17/11/2015 12:49 GMT+7

Làm sao để phim “đặt hàng” tốn tiền tỉ mà không xếp xó?

HIỀN HÒA
HIỀN HÒA

TT - Nhìn lại 20 năm phim "đặt hàng" (nguồn kinh phí nhà nước), thấy toàn phim tốn tiền tỉ làm xong chiếu vài suất rồi cất kho, chẳng thể bán vé.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim đặt hàng duy nhất thành công về mặt bán vé trong 25 năm qua - Ảnh: ĐPCC
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim đặt hàng duy nhất thành công về mặt bán vé trong 25 năm qua - Ảnh: ĐPCC

Vừa rồi, Bộ VH-TT&DL phê duyệt để đưa vào sản xuất bốn kịch bản phim chiếu rạp trong năm 2016, chứng tỏ phim đặt hàng vẫn còn cơ hội.

Hơn nữa, sự thành công vượt bậc của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn: Victor Vũ, đã thu về hơn 70 tỉ đồng) càng tiếp thêm động lực.

Tuy nhiên, một phim đặt hàng khác là Mỹ nhân, với đầu tư khoảng 16,6 tỉ đồng, ra rạp từ ngày 13-11, có nguy cơ chết yểu vì chất lượng kém, lại cho thấy đặt hàng cũng có năm bảy đường.

Khi tính tuyên truyền kín đáo...

Nhìn lại 20 năm phim đặt hàng, thấy toàn phim làm xong chiếu vài suất rồi cất kho, chẳng thể bán vé. Trong khi đó, số tiền đầu tư thì có vẻ tăng trưởng khá liên tục. Đơn cử Đất nước đứng lên (1,9 tỉ đồng, năm 1995), Tổ quốc tiếng gà trưa (2,5 tỉ, 1996), Hà Nội mùa đông năm 46 (3,4 tỉ, 1997), Bông sen (4 tỉ, 1998), Hà Nội 12 ngày đêm (7 tỉ, 2002), Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (15 tỉ, 2003), Ký ức Điện Biên (13 tỉ, 2004), Giải phóng Sài Gòn (12,5 tỉ, 2005), Cầu Ông Tượng (16 tỉ, 2005)...; và gần đây, Sống cùng lịch sử (21 tỉ), Nhà tiên tri (16 tỉ), Thầu Chín ở Xiêm (10 tỉ)...

Cho đến nay, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim đặt hàng duy nhất thành công về mặt bán vé trong khoảng 1/4 thế kỷ qua. Với doanh thu đang có (và còn tăng), phim lập được một kỳ tích, thu về số tiền còn nhiều hơn khoảng 50 phim đặt hàng trước đó cộng lại.

Chỉ nhắc lại vài phim để thấy tình trạng bán vé đìu hiu: Ký ức Điện Biên được 700.000 đồng, Hà Nội 12 ngày đêm được 4 triệu, Sống cùng lịch sử được vài vé, Những người viết huyền thoại được 500 triệu đồng...

Sở dĩ Victor Vũ làm được một phim đặt hàng ăn khách, phần nhỏ vì anh giỏi nghề và có duyên với việc bán vé. Phần lớn hơn, vì anh là Việt kiều, nên được giao một kịch bản mà tính tuyên truyền kín đáo, chứ gặp những kịch bản “rõ ràng mục đích” thì chưa chắc được giao làm, chưa chắc làm được phim hấp dẫn.

Như các kịch bản vừa được phê duyệt: Không ai bị lãng quên viết về việc đầu quân của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam vào Hồng quân Liên Xô; Người yêu ơi nói về việc giữ gìn bản sắc của người miền núi; Địa đạo nói về con người và vùng đất Củ Chi thời chống Mỹ; Xã tắc nói về công cuộc gìn giữ bờ cõi, chống thù trong giặc ngoài thời phong kiến...

Những đề tài có tính sử thi như thế này, đạo diễn nào sẽ làm được phim hấp dẫn với nguồn kinh phí và các êkip sản xuất còn nhiều giới hạn?

Phim "đặt hàng" Mỹ nhân, với đầu tư khoảng 16,6 tỉ đồng, ra rạp từ ngày 13-11, có nguy cơ chết yểu vì chất lượng kém.

Tâm lý e ngại của khán giả

Còn nhớ, khi Victor Vũ làm Thiên mệnh anh hùng (phim tư nhân), kinh phí dự kiến ban đầu vào khoảng 10 tỉ đồng, sau đội lên 21,8 tỉ, rồi cộng tất cả các khâu thành 25 tỉ, kết quả bán vé thu về được 16,4 tỉ.

Điều này cho thấy mấy việc: Thứ nhất, nếu việc hạch toán và sản xuất đúng dự toán ban đầu, phim đã có lời, thay vì lỗ và bị tranh chấp này kia. Thứ hai, việc làm phim cổ trang, lịch sử (chưa nói các phim có tính sử thi) sẽ rất tốn kém, tiền tỉ nghe là vậy nhưng chẳng thấm vào đâu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phim bom tấn đi khắp nơi, khán giả dễ so sánh, đầu tư một vài triệu USD càng như muối bỏ biển.

Đó là chưa nói khía cạnh tâm lý của khán giả, nghe phim đặt hàng là ngại đi xem. Còn nhớ Đời cát (đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân, năm 1999) công chiếu chỉ bán được có tám vé, cũng vì tâm lý này. Sau đó phim được Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, báo chí vào cuộc, thì phim đã ra rạp trong mấy tháng liền tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và rạp Tháng Tám.

Các phim đặt hàng có chất lượng khá như Sống trong sợ hãi, Rừng đen, Chơi vơi, Vũ điệu đam mê, Những người viết huyền thoại... do thiếu hiệu ứng giải thưởng và báo giới nên không vượt qua được tâm lý e ngại của khán giả.

Phim Sống trong sợ hãi

Phim đặt hàng quá chú trọng vào việc tuyên truyền trực tiếp, nhưng lại yếu và thiếu nghiêm trọng về truyền thông cho phim nên đường ra rạp thường khó khăn.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - người làm phim đặt hàng Mộ gió, bán được vài vé - đã rất thẳng thắn (năm 2014, trên báo Giáo Dục Việt Nam):

“Với phim Mộ gió của tôi, hôm khai mạc tôi chiếu cho một số đối tượng khán giả phù hợp xem thì rất nhiều người đã khóc và xúc động. Nhưng khi ra rạp chiếu, tôi biết chắc là chẳng ai xem cả vì đến cái tên phim cũng chẳng ai muốn xem rồi. [...] Số tiền đầu tư không đắt, chỉ có cái là làm như thế nào để có hiệu quả và có khách, dù chỉ cần có 50% khách đến xem thôi.

Cụ thể như mình bỏ ra 10 tỉ nhưng thu được 5 tỉ đồng thì mình đã thấy mình được bao nhiêu người xem và hiệu quả chính trị nó sẽ tốt hơn. Còn không có người xem như hiện nay, hiệu quả chính trị không đạt vì thế việc đầu tư trở thành sai”.

Quy trình bàn giao 4 kịch bản đặt hàng

Quyết định số 3575/QĐ-BVHTTDL ngày 21-10-2015 do Bộ VH-TT&DL phê duyệt và đưa bốn kịch bản như đã nêu tên vào kế hoạch Nhà nước đặt hàng sản xuất phim chiếu rạp trong năm 2015 - 2016.

Tóm lược quy trình thực hiện như sau: 1) Giao Vụ Kế hoạch - tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Điện ảnh và các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Tài chính, Thủ tướng xin bổ sung kinh phí tài trợ. 2) Thẩm định lại tổng dự toán sản xuất và làm đầu mối trong việc đặt hàng, giải ngân. 3) Giao Cục Điện ảnh chủ trì và phối hợp việc đặt hàng sản xuất.

HIỀN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên