Lấy lời khai các bị can lừa đảo qua mạng bị Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bắt giữ - Ảnh: DANH TRỌNG
Điển hình như gần đây nhất, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa triệt phá vụ 8 bị can trong 1 tháng đã hack gần 4.000 tài khoản Facebook, ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng. Vậy nên làm gì và có thái độ nào để tránh trở thành bị hại?
* Ông Ngô Trần Vũ (giám đốc Công ty bảo mật NTS):
Cẩn thận với các link chuyển hướng
Trong cơn lốc khuyến mãi của mùa mua sắm cuối năm, những trò lừa đảo cả cũ lẫn mới chắc chắn sẽ tiếp tục xuất hiện khắp nơi.
Điều quan trọng là người dùng phải luôn đề cao cảnh giác bởi kẻ xấu luôn biết cách khai thác, lợi dụng những người dùng thiếu cảnh giác để đánh cắp thông tin cá nhân của họ, bao gồm cả thông tin tài chính.
Nếu nhận được một đường link về khuyến mãi hấp dẫn qua email, hãy kiểm tra kỹ bởi đôi khi nó có thể khác với những gì mà bạn nhìn thấy.
Nếu có sự sai khác, hãy chỉ truy cập trang web khuyến mãi trực tiếp thông qua trang web chính thống.
Chỉ thực hiện các giao dịch mua sắm thông qua các chợ điện tử chính thống và chú ý đến địa chỉ trang web mà bạn đang được chuyển hướng đến từ các trang chủ khác.
Đặc biệt hãy sử dụng ít nhất một giải pháp bảo mật với các công nghệ chống lừa đảo dựa trên hành vi, có khả năng cảnh báo cho bạn khi bạn đang truy cập vào một trang web lừa đảo.
* Ông Nguyễn Vũ Anh (phó tổng giám đốc Cốc Cốc):
Phải tự cập nhật các chiêu lừa đảo
Trước tiên, người dùng mạng Internet hãy luôn nhìn kỹ đường link trước khi truy cập.
Rất nhiều trang web lừa đảo được "mạo danh" những trang web quen thuộc để người dùng mất cảnh giác.
Mẹo nhỏ là hãy chỉ truy cập và cung cấp thông tin cho những website có chứng chỉ bảo mật https.
Hãy cập nhật thông tin những chiêu trò lừa đảo mới nhất để nâng cao cảnh giác.
Những thông tin này thường được chia sẻ từ bạn bè trên mạng xã hội hoặc những website tổng hợp như chuyenlenmang.vn.
Bạn hãy dành thời gian cập nhật kiến thức để không bị trở thành nạn nhân tiếp theo.
Bên cạnh đó, với sự lan tỏa nhanh chóng của thông tin trên mạng xã hội, hãy lên tiếng nếu bạn là nạn nhân.
Vì chỉ khi có nhiều người biết về những chiêu trò đó, những kẻ lừa đảo mới không còn đất dụng võ.
Hãy giữ thói quen luôn kiểm tra mọi thông tin, yêu cầu, nhất là liên quan đến tiền bạc, cho dù là từ người thân hay bạn bè.
* Ông Vladislav Tushkanov (chuyên gia về quyền riêng tư của Hãng bảo mật Kaspersky):
Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân
Internet cho chúng ta cơ hội để thể hiện cá tính cá nhân cũng như chia sẻ những câu chuyện của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng việc thể hiện bản thân trên thế giới trực tuyến không đồng nghĩa được hoàn toàn riêng tư - giống như việc bạn la to trên một con phố đông đúc, và bạn sẽ không biết ai có thể nghe được điều đó, ai sẽ không đồng tình với bạn và họ sẽ phản ứng như thế nào.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải xóa và đóng tất cả các tài khoản mạng xã hội của mình, mà chỉ là nên nhận thức những hậu quả và rủi ro tiềm ẩn, từ đó chuẩn bị phương cách đối phó phù hợp.
Khi liên quan đến dữ liệu cá nhân, người dùng tốt nhất nên: nhận thức những gì đang diễn ra, xóa bớt thông tin khi có thể và kiểm soát những thông tin khi đưa lên mạng.
Đây là những cách rất đơn giản nhưng đòi hỏi sự nỗ lực từ người dùng.
* Bà Nguyễn Ánh Hồng (giám đốc tiếp thị hệ thống bán lẻ 24hStore):
Thử đặt ra vài câu hỏi
Hãy bảo vệ mình khỏi những vụ lừa đảo bằng cách không chuyển tiền cho những đối tượng chưa lần nào gặp mặt; không tiết lộ qua mạng hoặc qua điện thoại những thông tin cá nhân như mật khẩu, số tài khoản, thông tin nhận dạng, OTP... nếu chưa xác minh được đường dẫn link đáng tin cậy.
Hãy đặt câu hỏi cho mọi vấn đề, xem sự việc có đang diễn ra hợp lý không, vì sao đối tượng lại nhờ bạn giúp mà không phải là người khác?
Hãy báo cáo hành vi lừa đảo ngay khi phát hiện cho công an.
Nếu đối tượng lừa đảo thông qua một trang web hay mạng xã hội, hãy thông báo cho quản trị viên của trang web hoặc mạng xã hội đó để ngăn chặn hành vi xấu.
Những chiêu trò phổ biến thời gian gần đây có thể kể đến: lừa đảo nhờ tạo mối quan hệ tình cảm.
Đối tượng lừa đảo dành một thời gian dài để xây dựng quan hệ qua mạng, hẹn hò qua mạng với nạn nhân trước khi dựng lên một câu chuyện đáng tin để lừa tiền như: đột ngột nói bị tai nạn nghiêm trọng cần được giúp đỡ tài chính.
Kiểu lừa gạt nữa là lừa tiền thông qua trang thứ ba. Nạn nhân sẽ nhận được thư điện tử gửi từ đường link tạo bởi ứng dụng bên thứ ba, yêu cầu xác minh tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, giúp đối tượng lừa đảo có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Ngoài ra còn kiểu mạo danh là đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân người khác để lừa đảo tài chính, bao gồm việc mở tài khoản ngân hàng hoặc mở thẻ tín dụng dưới danh tính bị đánh cắp...
Chủ động tìm hiểu thông tin
Trung tá Đặng Mạnh Cường - đội trưởng đội hình sự Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - khuyến cáo: "Đã có rất nhiều vụ lừa đảo qua mạng bị công an triệt phá và lực lượng chức năng cũng đã khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều. Người dân cần chủ động nắm bắt, tìm hiểu thông tin, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của loại tội phạm này".
Tiết chế lòng tham
Nhiều chuyên gia bảo mật, chuyên gia tội phạm học... cho rằng các trò lừa đảo qua mạng không mới, mà chỉ là thay đổi hình thức, tuy nhiên nhiều nạn nhân mới vẫn bị "sập bẫy".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an - cho biết tội phạm lừa đảo trên mạng có mục tiêu đa dạng, không chỉ chiếm đoạt tài sản, mà còn đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng để sử dụng vào các mục đích đen tối khác, đe dọa đời tư và sự an toàn của họ.
Theo trung tá Hiếu, tội phạm lừa đảo qua mạng khai thác những điểm tâm lý tiêu cực của nạn nhân như lòng tham, hám của rẻ. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân bị mắc lừa trao tài sản cho kẻ xấu chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, nhất là mất cảnh giác trong bảo mật thông tin...
"Tội phạm lừa đảo qua mạng sống được chính là nhờ vào lòng tham của người dùng. Khi đã bị tiền che mờ mắt, đó chính là lúc người dùng bị trắng tay.
Không một phần mềm bảo mật nào có thể bảo vệ người dùng trong mọi trường hợp, nếu như người dùng quá nhẹ dạ, cả tin. Bởi vậy, hãy là một công dân mạng thông minh, tỉnh táo và cẩn thận" - trung tá Hiếu lưu ý.
Luật sư Lê Trọng Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng chủ yếu đánh vào lòng tham, thiếu hiểu biết, lòng tin mù quáng của người dùng.
Từ đó, chúng mạo danh để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt luôn quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản.
"Các đối tượng lừa đảo chủ yếu hướng tới những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng mạng xã hội. Do đó, nhiều hình thức lừa đảo mặc dù đã cũ nhưng nhiều nạn nhân mới vẫn "sập bẫy" - luật sư Minh cho hay.
Từ đó, trung tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo người dùng tuyệt đối không cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như: số điện thoại, email cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số hộ chiếu, CMND... khi tham gia các trang mạng xã hội.
Người dùng cần biết rõ địa chỉ web, email chính thức và số điện thoại xác thực của ngân hàng, dịch vụ đang sử dụng. Khi bị một số điện thoại hoặc email "lạ" yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, hãy liên hệ lại với các địa chỉ xác thực này và yêu cầu xác nhận.
Trung tá Hiếu cũng cảnh báo người dân đừng bao giờ gửi tiền bằng cách sử dụng dịch vụ chuyển tiền từ người lạ, cảnh giác trước những giao kèo hay cơ hội có vẻ "lời" đến mức khó tin.
Cần cảnh giác cao trước những món quà tặng "trời ơi đất hỡi" hoặc các kiểu nhờ nhận tiền, quà tặng giá trị từ nước ngoài gửi về, cung cấp dịch vụ việc làm qua mạng... Ví dụ có thể chỉ cần gõ một vài từ khóa cơ bản về các chiêu trò kể trên thì đã có thể khái quát ngay "chân tướng" của các trò lừa đảo. (DANH TRỌNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận