Đò chìm ở bến Chôm Lôm: Vẫn chưa tìm thấy các em
Tối hôm qua, xem thời sự trên VTV và sáng chủ nhật biết thêm thông tin từ Tuổi Trẻ, tôi và mọi người trong gia đình vô cùng bàng hoàng và xúc động trước cái chết bi thảm của 19 em học sinh. Thương cho các em học sinh vô tội và giận những người thiếu trách nhiệm đã gây nên cái chết đó. Tại sao một phương tiện vận chuyển chở nhiều khách một ngày như thế lại không được trang bị những trang thiết bị cần thiết như phao cứu nạn chẳng hạn? Nếu như có những chiếc phao thì hẳn con số thiệt mạng sẽ không lớn đến mức như vậy!
Cơ quan nào quản lý những phương tiện chuyên chở như thế này mà không kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn trong việc chuyên chở hành khách trên đường thuỷ? Đọc báo mới thấy cơ quan chức năng đã vô trách nhiệm như thế nào. Tôi tin rằng đây là thực trạng chung ở khắp nơi. Hàng ngày có bao nhiêu tính mạng hành khách bị coi thường, bị đùa với "hà bá". Người dân buộc phải đi trên những chiếc đò không an toàn, không hề có những biện pháp đề phòng cần thiết, phó mặc cho trời. "Đây là vụ thứ tư..." nghe sao quá bi đát.
Tại sao để xảy ra nhiều vụ lật đò như thế mà không thấy cơ quan nào đến kiểm tra, buộc các chủ đò phải có trách nhiệm với hành khách. Nếu cương quyết thực hiện đúng qui định, chắc chắn sẽ giảm bớt nguy hiểm rất nhiều. Chính vì cơ quan quản lý thả nổi, hay là cũng chẳng hề có ai quản lý nên trong thời gian qua đã có quá nhiều vụ lật đò gây thiệt hại lớn, đặc biệt nạn nhân thường là các học sinh vô tội. Thử nghĩ mỗi ngày trên khắp các bến đò cả nước còn bao nhiêu chuyến đò như thế nữa? Cần phải làm rõ trách nhiệm không chỉ của những ai liên quan trực tiếp mà còn phải làm rõ của cơ quan quản lý có trách nhiệm. Nếu không, những cái chết tang thương như thế này sẽ không chỉ là vụ thứ tư mà còn sẽ tăng lên rất nhiều.
Chúng ta cứ suốt ngày nói đô thị hoá - hiện đại hoá, rồi rút kinh nghiệm triệt để v.v... sánh vai, nâng cao mức sống, xã hội hoá học tập. Thật là đau xót! Thế mới biết, còn nhiều nơi trên đất nước mình còn quá nghèo và chưa được quan tâm thoả đáng. Chỉ còn trông chờ vào sức dân và các nhà hảo tâm, để xây những cây cầu nâng niu bàn chân đến trường của những em học sinh nghèo nhưng hiếu học.
Đau đớn và phẫn nộ khi còn những con thuyền đưa các em không phải đến trường... mà về với tổ tiên cùng bao nhiêu ước mơ, hoài bão còn dang dở. Một lời chia sẻ với gia đình các em, và một lời xin lỗi từ lương tâm với các em.
Tôi không biết báo chí chúng ta đã bao nhiêu lần đưa tin về các vụ đắm đò ngang chở khách sang sông là những học sinh. Đầu tiên cho tôi chia sẻ nỗi đau với các gia đình có thân nhân bị nạn.
Tôi thật sự đau buồn trước những nỗi mất mát từ bến đò Chôm Lôm. Nhưng tôi không khỏi bức xúc: không biết khi nào các cấp chính quyền có phương án đảm bảo cho các em học sinh vùng sâu vùng xa, vùng sông nước được an toàn trên con đường đến trường, con đường đi tìm kiến thức để xây dựng đất nước. Không biết khi nào các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ các bến đò ngang không chở quá nhiều người, hạn chế tới mức thấp nhất những tai nạn xảy ra, giảm bớt nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ mỗi khi con mình đến trường.
Tôi đề nghị báo Tuổi Trẻ nghiên cứu phát động phong trào đóng góp để xây cầu bắc sang sông này. Trân trọng.
Ít có thời gian để cập nhật thông tin thường ngày nên tôi hoàn toàn không hay biết về tai nạn thương tâm này. Cho đến sáng nay, qua internet tôi mới ngỡ ngàng. Và tấm ảnh chụp thi thể em Hùng khiến ai cũng phải ngậm ngùi.
Tôi tự hỏi cho đến lúc xảy ra tai nạn, không lẽ ngày nào các em cũng phải đến trường trong nguy hiểm như thế hay sao. Tại sao lại không tạo điều kiện cho các em, tại sao lại sợ "thu không đủ chi"... Tôi nghĩ chính cái suy nghĩ hạn hẹp đấy đã đưa đến tai nạn thương tâm này. Vậy đây là lỗi do ai? Có do ai đi chăng nữa thì nếu không giải quyết ổn thỏa tôi tin chắc sẽ còn nữa những vụ đắm đò, còn nữa những cái chết thương tâm. Và rồi đây những chuyến đò đến lớp sẽ ám ảnh các em mãi thôi...
Vì sao người ký hợp đồng là ông Phong mà ông không làm tròn trách nhiệm, buổi sáng hôm ấy ông đã ở đâu? Để xảy ra tình trạng đò quá tải là trách nhiệm của ai vậy? Đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi nhưng tôi mong quý báo có thể chia sẻ cùng tôi. Vì năm nào cũng có những tai nạn như thế thì taị sao cứ để nó tái diễn. Tôi thật không hiểu.
Trong khi chúng ta dùng hàng tỉ, hàng nghìn tỉ đồng để xây sân vận động SEA Games để rồi đắp chiếu để đấy, những dự án Dung Quất lãng phí hàng triệu đôla thì ở những vùng quê nghèo các em học sinh vẫn không có được một con đường, một cây cầu, một phương tiện an toàn để đến trường. Để rồi hôm nay chúng ta phải đưa một cái tang lớn và đau xót như thế này.
Đã bao nhiêu tai nạn chìm xuồng xảy ra, đã bao nhiêu cái chết oan khiên, vậy mà những con đò vẫn ngang nhiên chở quá tải, thậm chí không có lấy một cái phao cứu hộ. Chua chát hơn nữa khi mà chiếc xuồng đủ tiêu chuẩn được nước ngoài tài trợ lại bị trùm mền vì… ”tốn dầu”.
Tôi nghĩ các ngành các cấp của tỉnh Nghệ An phải chịu trách nhiệm trong chuyện này vì đã không đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đây không phải là tai nạn do thiên tai gây ra mà là một tai nạn xảy ra do sự vô trách nhiệm của con người. Nếu chúng ta không làm rõ trách nhiệm để tìm cách quản lí và khắc phục thì trong tương lai sẽ còn nhiều tai nạn thương tâm như vậy nữa.
Nỗi đau trên bến Chôm Lôm quả là không có gì bằng. Cơn bão khủng khiếp vừa đi qua, chúng ta lại phải chứng kiến nỗi đau chìm đò làm 19 học sinh chết đuối. Chiếc đò vì chở quá tải nên mới xảy ra tai nạn thương tâm như thế.
Sau tai nạn này, nếu chúng ta có quy trách nhiệm cho ai: cha con ông Lô Quốc Phong bất cẩn hay là UBND xã tiết kiệm không đúng nơi đúng chỗ, thì những đứa trẻ ấy cũng vĩnh viễn không thể sống lại. Một bài học cho những người dân nơi đây và cũng là bài học cho những người có trách nhiệm. Nhưng thật đáng buồn, để có bài học này họ đã phải trả một cái giá quá đắt.
Không biết đến khi nào nỗi ám ảnh đò chìm, mang theo những học sinh cuốn sâu vào dòng nước mới chấm dứt khi mà trên bến sông này - bến Chôm Lôm - đây đã là vụ chìm đò thứ 4. Mong rằng tai nạn thương tâm này thức tỉnh được ý thức qua sông của những người dân nơi đây, nhất là những người có trách nhiệm. Tôi vừa đau lòng khi phải nghe tin 19 học sinh chết khi trên đường qua sông đi học, nhưng cũng vừa quá tức giận trước sự "tiết kiệm" quá mức không cần thiết của những người có trách nhiệm khi có một chiếc xuồng "trùm mềm". Cái việc tính toán chi ly của những người này khiến tính mạng các em học sinh dường như bị xem nhẹ. Và hậu quả là một tai nạn như thế đã xảy ra. Không biết nỗi ám ảnh này có còn lặp lại không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận