bác sĩ không quan tâm đến con mình, không cho con mình chuyển viện, từ đó dẫn đến hành vi bột phát. Những người này nếu xử phạt họ nặng thì cũng rất đáng thương.

Chúng tôi đang ấp ủ xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể cho bệnh viện, ví dụ bệnh viện có khả năng tài chính vừa phải thì lắp camera chỗ nào là cần nhất, lắp khóa từ ở vị trí nào, đào tạo về ứng xử với bệnh nhân, gia đình như thế nào và hướng dẫn cả những chi tiết như ở khu vực dễ xảy ra bức xúc không nên để cốc thủy tinh to dày mà nên sử dụng cốc nhựa chẳng hạn.

Với công việc này không thể hô hào chung chung, mà phải có giải pháp cụ thể mới giải quyết tận gốc vấn đề.

LAN ANH ghi

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên