31/07/2016 10:27 GMT+7

Làm sao giúp trẻ em yêu các môn khoa học?

TUẤN MINH (Theo WikiHow)
TUẤN MINH (Theo WikiHow)

TTO - Khoa học nói chung là dành cho mọi lứa tuổi. Phụ huynh hoàn toàn có thể tự hướng dẫn trẻ em đến với lĩnh vực khoa học bằng những phương pháp đơn giản tại nhà.

 

 1. Khám phá năng khiếu bẩm sinh của trẻ

Năng lực bẩm sinh của trẻ là khác nhau. Mặc dù theo lý thuyết Cơ chế thần kinh mềm dẻo (neuroplasticity), một lý thuyết chứng minh cho sự thật não bộ có thể thay đổi. Điều này có nghĩa là nếu bạn không được thông minh lắm trong một lĩnh vực nào đó cũng chẳng có vấn đề gì. Bạn hoàn toàn có cơ hội thay đổi vùng não đó thông qua quá trình luyện tập.

Phụ huynh luôn quan sát và tìm ra năng khiếu bẩm sinh của trẻ ngay từ những giai đoạn đầu phát triển - Ảnh: WikiHow
Phụ huynh luôn quan sát và tìm ra năng khiếu bẩm sinh của trẻ ngay từ những giai đoạn đầu phát triển - Ảnh: WikiHow

Một điều rõ ràng là những dạng kiến thức khác nhau sẽ được não bộ ở những vùng khác nhau tiếp thu và những người khác nhau cũng sẽ tiếp thu cùng một loại kiến thức ở những mức độ và tốc độ khác nhau.

Đó là lý do vì sao học cùng lớp, cùng một giáo viên và giống nhau ở giáo trình nhưng lại cho ra những kết quả học tập khác nhau ở những đứa trẻ.

Qua đó cho thấy, phụ huynh nên tìm hiểu về những điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của trẻ để có được những định hướng tích cực giúp trẻ trong quá trình phát triển, đồng thời cố gắng giảm tối đa những căng thẳng, áp lực không cần thiết.

2. Cân bằng chỉ số IQ, EQ và PQ

Trẻ cần được cung cấp một môi trường cân bằng cả 3 chỉ số gồm IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc) và PQ (chỉ số thể lực và sinh lý).

Về cơ bản, chỉ số PQ là bước đầu quan trọng nhất với trẻ em. Trẻ em sẽ không thể học được nếu chúng cảm thấy đói, khát, mệt mỏi.

Chỉ số IQ có thể phát triển tốt nhất khi có được sự hỗ trợ từ chỉ số EQ và PQ - Ảnh: WikiHow
Chỉ số IQ có thể phát triển tốt nhất khi có được sự hỗ trợ từ chỉ số EQ và PQ - Ảnh: WikiHow

EQ cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ em. Nếu trẻ cảm thấy bị gò bó, mất tự do sáng tạo, chúng sẽ không thể học tập hết mình.

Đặc biệt, chỉ số IQ, chỉ số mà nhiều bậc phụ huynh chú trọng nhất, nó chỉ có thể phát triển khi có được một sự hỗ trợ tốt nhất từ chỉ số PQ và EQ.

3. Dạy trẻ về giá trị của khoa học và công nghệ trong đời sống nhân loại

Nếu trẻ nhận ra được sự kì diệu mà khoa học và công nghệ đã thay đổi thế giới (điện, ánh sáng, điện thoại, internet, các loại vắc-xin…), chúng sẽ hào hứng, hiếu kì, đặt ra nhiều câu hỏi hơn và mong muốn được chứng kiến tận mắt quá trình phát minh ra những thành tựu này.

Trẻ cần hiểu được giá trị thật sự của khoa học và công nghệ trong đời sống nhân loại - Ảnh: WikiHow
Trẻ cần hiểu được giá trị thật sự của khoa học và công nghệ trong đời sống nhân loại - Ảnh: WikiHow

Ví dụ, khi cầm một chiếc điện thoại di động, phụ huynh có thể khơi gợi cho con sự hiếu kì như đặt ra câu hỏi từ dễ đến khó, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Cụ thể, phụ huynh có thể đố con vật dụng gì giúp mình nói chuyện được với nhau dù ở cách xa cả vòng trái đất, nhờ có cái gì mà những chiếc điện thoại kết nối được với nhau, sóng ở đâu ra, vì sao đã nói chuyện được rồi còn có thể nhìn thấy nhau trực tiếp, camera ở đâu ra, mạng internet, mạng viễn thông hình thành như thế nào. Tất cả sẽ đưa trẻ đến sự hiếu kì nhất định, buộc trẻ phải suy nghĩ, tự thắc mắc, tự tìm hiểu hoặc xa hơn là có những vấn đề sẽ khiến trẻ có nhiều cảm hứng, yêu thích và theo đuổi tới cùng.

Lưu ý, những câu hỏi và từ ngữ chuyên ngành khoa học và công nghệ cũng như những ví dụ của bạn cần phải bám sát với sự nhận thức của trẻ để chúng vừa hiếu kì mà vẫn cảm thấy không quá phức tạp.

4. Mô phỏng một phòng thí nghiệm đơn giản, an toàn

Phụ huynh có nhiều cách để đưa con đến những không gian thí nghiệm khoa học đơn giản bằng cách tận dụng sân vườn, tầng thượng, buồng tắm hoặc phòng ăn. 

Mô phỏng những phòng thí nghiệm đơn giản và an toàn ngay tại nhà - Ảnh: WikiHow
Mô phỏng những phòng thí nghiệm đơn giản và an toàn ngay tại nhà - Ảnh: WikiHow

Cụ thể, những hoạt động đơn giản sau đây sẽ rất bổ ích:

- Cùng con xem và thảo luận câu hỏi trong những chương trình khoa học, thế giới động vật trên ti vi.

- Cùng làm những thí nghiệm đơn giản với nước, trứng gà, giấy, xà phòng, muối…

- Sưu tầm và xem các video thí nghiệm khoa học trên internet.

- Tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm về khoa học và công nghệ trên mạng xã hội.

- Cho con đến sinh hoạt tại các lớp nói về khoa học dành cho trẻ em.

- Tự làm cho trẻ những trò chơi đơn giản như ô chữ, giải câu đố, ghép hình với nội dung có liên quan tới khoa học và công nghệ.

- Đưa một số nội dung về khoa học và công nghệ vào những cuộc nói chuyện.

5. Tập cho trẻ kĩ năng cơ bản khi làm khoa học

Dạy trẻ những kĩ năng quan trọng như tư duy trừu tượng, phản biện, quan sát, đặt câu hỏi, tạo ra giả thuyết và tự kiểm tra những giả thuyết đó.

Không cần biết đúng hay sai, trẻ cần phải tập thói quen sử dụng các cơ sở khoa học, toán học, hoạt động công nghệ để giải đáp những thắc mắc do phụ huynh đưa ra hoặc tự chính trẻ đưa ra. 

Trẻ cần được dạy một vài kĩ năng cơ bản trong làm khoa học - Ảnh: WikiHow
Trẻ cần được dạy một vài kĩ năng cơ bản trong làm khoa học - Ảnh: WikiHow

Trẻ hiếu kì về mọi sự vận động của vạn vật được xem là chìa khóa hàng đầu giúp trẻ yêu thích và tiến xa hơn trong lĩnh vực và khoa học công nghệ. 

Vì thế, phụ huynh cần duy trì sự hiếu kì của trẻ em bằng cách khuyến khích con đặt thật nhiều câu hỏi. Phụ huynh cố gắng giúp con giải đáp thắc mắc ngay cả khi những câu hỏi của con nghe có vẻ vô nghĩa. 

Phụ huynh không nhất thiết phải biết tất cả 1001 câu hỏi vì sao của con. Tuy nhiên, phụ huynh cần hướng dẫn con cách tìm ra câu trả lời từ những nguồn kiến thức khác nhau trong sách báo, ti vi và mạng internet.

6. Kết nối với giáo viên 

Trẻ bộ lộ năng lực bẩm sinh của mình rất nhiều trong quá trình học tập, đặc biệt là tại những lớp mẫu giáo. Nơi có nhiều truyện tranh, âm nhạc, trò chơi trí tuệ và bạn bè xung quanh. 

Giáo viên thường là người dễ quan sát và tiếp xúc nhiều với trẻ nên họ sẽ hiểu được những gì mà trẻ yêu thích, hiếu kì. 

Tham khảo thêm ý kiến của giáo viên để biết được sở trường và sở thích của trẻ - Ảnh: WikiHow
Tham khảo thêm ý kiến của giáo viên để biết được sở trường và sở thích của trẻ - Ảnh: WikiHow

Thỉnh thoảng, phụ huynh nên nói chuyện với giáo viên để nắm được tình hình phát triển thể lực lẫn tâm hồn của con em. Qua đó, cả nhà trường và gia đình đều có thể kết hợp để giúp trẻ có được sự phát triển toàn diện.

TUẤN MINH (Theo WikiHow)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên